Chủ nhật, 05/05/2024 01:49:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Báo Xuân 21:57, 29/01/2014 GMT+7

Họa sĩ Phạm Văn Ngọc - Một đời tâm huyết với nghệ thuật

Thứ 4, 29/01/2014 | 21:57:00 369 lượt xem

Nhắc đến những tác phẩm điêu khắc gắn liền với lịch sử quê hương tỉnh nhà như Tượng đài Điểu Ong hay Phù điêu chi bộ Phú Riềng Đỏ... hẳn trong chúng ta ai cũng biết đến nhà điêu khắc tài ba, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam - họa sĩ Phạm Văn Ngọc (58 tuổi), ngụ khu phố 3, phường Long Thủy (TX. Phước Long). Bằng tình yêu, niềm đam mê nghệ thuật, ông đã để lại nhiều tác phẩm trường tồn với thời gian.

Con đường đến với nghệ thuật

Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, ông kể về cái duyên đưa mình đến với nghệ thuật hội họa, điêu khắc: Vốn có sở thích vẽ tranh, ảnh phong cảnh từ nhỏ nên sau khi hoàn thành nhiệm vụ thanh niên xung phong, năm 1981 ông về công tác tại Phòng Văn hóa -  Thông tin huyện Phước Long cũ, chuyên vẽ tranh cổ động, tuyên truyền. Cũng trong năm đó, ông được cơ quan cử đi học Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, chuyên ngành Hội họa. Tốt nghiệp ra trường, ông vừa công tác vừa học hỏi thêm kinh nghiệm từ bạn bè, đồng nghiệp. Với ông, nghệ thuật là niềm đam mê và chính đam mê cháy bỏng ấy là yếu tố quyết định thành công trong sự nghiệp. Ông không chỉ dừng lại ở hội họa mà còn có sở trường tạc tượng. Vì thế ông còn là nhà điêu khắc để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng.

Họa sĩ Phạm Văn Ngọc giới thiệu tác phẩm “Bác Hồ với thiếu nhi”, được Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng giấy khen

Thể loại họa sĩ Phạm Văn Ngọc thích sáng tác là tranh tuyên truyền, cổ động, những bức tượng, phù điêu ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, các anh hùng dân tộc... Chỉ vào bức tượng tròn “Bác Hồ với thiếu nhi” (được ông tạc dựng năm 2002, tác phẩm được Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng giấy khen) ông cho biết: “Một tác phẩm thành công kết hợp nhiều yếu tố, quan trọng nhất là hồn. Hồn tác phẩm thể hiện ở chân dung của Bác vừa vĩ đại, gần gũi, vừa bao dung được toát lên ở khuôn mặt, cử chỉ, trạng thái, dáng dấp...”. Theo ông một tác phẩm chất lượng phải có nét khác biệt, nghĩa là phải mang tính tư duy sáng tạo chứ không được sao chép. Vì vậy để có một tác phẩm độc đáo mang tính cách riêng buộc tác giả phải dày công nghiên cứu và trải qua nhiều bước. Trước hết phải có ý tưởng, từ ý tưởng tiến hành thu thập, ghi chép tư liệu, phác thảo chi tiết, sau đó mới thể hiện phiên bản chính.

Tài năng và những giải thưởng

Trải qua những chặng đường đầy gian nan, thử thách, giờ đây họa sĩ Phạm Văn Ngọc đã khẳng định được tài năng của mình trong làng mỹ thuật với trên 100 tác phẩm nghệ thuật có giá trị được bạn bè, công chúng ngưỡng mộ. Ông đã từng chạm tay đến các giải thưởng lớn như: Giải B tác phẩm “60 năm Quốc hội Việt Nam”, giải khuyến khích lô gô Ủy ban Kiểm tra Trung ương, giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam với tác phẩm “Bảo vệ chủ quyền biển đảo”. Năm 2004, ông tham gia cuộc thi vẽ tranh cổ động nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Mặc dù không đoạt giải nhưng ông là họa sĩ có nhiều bức tranh dự thi nhất toàn quốc (7 bức), được ban tổ chức tuyên dương, khen thưởng.

Với các cuộc thi trong tỉnh, ông cũng đoạt nhiều giải thưởng cao như: Giải nhất thiết kế lô gô Festival núi Bà Rá, giải B tác phẩm “Cả dân tộc ta là rừng hoa đẹp”, giải C sáng tác các tác phẩm học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... Và các tác phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương được người dân ngưỡng mộ như Tượng đài Điểu Ong (Bù Đăng). Đây là bức tượng bằng đồng cao 4,5m được ông dày công nghiên cứu tạc dựng; bức phù điêu Chi bộ Phú Riềng Đỏ (Đồng Phú); phù điêu 30m2 đài liệt sĩ Chơn Thành, phù điêu công viên Tư điền (TX. Phước Long)...

Họa sĩ Nguyễn Duy Hồng, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật tỉnh nhận xét: “Họa sĩ Phạm Văn Ngọc có bản lĩnh sáng tạo. Những tác phẩm của ông có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phục vụ chính trị, phục vụ nhân sinh”.

Mọi người biết đến ông không chỉ là một họa sĩ điêu khắc chuyên nghiệp, tâm huyết với nghề mà ông còn sáng tác nhiều bài thơ có giá trị được đăng trên tạp chí Văn nghệ tỉnh: “Miệt mài tượng với tranh/ Ngẫu hứng làm thơ ấy chút dành/ Quy luật mai này về tiên tổ/ Để lại con mình lấy tí danh” (bài Ngẫu hứng làm thơ). Và ông còn là một nhiếp ảnh gia đã từng đoạt giải ba cấp tỉnh về ảnh chạy Marathon...

Hơn 30 năm cống hiến và tâm huyết với nghệ thuật, ông được tặng huy chương Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng, kỷ niệm chương Vì văn học - nghệ thuật Việt Nam, được Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy, UBND tỉnh... tặng bằng khen cùng nhiều giấy khen.

Chỉ có tình yêu, niềm đam mê nghệ thuật và am hiểu văn hóa truyền thống dân tộc, những người như họa sĩ Phạm Văn Ngọc mới sáng tạo được những tác phẩm hội họa, kiến trúc điêu khắc mang giá trị cao.   

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
110662

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu