Thứ 7, 27/04/2024 05:34:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:57, 14/06/2017 GMT+7

Vì thương hiệu Việt

Thứ 4, 14/06/2017 | 08:57:00 153 lượt xem
BP - 15 giờ 9 phút ngày 11-6, đường dây nóng Báo Bình Phước nhận một cuộc gọi từ một bạn đọc: Xin cho biết chỗ nào bán đồ chơi cho trẻ em có uy tín, nhưng phải là hàng Việt 100%? Tôi ở Bù Đăng xuống Đồng Xoài có việc, tiện thể mua ít đồ chơi cho cháu ngoại, nhưng mãi vẫn chưa tìm được những món đồ ưng ý, lại không độc hại!

Không chỉ cuộc gọi trên, từ gần cuối tháng 5, nhiều bạn đọc gọi điện đến báo phản ánh tình trạng thiếu đồ chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong kỳ nghỉ hè. Rất mừng khi dần có đông bậc phụ huynh quan tâm đến việc vui chơi, giải trí của con em và mừng hơn khi người dân quay lại với hàng Việt. Và người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến xuất xứ, chất lượng của các sản phẩm, nhất là đồ chơi cho trẻ em bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, giống nòi của con em mình. Không quan tâm sao được khi hàng loạt thông tin về chất lượng đồ chơi made in China bằng nhựa như súng, gươm, lựu đạn, lồng đèn, người nhện, người dơi, thú nhún hay đến cả đất sét nặn, miếng dán hoạt hình, vòng, nhẫn trang trí... đều chứa chất độc hại. Đặc biệt là những loại đồ chơi được làm bằng nhựa tái chế APS và nhựa PE, trong đó có chứa chất cadimi (Cd) cao gấp nhiều lần mức cho phép. Theo các nhà khoa học, đây là một trong 3 kim loại độc hại đối với cơ thể con người, có thể gây ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, dị tật thai nhi... Nhiều đồ chơi khác không rõ nguồn gốc có chứa kim loại nặng như thủy ngân, chì, arsenic, cadmium gây tổn thương hệ thống thần kinh và miễn dịch của trẻ nhỏ.

Từ chất lượng đồ chơi hiện nay có thể nói đây là cơ hội để các nhà sản xuất trong nước tiếp cận thị trường, mở rộng kinh doanh. Thế nhưng hiện có rất ít thương hiệu Việt sản xuất - kinh doanh lĩnh vực giàu tiềm năng này. Đồ chơi Việt chưa thật sự phong phú về mẫu mã, chủng loại, màu sắc thiếu “bắt mắt” những “thượng đế” nhí. Đặc biệt, giá thành sản xuất các mặt hàng đồ chơi còn cao kéo theo giá bán tăng thậm chí gấp đôi, gấp ba so với đồ chơi mang nhãn hiệu Trung Quốc, trong khi thu nhập của đa số người dân Bình Phước phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, việc mua những món đồ chơi Việt trị giá hàng trăm ngàn quả là xa xỉ. Nhiều bậc phụ huynh phải tặc lưỡi mua hàng trôi nổi, không có xuất xứ rõ ràng hoặc các món đồ dù biết là độc hại về lâu dài nhưng rẻ và bắt mắt. Hàng Việt “thua ngay trên sân nhà” là điều dễ hiểu.

Từ câu chuyện đồ chơi trẻ em nghĩ đến cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đây là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, triển khai thực hiện từ năm 2009 đến nay. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước cũng ban hành nhiều công văn chỉ đạo quyết liệt thực hiện cuộc vận động này. Có thể khẳng định, qua 8 năm thực hiện, cuộc vận động đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng của đa số người dân đối với sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt. Ngành chức năng và các doanh nghiệp trong nước đã mở nhiều “chiến dịch” đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị, nhà hàng, vùng nông thôn... Người dân đồng lòng, doanh nghiệp sẵn sàng, cần thêm sự hỗ trợ, giúp sức từ phía Nhà nước và ngành chức năng bằng những cơ chế, chính sách mở, thông thoáng. Đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính, giúp người Việt đến gần hơn những mặt hàng mang thương hiệu Việt.

Hoàng Ngọc

  • Từ khóa
108656

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu