Thứ 7, 04/05/2024 18:11:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Báo Xuân 21:58, 29/01/2014 GMT+7

Dấu ấn bộ đội Cụ Hồ ở Bù Gia Mập

Thứ 4, 29/01/2014 | 21:58:00 448 lượt xem

Giáp Ngọ 2014 là mùa xuân thứ 33 của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Đoàn kinh tế - quốc phòng 778 (Quân khu 7) trên vùng đất Phú Nghĩa, Bù Gia Mập, Phú Văn, Đắk Ơ thuộc huyện Bù Gia Mập. Với phương châm cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng sinh hoạt với dân của đơn vị mà những ngôi làng Xêtiêng ở Bù Gia Mập đã thực sự đổi mới. Kết quả làm kinh tế của đoàn 778 không chỉ dừng lại ở số thu trên 20 tỷ đồng mỗi năm mà những người lính Cụ Hồ đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương giúp đỡ, vận động được gần 1.200 lượt hộ dân định canh, định cư. Nhiều hộ trong số đó đã vươn lên khá, giàu.

ĐI LÊN TỪ LÒNG DÂN

Trong cái se lạnh của tiết trời miền sơn cước, trên áo đại tá Nguyễn Xuân Khương, Đoàn trưởng Đoàn 778 vẫn còn thấm đẫm sương đêm khi ông vừa từ vườn cây về. “Thăm lô, động viên công nhân đang sản xuất, bộ đội trực chiến là nhiệm vụ thường xuyên. Tết đến xuân về, không khí lao động đầu xuân trên vườn cây tấp nập, mình xuống chúc tết vừa tiện đường thăm đồng bào đón xuân mới” -  ông Khương vui vẻ tiếp nhóm phóng viên Báo Bình Phước đến xông đất đơn vị.

Bù Gia Mập nằm cuối dãy Trường Sơn huyền thoại. Trong cuộc trường chinh chống Mỹ cứu nước, vùng đất này lập nhiều chiến công hiển hách với thắng lợi của Chiến dịch Phước Long đã tạo điều kiện thuận lợi giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Sau ngày chiến thắng, Phước Long cùng với cả nước hàn gắn vết thương chiến tranh, nhưng do địa bàn rộng, vùng sâu, xa, dân cư thưa thớt, hạ tầng cơ sở yếu kém, trình độ dân trí thấp... nên gặp không ít khó khăn. Ông Khương nhớ lại ngày mới đến “hội quân” thì đây là vùng rừng thiêng nước độc, bệnh sốt rét hoành hành. Tối người dân không dám ra khỏi nhà vì sợ thú dữ và tàn dư của bọn phản động... Đặc biệt, tập quán du canh, du cư của đồng bào Xêtiêng  rất khó cho công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Bên cạnh đó, khí hậu khắc nghiệt với những cơn mưa rừng như thác đổ, lũ quét triền miên... "Để xuống được từng thôn phải đi bộ qua nhiều cánh rừng, lưng đồi và băng qua suối dữ. Đường mòn bị mưa phủ nên trơn như bôi mỡ, phải bám vào cây rừng để đến với dân" -  ông Khương hồi tưởng chuyện của gần 33 năm về trước.

Khó khăn là vậy, nhưng với phẩm chất kiên trung của người lính nên các cán bộ, chiến sĩ đoàn 778 đã vững vàng trên mặt trận mới. Vì họ đã biết phát huy sức mạnh, biết dựa vào dân, bám dân và đi lên từ sức dân để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

KHƠI NGUỒN SỐNG MỚI

Thượng tá Nguyễn Thành Ruân, Chính ủy đoàn 778 cho biết, vùng dự án có hơn 3.500 hộ dân, trong đó gần 1.200 hộ là đồng bào Xêtiêng, đời sống kinh tế khó khăn. Khi chúng tôi giới thiệu các mô hình phát triển kinh tế từ cây cao su, cây tiêu, cây điều, hầu hết các hộ dân không từ bỏ được tập quán du canh, du cư. Bằng nhiều hình thức, biện pháp và đặc biệt là phương châm “5 cùng”, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương, trí thức trẻ tình nguyện tổ chức các đội vận động quần chúng và kết hợp kiên trì vận động, thuyết phục người dân.

Để tạo sự đột phá trong nhận thức của người dân, đoàn chủ động triển khai xây dựng các công trình như mở đường, xây trường học, bắc cầu qua suối, mô hình trồng cây công nghiệp... Nhờ vậy, đồng bào Xêtiêng đã từ bỏ du canh, du cư, sinh sống tập trung thành 14 thôn, sóc cùng các dân tộc anh em. Già làng Điểu Thuốc ở thôn Bù Gia Phúc 1, xã Phú Nghĩa cho hay: “Già đã sống ở vùng đất này hơn 80 mùa rẫy, già hiểu rất rõ đời sống của bà con. Trước đây đời sống của đồng bào khó khăn, phải phá rừng làm rẫy, đói ăn, lạt muối, bệnh tật thiếu thuốc, trẻ con không được tới trường. Từ khi bộ đội về đóng quân, an ninh trật tự trong khu vực ổn định, đồng bào được nhận vào làm công nhân, con em có trường lớp ở gần nhà thuận tiện học tập, đường sá được rộng mở, người dân đi lại dễ dàng... Già cũng thường xuyên được cán bộ của đoàn xuống thăm hỏi, động viên, đưa đi khám bệnh miễn phí, hướng dẫn ăn uống, sinh hoạt hợp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh... Già luôn động viên con cháu phải tích cực lao động sản xuất, không được a dua cùng kẻ xấu làm chuyện có hại với Nhà nước. Nếu là công nhân của đoàn phải tích cực lao động, sản xuất và phấn đấu trở thành công nhân giỏi”.


Mở đường vào khu dân cư

Già làng Điểu Xưng và ông Điểu Tôn, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Bù Gia Phúc 1 cho biết: “Đoàn luôn quan tâm xây dựng khối đoàn kết quân dân, xây dựng các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, tích cực phổ biến khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, vận động ủng hộ quỹ giúp nhau xóa đói giảm nghèo”. Thôn Bù Gia Phúc 1 có 159 hộ với gần 1.000 người, trong đó đồng bào Xêtiêng có 130 hộ. Nhờ bộ đội mà nhiều hộ dân trong thôn trồng được cây cao su với diện tích lớn, thanh niên được học nghề làm công nhân của đoàn nên cuộc sống đã khấm khá.

 GIÚP DÂN LÀM GIÀU

Hiện nay, Đoàn kinh tế - quốc phòng 778 đang quản lý khoảng 424 ha trồng cao su, hồ tiêu, tre lấy măng, điều, ao nuôi cá... trong đó có 370 ha cao su đang cho khai thác. Năm 2012, doanh thu của đoàn đạt 28 tỷ đồng. Năm 2013 do giá mủ thấp nên doanh thu chỉ đạt khoảng 25 tỷ đồng.


Cán bộ Đội 3, Đoàn 778 trao đổi kỹ thuật khai thác mủ với công nhân 

Từ hiệu quả trên, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 778 đã không quản mưa nắng, ngày đêm sát cánh cùng đồng bào trồng và chăm sóc vườn cây. Hộ ông Điểu Phương ở thôn Bù Gia Phúc 1 có hơn 10 ha cao su, hồ tiêu và hệ thống chuồng nuôi heo, nuôi nhím, ao nuôi cá, hình thành mô hình V.A.C mỗi năm thu về gần 600 triệu đồng. Mô hình này được đoàn lựa chọn làm điểm để rút kinh nghiệm, nhân rộng trong vùng. Theo báo cáo của lãnh đạo đoàn, vùng dự án hiện có hơn 600 hộ đạt thu nhập 100 triệu đồng/năm; gần 300 hộ thu nhập 500 triệu đồng/năm trở lên; bình quân thu nhập đầu người đạt 9,5 triệu đồng/tháng. Đây là những con số rất ấn tượng!

Đại tá Khương nhấn mạnh: “Chúng tôi đã và đang mở các lớp đào tạo nghề cho đồng bào. Sau đào tạo, đơn vị tạo điều kiện cho thanh niên vào làm ổn định trong vùng dự án. Thanh niên được tuyển vào làm việc, ngoài bảo đảm chế độ, chính sách, đoàn chú trọng bồi dưỡng kiến thức quân sự, chính trị... Những công nhân phấn đấu tốt được đơn vị bồi dưỡng tạo nguồn phát triển đảng. Đây là nhiệm vụ quan trọng của đoàn nhằm góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn đơn vị đứng chân". 

Rời Phú Nghĩa dưới nắng xuân rực rỡ, trong chúng tôi in đậm dấu ấn, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ đoàn 778. Nhờ sự chung tay, góp sức của người lính Cụ Hồ trên mặt trận mới, người dân nơi đây đã biết phát huy nội lực để vững bước trên con đường phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới.     

Nhóm PV KT

  • Từ khóa
110647

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu