Thứ 5, 09/05/2024 03:42:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Báo Xuân 21:51, 29/01/2014 GMT+7

Cha nuôi voi con tìm voi

Thứ 4, 29/01/2014 | 21:51:00 201 lượt xem

Đón xuân Giáp Ngọ này, ông Điểu Tiên 71 tuổi. Mắt ông đã mờ nhưng giọng còn sang sảng, dáng người khỏe khoắn, chắc chắn. Khác với số đông đồng bào Mơnông, Xêtiêng đã lớn tuổi, ông nói tiếng Việt rất rành rọt. Đặc biệt, khi trò chuyện về “Một thời nuôi voi”, ông hào hứng hơn hẳn.

Còn con trai ông, Điểu Nê, lại dẫn chúng tôi lần theo dấu chân những con voi hoang dã về thôn Sơn Hòa 2 thời gian vừa qua, với nhiều câu chuyện đầy bí ẩn.

Từ QL14 vào gần 10km chúng tôi tìm đến nhà hai cha con ông Điểu Tiên ở thôn Sơn Hòa 2, xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng. “Nhà giàu mới có voi. Nhà mình cũng có tiền, sang Đắk Mil (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) mua một con voi con của ông Điểu Giốp. Lúc mua nó cao 4 hắt” - ông hào hứng bắt đầu kể về con voi đầu tiên mua được.


Ông Điểu Tiên vừa trông hai đứa cháu nội vừa kể lại một thời nuôi voi đầy hào hứng

VANG BÓNG MỘT THỜI CÙNG VOI

Hào hứng lắm, thế nhưng quá lâu rồi, ông cũng chẳng nhớ chính xác mua con voi đầu tiên có phải năm 1975 hay không và mua với giá bao nhiêu tiền. Nhưng khi nói chuyện “kỹ thuật” nuôi voi, ông lại không nhầm lẫn điều gì.

Ông giải thích mua bán voi con người ta đo bằng “hắt”. Đó là đơn vị tính khi mua voi con, khoảng 2-3 tuổi, voi trưởng thành không tính như vậy nữa. Mỗi “hắt” là một cánh tay - từ cổ tay đến đầu gối tay, bất kể người tay dài, tay ngắn. Năm 1977, ông Điểu Tiên mua thêm một con voi nữa. Con voi này ông còn nhớ mua được với giá 9.000 ngàn đồng. Năm 1979, gia đình ông mua con voi thứ ba. Con voi đầu tiên chỉ sống được với gia đình ông hơn 9 năm, hai con sau một con sống được 10 năm, một con sống được 15 năm. Cả 3 con đều là voi cái.

Ông Điểu Tiên hào hứng kể việc mua một con voi dẫn về nhà dễ như dẫn một con trâu ra đồng: “Hiểu ý nó cũng dễ, chỉ cần ngồi lên trên lưng dẫn về thôi. Từ Đắk Mil về Sơn Hòa khá xa, chủ yếu là đường rừng. Lấy một sợi xích cột vào chân nó. Đi đường rẽ phải, trái, đứng lên, quỳ xuống, đều có “lệnh” và nó hiểu được, nó không nghe thì có cục sắt đập vào bàn chân là phải nghe. Khi mua có một hoặc hai con voi trưởng thành dẫn về. Lúc nó còn nhỏ chỉ làm việc nhẹ. Lớn lên nó làm được mọi việc, chở lúa, chở củi, chở gỗ... Nhìn thế chứ lúc nó còn nhỏ cũng có thể kéo được 2-3 tấc gỗ. Voi làm việc cho nhà mình, nhưng cũng cho đồng bào trong sóc mượn -  không lấy tiền”.

Ông Điểu Tiên cho biết thời điểm đó không chỉ nhà ông nuôi voi mà một số nhà khác như ông Điểu Trí, ông Điểu Dòi, ông Điểu Minh... mỗi nhà cũng có 1 con voi. Tuy nhiên, ở Sơn Hòa lúc đó chỉ có 1 con voi đực của ông Điểu Chới, còn lại đều là voi cái. Con voi đực của ông Điểu Chới có ngà dài và rất đẹp. Voi đực nuôi rất khó, nó dữ, không cẩn thận có thể quật chết người.

Bầu bạn với voi hàng chục năm nên ông Điểu Tiên rất hiểu ý voi. Ông cho hay: Không phải con voi nào dùng cục sắt đập vào chân nó cũng đi. Nhiều con lì lắm, phải hiểu ý nó và dùng nhiều cách khác nhau. Voi bình thường rất hiền, một đứa trẻ 5 tuổi cũng điều khiển được. Chỉ cần kéo tai nó lên và nói “nằm xuống” là nằm, “đứng dậy” là nó đứng. Khi mệt nó la cả sóc nghe điếc tai, lúc đó chỉ cần cho nó ăn là hết la ngay. Voi ăn khỏe, thứ gì cũng ăn được nhưng thích nhất vẫn là được ăn mía, chuối, thơm, mít và... trái điều.

VÀ CON ĐI TÌM VOI

Hoạt bát, vui vẻ và nhiệt tình, Điểu Nê (1972) - con trai ông Điểu Tiên đưa chúng tôi đến với những con voi đang hiện hữu ở Sơn Hòa. Nhưng khác với những con voi của gia đình anh nuôi trước đây, lần này đàn voi ở Sơn Hòa anh chưa từng chạm tay vào nó - bởi đó là những con voi hoang dã. Dù sợ hãi, nhưng Điểu Nê vẫn cuốn vào những câu chuyện về đàn voi như có sức hút vô hình.

Khi nào đồng bào gọi voi là “ông voi”?

Hai mắt nhìn xa xăm, câu chuyện chùng xuống khi ông Điểu Tiên nhắc đến việc 3 con voi nhà ông lần lượt bị chết: “Thỉnh thoảng khi tắm và lúc ngủ voi mới nằm. Một hôm nó không ăn cỏ, không ăn gì cả, nằm cả ngày, không đứng dậy. Mấy hôm sau là chết. Voi còn thức mà nằm là chết. Lớn quá, không khiêng đi chôn được, nên voi chết ở đâu chôn luôn ở đó. Khi voi chết, đồng bào không gọi con voi nữa mà gọi là “ông voi” - đó là tình cảm và sự tôn trọng đối với “ông”. Đồng bào chúng tôi không ai dám ăn thịt “ông”. 3 “ông” voi nhà tôi đều chôn ở thôn Sơn Tùng, gần QL14”.

Lớn lên cùng đàn voi của gia đình, nhưng vợ chồng Điểu Nê nhiều đêm ngủ trong chòi ở rẫy, đã “kinh hồn bạt vía” khi thấy “ông voi” đi qua rẫy nhà mình tìm kiếm thức ăn. Câu chuyện voi hoang dã về Phú Sơn thời gian qua đã được cả huyện Bù Đăng biết. Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh và cũng đã xác định có voi về Phú Sơn, cụ thể là về thôn Sơn Hòa 2, nhưng không xác định được có bao nhiêu con, chỉ khẳng định là dấu chân rất to.

Điểu Nê dẫn chúng tôi đi xem dấu chân và phân voi còn mới như chỉ vài ba hôm ở trong rẫy, khu vực giáp ranh với rừng tự nhiên còn dày đặc cây cối. Đây cũng là khu vực duy nhất ở xã Phú Sơn còn rừng. Chúng tôi tìm gặp Điểu Bôn có rẫy trong khu vực đàn voi vừa đi qua. Điểu Bôn, 35 tuổi nhà ở thôn Sơn Thành 2. Một hôm đang dùng máy phát cỏ rần rần, linh cảm có gì đó phía sau, Điểu Bôn quay lại thì thấy con voi đang đứng lừng lững. Sợ quá, Điểu Bôn định bỏ chạy, nhưng biết chạy thì không thoát, nên “xúi, xúi” đuổi con voi đi. Con voi không bỏ đi mà lại trân mắt nhìn Điểu Bôn. Lúc đó Điểu Bôn nghĩ đến kinh nghiệm của đồng bào truyền lại, liền bình tĩnh lấy một ống tre nhỏ ra thổi như được dạy bảo từ lúc còn nhỏ. Và bất ngờ, con voi lẳng lặng bỏ đi. Sau đó Điểu Bôn kinh hồn bạt vía chạy một mạch khỏi khu vực nguy hiểm.

Đang dọn rẫy ở khu vực có đàn voi đi qua, ông Điểu Bai (1960) dẫn chúng tôi đến một địa điểm và kể: Sau khi có voi về, chúng tôi còn thấy có dấu chân một con cọp đi cùng. Một buổi sáng lên rẫy, Điểu Sơn là em rể tôi, gọi đến xem dấu chân một con chó, nhưng dấu chân to lắm, bằng bàn tay xòe ra. Đó là dấu chân con cọp đi bảo vệ và lùa con voi về. Đàn voi do ông bà - đất trời - rừng cây nuôi dưỡng và đưa về nên nó không tấn công người. Con cọp đó là hiện thân của ông bà - đất trời - rừng cây.

Đồng bào ở Sơn Hòa cho rằng thời gian qua có khoảng 2, 3 hoặc 4 con voi về khu vực rẫy của dân. Tuy nhiên, đàn voi chưa từng phá chòi rẫy hay hoa màu, chỉ đi men theo các con suối để ăn chuối. Đồng bào Mơnông ở Sơn Hòa cũng cho biết ngày trước khu vực này toàn rừng rậm, có nhiều tê giác, cọp, voi... nhưng nay không còn. Những năm trước giải phóng 1975, đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Sơn nhiều người nuôi voi. Khi chiến tranh, người dân bỏ đi, không mang voi theo, nó vô rừng ở lại. Nay rừng cạn kiệt, nó trở ra khu vực rẫy của dân tìm thức ăn. Nó vốn là voi nhà nên không tấn công người, không phá vườn rẫy, hoa màu của dân, chỉ khi lại gần quá nó mới kêu rống lên để mình bỏ đi mà thôi.


Điểu Nê đi tìm dấu vết của đàn voi về Sơn Hòa

Trần Phương

  • Từ khóa
110638

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu