Thứ 4, 08/05/2024 10:48:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Báo Xuân 21:24, 29/01/2014 GMT+7

Ước nguyện lãng du của chàng trai 8X

Thứ 4, 29/01/2014 | 21:24:00 158 lượt xem

Xin chữ ngày tết vốn là nét văn hóa đẹp của người Việt có từ hàng ngàn năm nay. Câu đối đỏ cũng như cây nêu, cành đào, bánh chưng, bánh tét là biểu tượng của sự sum họp gia đình, tưởng nhớ và giữ gìn truyền thống dân tộc. Chữ treo trong nhà còn thể hiện sự thành kính, mong ước một năm mới sung túc của gia chủ. Xuân về, có một người trẻ mang nguyện ước rất lạ, cho chữ ở cổng trường học, quán cà phê... để làm cầu nối những phong tục truyền thống của người xưa với giới trẻ.


NÉT CHỮ, NẾT NGƯỜI

Xuất thân trong gia đình nông dân nhưng từ nhỏ Nguyễn Văn Đồng (sinh năm 1986, ở phường Tân Thiện, TX. Đồng Xoài) đã được học và tích lũy vốn chữ Hán Nôm khá phong phú. Lớn lên, anh Đồng theo học trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc, rồi dạy bộ môn Mỹ thuật cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và dạy năng khiếu tại Nhà văn hóa thiếu nhi huyện Chơn Thành. Công việc và cuộc sống nay đây mai đó đã cuốn anh vào con đường nghệ thuật thư pháp, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu chữ Hán Nôm.

Anh Đồng viết thư pháp tại lễ hội ẩm thực đường phố xuân Quý Tỵ 2013

Khi còn nhỏ, cậu bé Đồng thường đến đình làng (xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) vào ngày tết. Đồng ít khi vui đùa cùng chúng bạn mà thường đứng một góc mê mẩn nhìn những ông đồ hơn 90 tuổi, mặc áo the đen, tay cầm bút tre, mực tàu phóng những nét bút trên mảnh giấy lụa điều. Tết năm lên 7 tuổi, lần đầu tiên Đồng được ông đồ cho một chữ nho, cậu bé mang về dán ở nơi trang trọng trong nhà. Từ đó, Đồng tìm đến những người lớn tuổi, tìm trên sách, trên mạng để hiểu và học cách viết thư pháp với tâm nguyện “làm chiếc cầu nối giữa nhiều thế hệ, nhiều con người”.  

Anh Đồng giãi bày: “Nghệ thuật viết thư pháp đòi hỏi người viết phải hiểu được cái ý tứ sâu xa của chữ, có như vậy mới thể hiện được cái thần của chữ. Ngoài những lề luật, khuôn phép truyền thống, tôi sáng tạo thêm để con chữ mang dấu ấn riêng. Thư pháp gắn bó với tôi như người bạn tri kỷ, nhờ nó mà tôi có thể giãi bày được những nỗi buồn vui của cuộc đời và nhân tình thế thái qua từng nét chữ. Viết thư pháp rèn rất nhiều đức tính của con người như: Cần cù, kiên nhẫn... Thư pháp luôn cần cái tâm, thả hồn vào con chữ, chỉ cần trong lòng lợn cợn thì sẽ thể hiện trên nét chữ, người tinh ý sẽ nhận ra ngay”. Vì thế, những con chữ của anh Đồng lúc hào sảng, khi lả lướt, có lúc lại đượm buồn trắc trở nỗi suy tư cuốn hút những người yêu thư pháp.


VÀ GIỚI TRẺ TÌM VỀ

Xuân Quý Tỵ 2013, đường Hùng Vương (TX. Đồng Xoài) náo nhiệt đêm hội ẩm thực. Chúng tôi đã gặp anh Đồng trong bộ áo dài khăn đóng truyền thống, ngồi trên một chiếc phên tre viết thư pháp. Những ngày sau đó, chúng tôi lại gặp anh tại các quán cà phê dọc quốc lộ 14, vẫn chiếc áo dài khăn đóng, anh viết thư pháp tặng các bạn trẻ.

Khi chúng tôi tìm đến căn phòng trọ tại phường Tân Thiện, anh Đồng đang dùng con dao nhỏ rọc một bên của những đoạn ống nước bằng nhựa PVC. Sau đó, anh dùng giấy decal màu gỗ dán bên ngoài, rồi cột dây dù để có thể treo lên. Đây chính là công đoạn anh tự làm khung cho những bức thư pháp. Giấy để viết thư pháp không phải là giấy điều hay lụa mà được anh cắt ra từ tờ giấy trắng khổ A0, dùng sơn màu đỏ xịt ở trên và dưới tờ giấy (phía gần khung). Với cách làm như vậy, mỗi khung tranh để viết thư pháp chỉ tốn khoảng 4 đến 5 ngàn đồng nhưng tâm tư dồn vào đó không nhỏ. Anh Đồng cho biết: “Đêm diễn ra lễ hội ẩm thực đường phố mừng Xuân Quý Tỵ 2013, mỗi bức thư pháp được người xin chữ đưa lại từ 25 đến 30 ngàn đồng. Tổng số tiền tôi nhận được hôm đó là 1,6 triệu đồng. Nhờ khoản tiền này, tôi mua vật liệu để viết thư pháp tặng miễn phí trong những ngày tết”.

Anh Đồng kể: “Ngày còn dạy mỹ thuật ở xã Nha Bích (Chơn Thành), tôi thường lang thang nhặt những viên đá có hình dáng lạ ở suối Rạt, hay dùng những mảnh gỗ nhiều hình thù để viết thư pháp lên đó tặng những em học sinh mê chữ. Ý định mang một hình ảnh ông đồ ngày xuân đến với giới trẻ đã nung nấu trong tôi từ rất lâu, nhưng mãi đến xuân Quý Tỵ 2013 mới làm được. Năm nay, tôi dự định từ tết Dương lịch 2014 sẽ áo dài, khăn đóng ngồi viết trước cổng một số trường học, tùy các em học sinh đưa bao nhiêu tiền cũng được, gần giống với tục cho chữ của các cụ ngày xưa. Từ đêm mồng 1 đến mồng 5 tết Giáp Ngọ 2014, tôi sẽ ngồi ở một số quán cà phê tặng chữ miễn phí cho những bạn trẻ”.

Đối với người vẽ tranh, viết chữ, niềm vui của họ là trao một “mảnh” tâm hồn cho những người biết trân trọng nghệ thuật. “Sau những buổi viết thư pháp, một số bạn trẻ đến tận nơi tôi ở để tìm hiểu về nghệ thuật thư pháp, có người còn tranh thủ thời gian rảnh rỗi đến học cách viết thư pháp” - anh Đồng xúc động kể.

Mùa xuân, tìm đến “ông đồ” xin cho mình một vài nét chữ với ý nghĩa cầu chúc một năm mới may mắn và thành công sẽ mang đến cho bạn một cảm giác như được trở về với nét phong tục xưa, làm cái tết thêm sum họp, ấm cúng.     

Thế Quân

  • Từ khóa
110659

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu