Chủ nhật, 05/05/2024 00:34:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Báo Xuân 09:44, 13/08/2015 GMT+7

Càng cấm càng làm!

Thứ 5, 13/08/2015 | 09:44:00 1,418 lượt xem

BP - Có lẽ không ở đâu lại lắm biển “cấm” như ở nước ta. Phổ biến nhất là cấm họp chợ; cấm phóng nhanh, vượt ẩu; cấm thả súc vật chạy rông ngoài đường; cấm chặt phá cây xanh; cấm bán hàng rong; cấm sờ vào hiện vật; cấm gây tiếng ồn; cấm gây mất trật tự công cộng; cấm đổ vật liệu xây dựng trên vỉa hè. Thậm chí cấm tiểu tiện, đại tiện; cấm phóng uế nơi công cộng... Nhưng mà lạ lắm, càng cấm người ta càng làm, có khi làm lén lút, cũng có khi làm rất công khai. Đó là thói xấu rất buồn cười và rất khó bỏ của người Việt. Mà không phải chỉ với trẻ con đâu nhé, rất nhiều người lớn mang thói xấu đó!

Thế nên đi ra đường, nếu ta nhìn thấy tấm biển “Cấm họp chợ”, thể nào chỗ ấy cũng là nơi họp chợ. Giữa một biển ôtô, xe máy đậu lóc nhóc trên làn đường dành cho người đi bộ, thể nào ta cũng sẽ tìm thấy một tấm biển “Cấm dừng, đỗ xe” khiêm nhường nép mình đâu đó. Đi ra công viên, quảng trường, trên những bãi cỏ được công nhân đường phố xén tỉa công phu, ngay bên cạnh tấm biển “Cấm giẫm đạp lên cỏ” thể nào cũng sẽ thấy mấy tờ báo hoặc bọc ni-lon được kê để ngồi vứt lại kèm theo những vỏ lon, hộp xốp hoặc vỏ trái cây, trông rất nhếch nhác. Ở những khu du lịch hoặc khu vực đông người qua lại, nếu có biển “Cấm bán hàng rong” thì thể nào cũng sẽ nhìn thấy mấy anh chị bán kính, khóa, bấm móng tay, thuốc trị lang ben, hôi nách... đang lảng vảng đâu đó. Còn nếu nhìn thấy biển “Cấm đổ rác”, thế nào cũng có ít nhất vài ba bọc rác, nhiều thì cả đống vứt ngay dưới chân cái biển cấm đó. Mà cũng thật lạ! Cái thùng rác để chình ình ngay bên cạnh nhưng người ta không bỏ rác vào thùng mà cứ thích vứt ngay bên cạnh.

Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam, khi hiểu rõ ý nghĩa của những tấm biển cấm thì họ rất ngạc nhiên. Để rồi sau đó họ đi đến kết luận: Người Việt Nam thích làm ngược. Cái gì càng bị cấm thì người ta càng cố làm cho bằng được. Lại có những tấm biển “Cấm đổ rác”, nhưng ai đó đã chèn thêm chữ “không” vào trước chữ “cấm” để rồi tấm biển thành “Không cấm đổ rác”. Có lẽ đó là tính cách bướng bỉnh, ưa thách thức đám đông của một bộ phận người Việt!

Tại sao dù có biển cấm đổ rác nhưng người dân vẫn cứ đổ một cách tự nhiên như vậy? Có lẽ do trước khi bị cấm thì ở nơi đó đã hình thành một bãi rác, sau đó mới có biển cấm và theo thói quen, người ta vẫn cứ đổ rác; do ý thức kém và tâm lý “hơn người” nên dù có hay không có cái biển thì người ta vẫn cứ việc xả rác. Lý do nữa là thường thùng rác công cộng chỉ được đặt ở mặt phố lớn, còn trong ngõ nhỏ không có, người dân lại ngại đi xa nên quen chỗ nào cứ đổ chỗ đó. Vì vậy, cấm cứ cấm, rác cứ đổ. Nên chăng cơ quan vệ sinh môi trường và đô thị nên đặt thêm những thùng rác công cộng tại các con ngõ nhỏ và tăng cường giáo dục, thuyết phục để từng bước thay đổi nhận thức của người dân.

Khi những tấm biển “cấm” càng nhiều lên đồng nghĩa với tình trạng vi phạm càng nhiều. Có người nói, với tính cách thích làm ngược của số đông người Việt, biết đâu việc xóa bỏ hết các loại biển cấm và tăng cường kiểm tra, xử phạt thật nặng cả về mặt tài chính và “đánh” vào danh dự, biết đâu sẽ làm thay đổi được tình hình!

 Thảo Linh

  • Từ khóa
110630

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu