Thứ 4, 08/05/2024 19:11:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Báo Xuân 21:49, 29/01/2014 GMT+7

Chiếc răng khổng lồ và dòng họ thích sưu tầm vật lạ

Thứ 4, 29/01/2014 | 21:49:00 491 lượt xem

Hơn 30 năm qua, chiếc răng khổng lồ nằm lặng lẽ trong gia đình ông Võ Công Tấn (1955), ở thôn Phú Cường, xã Phú Riềng (Bù Gia Mập) cùng với nhiều câu hỏi chưa lời giải. Chiếc răng trở thành “bảo vật” truyền đời của dòng họ. Cùng với chiếc răng khổng lồ là 6 chiếc rìu đá chưa rõ niên đại được gia đình ông Tấn tin là đem lại sự bình an và may mắn.

DÒNG HỌ THÍCH SƯU TẦM VẬT LẠ

Theo lời kể của ông Tấn, dòng họ ông có nguồn gốc ở vùng sông nước Vĩnh Long và sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên 3 đời nay, gia đình ông lại chọn nghề buôn bán để mưu sinh. Năm 1980, gia đình ông chuyển đến Bình Phước lập nghiệp. Mới đầu kinh tế khó khăn, cha của ông là Võ Văn Mừng phải làm nghề hớt tóc để trang trải cuộc sống. Về sau dành dụm được ít vốn mở cửa hàng tạp hóa buôn bán. Năm 1985, cha ông Mừng mở cửa hàng kinh doanh vàng tại huyện Phước Long (nay là thị xã Phước Long).

Theo lời kể của ông Tấn, dòng họ ông, đặc biệt là 3 đời gần đây rất thích sưu tầm vật lạ. Đến nay, ông Tấn không nhớ rõ năm cha mình may mắn được sở hữu chiếc răng khổng lồ của một người dân tộc Xêtiêng bán lại. Hiện tại, chiếc răng được truyền lại cho ông Tấn sở hữu.

Khi lập gia đình, ông Tấn mở cửa hàng buôn bán giày dép, quần áo, điện thoại... ở xã Phú Riềng (Bù Gia Mập). Nhờ được thừa hưởng những vật quý từ các đời trước, cộng với sở thích của mình nên ông Tấn không ngừng sưu tầm đồ “độc”. Hiện tại, trong nhà ông Tấn có rất nhiều hàng “độc” như: Chiếc răng “khủng”, một bộ rìu đá gồm 6 chiếc, một chiếc cối giã trầu bằng đồng... Ông Tấn chỉ tay về phía tủ đựng các món đồ nói: “Chúng có cách đây hàng trăm năm, do chưa có điều kiện nên tôi chưa đem xác định niên đại”.


Chiếc răng khổng lồ được ông Tấn xem như bảo vật trong gia đình

CHIẾC RĂNG KHỔNG LỒ TRỞ THÀNH “BÁU VẬT”

Thấy chiếc răng được đặt trên bàn thờ, lại thường xuyên được thắp hương, khấn vái, lấy làm lạ ông Tấn hỏi cha thì mới hiểu đầu đuôi câu chuyện: “Vào một ngày giữa tháng 5-1985, một người đàn ông Xêtiêng đến cửa hàng của gia đình. Vừa vào đến cửa, vị khách này đưa cho cha tôi một đồ vật rất lạ. Thoạt nhìn tưởng như một phiến đá, phần dưới lại giống như những chiếc răng. Trông có vẻ khác thường, cha tôi băn khoăn hỏi xuất xứ, vị khách lắc đầu không hề hay biết. Theo lời người đàn ông đó, lúc vào rừng săn bắn đã tìm thấy nó trong hang sâu. Dù chưa biết gì về vật lạ nhưng người này cho đây là một vật hiếm nên nhặt về bán. Với kích thước khổng lồ có thể khẳng định đây là chiếc răng của một loài thú rất lớn. Đem cân đo, nặng tới 5,3kg, dài 27cm, rộng 17cm và dày 7cm. Chiếc răng lạ đã đánh thức sở thích sưu tầm vật lạ của cha tôi, nên ông đồng ý mua lại”.

Khi mua được chiếc răng “khủng”, cha ông Tấn đem rửa, lau chùi sạch sẽ rồi đặt lên bàn thờ. Mặc dù chưa biết chính xác đó là chiếc răng của loài thú nào, nhưng gia đình ông coi như báu vật linh thiêng, đem lại sự may mắn trong làm ăn. Vì vậy  chiếc răng được đặt vào nơi trang nghiêm trong gia đình và được thờ cúng.

Cũng vì có duyên với đồ cổ, năm 1986 ông Tấn sưu tầm được bộ rìu bằng đá được ghè đẽo rất công phu. Theo lời kể của ông Tấn, những năm mới về Bình Phước lập nghiệp, đồi núi còn hoang vu, dân cư thưa thớt. Cuộc sống nơi đây còn nghèo, muốn có nguồn nước sinh hoạt phải đào giếng. Người dân trong vùng đào giếng rất nhiều nên thường bắt gặp nhiều đồ vật lạ. Biết gia đình tôi thích sưu tầm vật lạ, nên mỗi lần đào được vật gì khác thường họ lại đem đến đổi hàng hóa hoặc bán lại. Trong gần 2 năm, gia đình đã mua được 5 chiếc rìu đá từ những người đào giếng trong vùng, còn 1 chiếc rìu khác được tìm thấy trên tổ mối khi gia đình làm nhà.

6 chiếc rìu đá có kích thước khác nhau. Chiếc lớn nhất dài trên 10cm, dày 2cm, được chế tác từ đá, lưỡi sắc, có cán nhỏ vừa với kích thước tay cầm, có thể người xưa dùng công cụ này để chặt cây... Điều đặc biệt, âm thanh phát ra khi những chiếc rìu chạm vào nhau nghe rất trong, có độ vang. Điều này hoàn toàn khác với các loại đá thường gặp, nên ông Tấn quen gọi đó là “đá tiền sử”.


6 chiếc rìu đá và chiếc cối giã trầu bằng đồng được gia đình ông Võ Công Tấn lưu giữ

Ông Tấn cho biết thêm: “Hiện gia đình đang lưu giữ một chiếc cối giã trầu bằng đồng cũng chưa rõ nguồn gốc xuất xứ. Vật này cũng như chiếc răng, bộ rìu đá đều được bày nơi trang trọng nhất trong nhà”. Nhưng ông Tấn vẫn tiếc nuối: “Trước đây, gia đình còn mua được một chiếc ly uống rượu ba chân bằng đồng, bị sứt mẻ. Chiếc ly đó có thể được dùng cho các vị vua chúa thời xưa. Trong một lần bị kẻ gian đột nhập vào nhà lấy tài sản, chiếc ly đó đã “không cánh mà bay””.

CHỈ XIN THỪA KẾ CHIẾC RĂNG

Gia đình ông Tấn có 7 anh chị em, khi đến tuổi dựng vợ gả chồng, mọi người đều được cha mẹ chia đất đai. Riêng chiếc răng “khủng” được người cha xem là kỷ niệm lớn trong đời, cũng là “di vật” truyền lại cho các con và ông Tấn may mắn được tin tưởng giao lại. Ông chia sẻ: “Lúc phân chia tài sản, cha tôi cho 2,5 ha đất nhưng tôi không lấy, chỉ xin được thừa kế lại chiếc răng. Có lẽ thấy tôi cũng thích sưu tầm vật lạ nên cụ đồng ý. Trong di chúc của cha tôi cũng có nhắc tới điều này”. Nhớ lời cha, chiếc răng luôn được đặt trong tủ kính, ngay tại gian chính trong cửa hàng nhằm cầu tài lộc về với gia đình và người thân.

Gia đình ông Tấn vô cùng trân trọng chiếc răng “khủng” và bộ rìu đá sưu tầm được. Nhưng điều làm ông cùng gia đình băn khoăn là chưa thể xác định được niên đại, nguồn gốc của những đồ vật mà mình đang sở hữu. Ông Tấn suy đoán: “Chiếc răng cùn, láng bóng nên rất có thể của một loài động vật ăn cỏ”. Để tìm lời giải, năm 1986, vợ ông đem chiếc răng xuống thành phố Hồ Chí Minh nhờ các nhà khảo cổ học giải đáp, nhưng vẫn chưa tìm được lời giải, cuối cùng đành đưa về lại Bình Phước.

Nhiều năm trôi qua, những đồ vật trên với gia đình ông Tấn vẫn còn nhiều điều phải trăn trở. Ông nói: “Nếu nghiên cứu kỹ về chiếc răng, xác định được niên đại, có thể hiểu rõ hơn về lịch sử phát triển của vùng đất Bình Phước. 6 chiếc rìu cổ có giá trị lịch sử chính là thành quả của sự lao động miệt mài và sáng tạo của cha ông từ ngàn xưa để lại. Vì vậy, cần gìn giữ để phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn”. Ông Tấn cho biết, sẽ chuyển tất cả đồ vật đó cho người con trai đang sống ở Thừa Thiên - Huế thừa kế, vì ở đó có nhiều khách tham quan du lịch, biết đâu lại tìm ra được nguồn gốc của chiếc răng và bộ rìu đá.                   

    Thùy Hương

  • Từ khóa
110640

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu