Thứ 2, 20/05/2024 19:40:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Bản tin hướng về miền Trung 08:23, 11/06/2015 GMT+7

Bác sĩ Trần Duy Thao: Cuộc chiến thầm lặng nơi vùng sâu

Thứ 5, 11/06/2015 | 08:23:00 124 lượt xem
BP - 20 năm gắn bó với Trạm y tế xã Đắk Nhau (Bù Đăng) là chừng ấy thời gian bác sĩ Trần Duy Thao (1972) hết lòng chăm sóc sức khỏe nhân dân và tuyên truyền để người dân tộc thiểu số (DTTS) bỏ những hủ tục lạc hậu. Những hy sinh thầm lặng của anh được đền đáp bằng niềm tin yêu của người dân nghèo và sự tín nhiệm của lãnh đạo cấp trên.


Bác sĩ Trần Duy Thao khám bệnh cho người dân 

CUỘC CHIẾN CHỐNG HỦ TỤC

Xuất thân từ quê lúa Thái Bình, tốt nghiệp THPT chàng trai Trần Duy Thao theo người làng vào Bình Phước làm kinh tế. Chưa đầy 2 năm trên vùng Đắk Nhau, Duy Thao tận mắt chứng kiến nhiều người phải ra đi vì bệnh tật và do những hủ tục lạc hậu. Trước hàng chục người phải chết mỗi năm, Duy Thao quyết tâm học làm bác sĩ. Năm 1995, bác sĩ Thao vào công tác tại Trạm y tế xã Đắk Nhau và cuộc chiến với hủ tục lạc hậu để bảo vệ sức khỏe nhân dân bắt đầu.

Phần lớn người dân trong vùng là đồng bào Mơnông với nhiều tập tục lạc hậu (năm 1995, xã Đắk Nhau chỉ có khoảng 20 hộ người Kinh). Theo quan niệm của phần đông đồng bào bấy giờ, những người mang bệnh là do bị ma nhập hay thần linh phạt nên phải mời thầy cúng về làm phép thì mới hết bệnh. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ phải tự sinh tại nhà để phù hợp với tập tục truyền thống và không tốn kém. Trong khi quan niệm trừ tà ma để chữa bệnh đang ăn sâu trong tiềm thức của đồng bào nơi đây thì cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế trong khu vực Đắk Nhau còn quá thiếu thốn và sơ sài nên chất lượng khám chữa bệnh chưa cao. Theo đó, thầy cúng càng được dịp khuyếch trương “tài năng” của mình cũng như hạ thấp vai trò của các y, bác sĩ.

Quyết tâm thay đổi nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe, bác sĩ Thao đã cùng đồng nghiệp phối hợp chính quyền xã, ban điều hành thôn ấp, các hội, đoàn thể tuyên truyền phòng chống dịch bệnh. Tăng cường đội ngũ y tế thôn bản để tuyên truyền hiểu biết cho người dân về sinh sản, kế hoạch hóa gia đình để hạn chế tình trạng tai biến sản phụ. Bên cạnh đó, bác sĩ Thao tham mưu nâng cao chất lượng nữ hộ sinh, khám chữa bệnh tại trạm y tế.

Bác sĩ Thao cho biết: Để thay đổi nhận thức về chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng sâu, chúng tôi đã đi bộ hàng chục cây số đến từng nhà dân để tiêm phòng, khử trùng, hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh... và trên hết là đã chữa thành công nhiều ca bệnh khó nên đồng bào dần dần tin vào bác sĩ. Để minh chứng cho điều mình vừa nói, bác sĩ Thao lấy cuốn sổ ghi chép bệnh nhân ra cho chúng tôi xem với hàng chục lượt người mỗi ngày.

 CỨU TINH CỦA BỆNH NHÂN SỐT RÉT

Gần 12 giờ trưa, chúng tôi theo chân bác sĩ Thao đến xóm đi rừng ở thôn Thống Nhất. Vừa thấy bác sĩ Thao, nhóm đàn ông đang ngồi túm tụm trước nhà hỏi “Lại sốt rét hở bác Thao?”. Ở vùng này, bác sĩ Thao được nhiều người nhắc đến như là một vị cứu tinh đã giúp họ giành giật lại sinh mạng từ lưỡi hái tử thần.

11 năm sống trên đất Bình Phước thì có hơn 10 lần anh Nguyễn Văn Nghĩa (SN 1974) bị sốt rét hành hạ. Từ một chàng trai cao lớn khỏe mạnh và chỉ quen với lao động nặng, có lần anh Nghĩa suýt mất mạng vì bị sốt rét. Nhờ sự điều trị tận tình của bác sĩ Thao, anh Nghĩa đã giữ được tính mạng và khỏe mạnh. Anh Nghĩa cho biết: “Cách đây 5 năm, sau khi đi rừng Campuchia về tôi bị sốt rét đi tiểu ra máu. Những lần trước đến chữa bệnh, bác sĩ Thao dặn giữ số điện thoại khi nào có việc gấp thì gọi. Đêm đó, tôi bị nặng tưởng chừng không qua khỏi, người nhà đã gọi điện cho bác Thao đến khám và điều trị cho tôi. Ở xóm này ai cũng từng trải qua sốt rét. Nếu không có bác sĩ Thao thì chúng tôi chết hết rồi. Ổng là cứu tinh của bệnh nhân sốt rét đấy”.

Bác sĩ Thao cũng là ân nhân của anh Nguyễn Phúc Lộc (27 tuổi) ở thôn Thống Nhất. Chị Phạm Thị Mai (vợ anh Lộc) chia sẻ: “Cuối năm 2014, khi chồng tôi đi rừng về thì bị sốt rét hành hạ, tôi khuyên mãi anh cũng không chịu ra bệnh xa khám. Nhìn thấy chồng vật vã với những cơn đau tôi gọi bác sĩ Thao vào khám. Bác sĩ Thao cho uống thuốc cầm cự và yêu cầu chồng tôi phải nhập viện ngay. Nhờ đó, chồng tôi đã qua khỏi cơn nguy kịch”.

Trạm y tế xã Đắk Nhau được xây dựng hơn 30 năm vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nhân lực y tế đạt về số lượng và chuẩn về chất lượng nhưng cơ sở vật chất xuống cấp cùng với trang thiết bị thiếu không đáp ứng đủ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân... Đó là những trăn trở mà người trưởng trạm y tế đang từng ngày cố gắng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương để xây dựng Trạm y tế Đắk Nhau là chỗ dựa tin cậy của bệnh nhân vùng sâu.    

Cẩm Liên

 

  • Từ khóa
110891

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu