Thứ 7, 27/04/2024 21:49:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Bản tin hướng về miền Trung 11:15, 08/03/2019 GMT+7

KỶ NIỆM 109 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ (8-3-1910 - 8-3-2019)

Phụ nữ Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt

Thứ 6, 08/03/2019 | 11:15:00 336 lượt xem
BP - Qua 2 năm triển khai thực hiện “Phụ nữ Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào đã trở thành việc làm thường xuyên được đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ quan tâm, đồng tình hưởng ứng, tạo sự chuyển biến tích cực ở nhiều khía cạnh, lĩnh vực.

Những điển hình sinh động từ cơ sở

Hưởng ứng phong trào “Phụ nữ Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt”, Chi hội phụ nữ thôn 1, xã Thiện Hưng (Bù Đốp) đã thành lập “Tổ phụ nữ làm việc tốt” với 49 hội viên. Tổ vận động 21 chị em hái tiêu giúp hội viên bị ung thư, vận động 25 chị giúp 2 ngày công hái tiêu cho phụ nữ mới sinh. Tổ thực hiện nuôi “Heo đất tiết kiệm” với số tiền 40 triệu đồng cho chị em khó khăn vay; vận động phụ nữ và nhân dân tham gia xây dựng đoạn đường sáng, sạch, xanh... Chi hội phụ nữ ấp Thanh Sơn, xã Thanh An (Hớn Quản) với mô hình “Vòng tay yêu thương” 2 năm qua đã mua 91 thẻ bảo hiểm y tế giúp chị em khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo giảm bớt chi phí trong quá trình khám, chữa bệnh.        

Là hội viên tiêu biểu, nòng cốt của Chi hội phụ nữ ấp Tân Đông, xã Tân Thành (Bù Đốp) chị Nguyễn Thị Tươi luôn vận động chị em tích cực “Nuôi heo đất”, xây dựng “Hũ gạo tình thương”. 8 năm qua, bản thân chị Tươi tiết kiệm được hơn 21 triệu đồng giúp 4 cháu mồ côi đến trường, giúp 3 cháu hiếu học, giúp 5 chị có người thân bệnh nặng lúc khó khăn, xây dựng “Hũ gạo tình thương” được 1.000kg giúp 21 chị; xây dựng quỹ xoay vòng hằng tháng với số tiền 60 triệu đồng giúp 3 hội viên thoát nghèo.

Những cá nhân điển hình trong phong trào “Phụ nữ Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” được tuyên dươngNhững cá nhân điển hình trong phong trào “Phụ nữ Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” được tuyên dương

Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chị Lâm Thị Liên, Chi hội trưởng phụ nữ sóc 5, xã Tân Hiệp (Hớn Quản) tích cực vận động chị em tham gia công tác hội, đặc biệt đã vận động 69/95 hội viên ra khỏi hội trở lại sinh hoạt, vận động 105 hội viên và trẻ em tham gia các lớp xóa mù chữ, lớp dạy nghề, phối hợp với trường học vận động con em không bỏ học giữa chừng. Chị Điểu Thị Trang ở thôn Bình Lợi, xã Nghĩa Bình (Bù Đăng) từ nguồn tiết kiệm 50 triệu đồng của gia đình đã tự nguyện cho chị em mượn phát triển kinh tế. Chị Trang xoay vòng vốn giúp 15 chị, mỗi chị vay 10 triệu đồng không tính lãi, có 2 chị đã vươn lên thoát nghèo. Từ đàn heo của gia đình, chị Trang bán thiếu cho 5 chị, mỗi chị 5 con, nuôi đến khi xuất chuồng mới trả vốn. Ngoài ra, chị Trang còn hướng dẫn 15 chị nhận hạt điều ở các xưởng tư nhân về bóc vỏ lụa; nhận tiêu thụ (áo dệt cho các cô dâu), giới thiệu cho 3 chị dệt tăng thu nhập. Chị Lâm Thị Kim Thu, xã Thuận Phú (Đồng Phú) có hoàn cảnh rất khó khăn. Mẹ mất sớm, cha bị liệt, chị Thu phải nuôi 2 em nhỏ. Ngoài giờ dạy chính ở trường mầm non, chị Thu còn đi dạy thêm, dạy kèm ở nhiều nơi để trang trải chi phí sinh hoạt gia đình. Tuy vậy, mỗi tuần chị Thu vẫn dành 2 buổi dạy miễn phí cho lớp học tiếp sức ước mơ tại phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài...

...Đến hiệu quả phong trào

Việc thực hiện các chuẩn mực của phong trào “Phụ nữ Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” luôn gắn liền với rèn luyện phẩm chất đạo đức, thể hiện bằng việc làm cụ thể như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm, liên kết sản xuất, kinh doanh... góp phần xây dựng đời sống văn hóa theo phương châm “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Qua 2 năm phát động, phong trào “Phụ nữ Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” được cán bộ, hội viên, phụ nữ tích cực hưởng ứng tham gia gắn với các cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện, ngành ngành làm việc thiện”, “Hiến máu nhân đạo”, “Ngày vì người nghèo”, qua các phong trào “Nuôi heo đất” ,“Hũ gạo tình thương”, “Chi hội khá giúp chi hội khó”, “Thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu”... Nội dung các tiêu chí của phong trào được chị em cụ thể hóa bằng những việc làm trong đời sống hằng ngày và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Hiện toàn tỉnh có trên 100 đoạn đường phụ nữ tự quản “Sáng, xanh, sạch, đẹp, an ninh”; các gia đình hội viên, phụ nữ tự nguyện hiến 713m2 đất làm mới đường liên thôn, đóng góp tiền tu sửa và làm đường giao thông liên thôn, công trình điện thắp sáng, đoạn đường camera an ninh, phát quang bụi rậm cùng nhiều công trình khác với tổng trên 9,4 tỷ đồng.

Mô hình “Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” đã và đang được các cơ sở hội triển khai dưới nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng phụ nữ, từng địa bàn, đơn vị. Có nhiều loại hình tiết kiệm như “Nuôi heo đất”, “Hũ gạo tình thương”, tiết kiệm 5.000 đồng vì phụ nữ nghèo, tiết kiệm 1 ngày lương, tổ tín dụng tiết kiệm, tổ xoay vòng vốn, tổ tương trợ vốn, hỗ trợ bằng hiện vật, tiết kiệm qua các nguồn vốn vay. Từ nguồn vốn tín dụng tiết kiệm hội phát vay trên 418 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ các nguồn vốn do hội quản lý trên 862 tỷ đồng giúp gần 50 ngàn lượt hộ vay, có 7.669/9.481 hộ hội viên, phụ nữ nghèo được hội giúp đỡ, trong đó 3.734 hộ phụ nữ làm chủ hộ. Năm 2018, hoạt động tiết kiệm được phát động đồng loạt trong phụ nữ toàn tỉnh “Trao yêu thương, nhận nụ cười” nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua Ái quốc. Từ số tiền tiết kiệm trên 2 tỷ đồng, các cấp hội đã trao tặng phương tiện sinh kế cho trên 300 chị, giúp các chị có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Những điển hình hành động, mô hình thiết thực ở từng chi, tổ hội phụ nữ trong phong trào “Phụ nữ Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” đã và đang góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hình ảnh người phụ nữ Bình Phước hiện đại với các phẩm chất tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang.

Phương Dung

  • Từ khóa
111049

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu