Thứ 7, 04/05/2024 23:39:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Báo Xuân 21:51, 29/01/2014 GMT+7

Về làng Thái vít rượu cần, say tình ngườiTây Bắc

Thứ 4, 29/01/2014 | 21:51:00 284 lượt xem

Giàu bản sắc văn hóa và đậm chất trữ tình, mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên, làng Thái ở ấp 8, xã Lộc An (huyện Lộc Ninh) - miền đất của lễ hội Mùa Xuân đã tạo cho con người và cảnh sắc nơi đây những nét riêng độc đáo bởi sự cởi mở, phóng khoáng và trong sáng, tinh khôi như sắc mai, sắc đào thắm nở mỗi độ Xuân sang.


VÍT RƯỢU CẦN, HỘI XÒE NGÀY XUÂN

Chúng tôi dạo quanh một vòng ở làng Thái. Trời đã về chiều nhưng khắp các cụm dân cư nhiều thanh niên vẫn mải mê làm bồn cho hồ tiêu. Trong những nhà sàn làm bằng gỗ, ván... nhiều người già, phụ nữ và các cháu nhỏ tranh thủ thời gian nhận gia công bóc vỏ hạt điều để kiếm thêm thu nhập. Nhiều cô gái Thái dùng gùi thu nhặt bắp khô phơi ở sân mang vào đổ đống trước hiên nhà. Tiếng trẻ khóc trên chiếc võng trước sân, giọng ngọt ngào của chị Ngần Thị Bảy ru con vang lên: “Inh lả ơi, sao noong ời, khắp núi rừng Tây Bắc sáng ngời, mùa Xuân đến ngàn hoa hé cười...”.

Lau dọn bàn thờ tổ tiên chuẩn bị đón năm mới

Nhà Trưởng ấp Lương Thanh Luyến (dân tộc Thái) nằm bên cạnh dòng suối Can.  Ông Luyến nhấp tách trà thấp giọng: “Phải chi khách đến sớm hơn một ngày. Bữa diễn ra ngày hội đại đoàn kết dân tộc, mọi người trong ấp đều tập trung ở nhà sàn văn hóa để xem đội văn nghệ múa xòe. Những can, những ché rượu cần đầy ắp mùi thơm, bàn tay những cô gái Thái vít ống rượu cần, có khi khách say từ lúc chưa uống ngụm rượu nào”. Thấy chúng tôi tiếc nuối, bà Kha Thị Mai vui vẻ xòe vài điệu.

Này điệu xòe Thái, kia điệu xòe Hoa. Giọng chị Ngần Thị Bảy ngọt ngào với bản “Đêm trăng”, rồi “Mùa hoa nở”. Này “xòe vòng”, kia “tung khăn mời rượu”, “không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ, không xòe trai gái không thành đôi” (dân ca Thái). Gương mặt bà Mai ngời sáng như trẻ ra nhiều tuổi khi hóa thân trong từng điệu múa dập dìu. Chẳng còn cái lấm lem bùn đất lúc đi làm đồng về khi chúng tôi vừa đến. Cả gian nhà sáng lên với những hoa văn nhảy múa trên váy, áo, trên chiếc khăn piêu. 

Kể về 34 hộ đồng bào Thái sinh sống tại Lộc An, bà Mai vui vẻ: “Đến vùng đất mới để làm ăn, phải ăn mặc cho phù hợp với công việc nương rẫy, nhưng trong tủ đồ của các bà, các cô ai cũng có vài chục bộ đồ truyền thống. Những chiếc khăn piêu luôn được xếp đặt ngay ngắn, chỉ chờ lễ, hội là xúng xính lên người. Đến tận bây giờ, đám cưới của những người dân ở làng Thái cô dâu, chú rể đều mặc trang phục truyền thống, không ai mặc áo cưới hiện đại cả”.


KHÔNG CÓ CÁ NƯỚNG LÀ KHÔNG THÀNH TẾT

“Người Thái quan niệm chết là tiếp tục “sống” ở thế giới bên kia. Vì vậy, đám ma là lễ tiễn người chết về “mường trời”. Trong suốt cả năm, chúng tôi không thắp nhang trên bàn thờ, không làm đám giỗ. Cuối năm, cũng không ai cúng ông Táo, không làm lễ trừ tịch đêm giao thừa. Buổi chiều ngày cuối cùng của năm, chúng tôi đặt đĩa trầu têm 5 miếng trên bàn thờ, thưa chuyện cùng ông bà mai là ngày tết, mời về vui cùng con cháu. Trên bàn thờ không có hoa quả, bánh mứt... như người Kinh.

Chúng tôi không dùng vàng mã, sau khi chết, mỗi ông, bà đều được may một bộ đồ truyền thống, dệt bằng vải, có đủ áo, váy, khăn piêu, thắt lưng (trang phục cho nữ) hoặc áo, quần (trang phục cho nam). Cứ đến tết, chúng tôi mang bộ đồ này đặt ngay ngắn ở bàn thờ, để khi trở về ông bà có đồ để mặc. Sau khi xong tết, những bộ đồ này lại được con cháu giặt sạch, xếp đặt ngay ngắn trong tủ, năm sau lại dùng tiếp”, ông Luyến kể về tục thờ cúng trong ngày tết với chúng tôi.

Bà Mai tiếp lời: “Sáng mồng một tết là buổi lễ quan trọng nhất. Nếu nhà nào chỉ bên ngoại không còn sống thì dọn một mâm, nếu cả hai bên nội, ngoại đều không còn sống thì dọn 2 mâm để cúng. Trên mâm phải có cơm, có cá để cầu cuộc sống ngày càng sung túc hơn. Đối với họ Lò, Vi, Kha, Lương... không có cá là không thành tết. Một số họ khác nhất thiết tết phải cúng heo hoặc gà. Tổ tiên của họ nào đã chọn cúng con gì thì cứ truyền mãi mãi đến đời con cháu cúng theo”.

“Món cá suối nướng trong ngày tết cũng rất đặc biệt. Có 3 loại cá nướng và một loại cá hấp. Gia vị để ướp cá gồm mắc khén, rau thơm rừng, hạt sen, lá húng, sả, ớt, xúp, mì chính... Cá suối thường được chọn khi đủ cân nặng từ 0,4 đến 0,6 kg. Món cá nướng thứ nhất gọi là cá pính phe. Sau khi làm sạch vẩy, cá được mổ từ lưng để vứt bỏ mật và ruột. Mổ kiểu này khó hơn, không cẩn thận sẽ bị đứt tay nhưng khi gập cá lại để nướng, cá sẽ dai hơn và không bị vỡ, tạo thành hình đẹp. Món cá nướng thứ hai gọi là cá pính tốc. Sau khi mổ từ lưng để vứt bỏ mật, ruột, ướp gia vị rồi gấp đôi con cá theo chiều dọc. Món cá nướng thứ ba là cá pính chài. Sau khi mổ phanh lấy dao khứa chéo phần thân ngoài cá và tẩm các gia vị chừng 4 phút rồi gập ngang cá lại. Rau thơm và gia vị tiếp tục nhồi vào giữa, dùng thanh tre tươi kẹp chặt và nướng trên than tro củi cho đến khi cá chín. Món cá thứ tư là cá mộc. Cá mộc phải chọn loại cá màu trắng, có vảy (thường chọn cá mác, cá kiềng). Sau khi làm ruột sạch sẽ, chặt từng khúc nhỏ, trộn với tấm gạo nếp mới, ướp chút gia vị rồi gói trong lá chuối theo cách riêng, hấp hơi cho đến chín. Trên mâm cúng, số lượng gói cá mộc phải luôn là số lẻ gồm: một, ba, năm, bảy, hoặc chín gói. Cơm cúng trên mâm gồm 2 loại: Cơm nếp trắng (khảo hang), cơm nếp cốm (khảo lá). Đũa lấy nguyên nắm để ra bàn chứ không được đếm. Trên mâm, gia chủ phải chuẩn bị ly nước sôi và ly rượu. Sau khi sửa soạn xong, chủ hộ là người cúng để cầu một năm mới có sức khỏe, làm ăn phát đạt. Nếu nhà nào chưa biết cách cúng thì mời già làng đến giúp”.

Thời gian ăn tết của dân tộc Thái cũng như người Kinh. Cái khác ở đây là họ có tục mở những cuộc vui được tổ chức tại cộng đồng mà không phải tộc người nào cũng có. Ngày trước họ ăn tết kéo dài nhiều ngày, nay để con cháu đi học, đi làm nên thường tổ chức lễ hội đến mồng 5 tháng Giêng. Từ mồng 2 đến mồng 5 tết, cứ mấy nhà chung nhau tổ chức nấu ăn tại một địa điểm, cả làng cùng đến dự. Đây là tục đón tết, mừng xuân nơi bản làng, trước hết là để “uống rượu”. Sau “rượu” là những cuộc vui văn nghệ, múa, hát, xòe và những trò chơi dân gian như: Ném còn, nhảy bao bố...

Tại nhà trưởng bản và những địa điểm tổ chức ăn tết cộng đồng, khi trống, chiêng vang lên là cuộc vui bắt đầu. Mọi người ngồi vào mâm theo lứa tuổi, giới tính để bày tỏ sự đoàn kết, thân thiện. Tiệc rượu bắt đầu, họ vừa nhâm nhi, vừa “khắp” (hát) những khúc dân ca quen thuộc theo lời cổ, hoặc tự ứng khẩu. Thường là nam, nữ hát đối đáp, giao duyên. Nội dung thường ca ngợi mùa Xuân, chúc mừng năm mới, không khí thi đua nhau phát triển kinh tế, ca ngợi quê hương kinh tế mới... Khi đã bốc men, mọi người nắm tay nhau tạo thành vòng tròn, rồi theo nhịp trống, chiêng nhún nhảy thành những bước xòe. Cuộc vui càng vui, cứ thế diễn ra thâu đêm, suốt sáng.

 Tuyết Ly

  • Từ khóa
110674

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu