Thứ 7, 04/05/2024 20:32:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Báo Xuân 22:00, 29/01/2014 GMT+7

Chuyện xưa kể lại

Ngựa tái ông

Thứ 4, 29/01/2014 | 22:00:00 945 lượt xem

“Ngựa đi, ngựa đến của trời cho
Biết đâu phúc, họa mà lo lỗ lời”.

Một làng nọ ở vùng sơn cùng thủy tận, núi non trùng điệp, quanh năm mây phủ, cuộc sống thanh bình. Trong làng có một nông gia sống lặng lẽ, giản dị,hòa đồng, chẳng mất lòng ai. Ông nuôi một con ngựa cái để cưỡi khi đi thăm thú bạn bè, chuyên chở nông sản từ núi về nhà.

Một hôm con ngựa tự nhiên biến mất. Nhà chỉ có hai bố con. Người con than thở: Nhà mình có một con ngựa là nguồn lao động, nguồn sống, vậy mà tự nhiên biến mất, thật là tai họa.

Ông bố an ủi: Chuyện đời rủi may thường xảy ra. Ngựa mất là rủi ro thật, nhưng biết đâu đó lại là điều may?

Người con bật cười hỏi: Cha bảo may nghĩa là thế nào? Ông bố không giải thích được, nhưng vẫn bảo rằng “Số mệnh giàu, nghèo là do trời định, đại phú (giàu to) do trời, tiểu phú do nhân, trời không cho ta giàu to thì cho ta giàu nhỏ, bố con mình gắng sức làm việc vậy.

Một buổi chiều, vừa từ rẫy về đến nhà, người con nghe tiếng hí vang của ngựa, chàng trai mừng rỡ chạy ra xem, thì ngay trước mặt chàng là con ngựa cái của mình đi trước, theo sau là con ngựa đực màu hồng rất đẹp. Bố ơi, ngựa đã về, phúc đã đến với nhà ta rồi! Hàng xóm đến xem, chúc mừng người hàng xóm của mình gặp may.

Song, ông bố lại nói với dân làng “phúc bất trùng lai”, tôi may mắn chẳng mất ngựa mà còn được ngựa, nhưng phúc ít khi đến hai lần, xin cảm ơn bà con, tôi nghĩ rằng mình lo làm việc, sống lương thiện, đó là của cải, là phúc đức. Làng xóm nghĩ là ông khiêm tốn, chứ ở trên đời ai không muốn hạnh phúc?

Được ngựa tốt, con trai ông đã cưỡi rong chơi khắp nơi, đua đòi cách làm giàu. Say mê với tốc độ phi của ngựa, anh ta bị ngã ngựa gãy một chân, ông bố phải bán cả đôi ngựa để thuốc thang chữa chạy cho con và chăm chỉ lao động tối ngày.

Một lần nữa dân làng đến “chia buồn” và bảo rằng ông đã gặp đại họa.

Ông lão cảm ơn và nói: Chuyện phúc họa là do trời định. Tôi chỉ biết làm ăn lương thiện, giúp đỡ người khác, biết đâu mà phúc với họa?

Một thời gian sau, giặc đến xâm chiếm, bắt trai làng đi lính, tịch thu trâu, ngựa phục vụ đội viễn chinh, riêng con trai của ông già do tàn tật nên được ở nhà.

Giặc tan, trong làng kẻ còn người mất, riêng gia đình ông vẫn còn nguyên. Ông thầm nghĩ: Ở đời chỉ có đạo đức là thứ lâu bền, còn chuyện vật chất thì như phù du, sớm còn tối mất, chuyện phúc - họa biết đâu mà lường liệu được.

Ông già vùng sơn cước mất ngựa rồi lại được ngựa, từ lòng mình ông xác định đó chỉ là chuyện may rủi. Được ngựa chưa phải là phúc, vì sau đó chỉ vì cưỡi ngựa tốt, con trai ông bị ngã gãy chân tàn tật suốt đời. Tàn tật chưa phải là họa bởi khi chiến tranh ập đến, người khỏe trong làng bị giặc bắt ra trận và không ít người chẳng bao giờ trở lại. Trong hoàn cảnh này gia đình ông lại gặp được phúc to không mong vẫn được.

Lương Thiện Nhân

 

  • Từ khóa
110654

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu