Thứ 7, 27/04/2024 03:40:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Bản tin hướng về miền Trung 06:28, 09/03/2018 GMT+7

Hạnh phúc của người mẹ nuôi 4 con thành đạt

Thứ 6, 09/03/2018 | 06:28:00 383 lượt xem
BP - Dốc sức nuôi con ăn học thành tài, vượt lên những khó khăn về kinh tế, hộ bà Chu Thị Sợi (1956), ngụ ấp Dên Dên, thị trấn Tân Phú (Đồng Phú) đã trở thành gia đình hiếu học tiêu biểu, được các cấp, ngành tuyên dương.

Những ngày gian khó

Đến gặp gia đình vào ngày đầu tháng 3, bà Chu Thị Sợi tiếp chúng tôi trong căn nhà khá khang trang tại trung tâm ấp. Bên tách trà nóng, bà kể, sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, từ nhỏ bà đã sớm quen với những vất vả, nhọc nhằn. Lớn lên, bà lập gia đình với một người đàn ông chịu thương chịu khó, biết san sẻ, gánh vác việc gia đình. Công việc hằng ngày của vợ chồng trẻ là trồng lúa nước, dù cần cù lao động nhưng đói nghèo cứ mãi đeo bám. Năm 1988, theo tiếng gọi của Nhà nước đi xây dựng kinh tế mới tại tỉnh Sông Bé (cũ), vợ chồng bà cùng 3 con trai dắt díu nhau vào xã Tân Lợi (nay là khu phố Thắng Lợi, thị trấn Tân Phú) và được Nông trường cao su Tân Lợi tiếp nhận làm công nhân tại đây. Lúc đầu do chưa quen khí hậu nên 3 con nhỏ thường xuyên ốm đau, vợ chồng bà lại hay bị sốt rét nên chỉ được 2 tháng cả gia đình về lại Hà Tĩnh.

Bà Chu Thị Sợi cùng con, cháu trong ngày cưới con trai út

Thế nhưng nhận thấy Bình Phước đất đai phì nhiêu, vợ chồng bà quyết tâm bán hết đất, nhà cửa ở quê để vào lập nghiệp từ cuối năm 1988 cùng một số gia đình khác. Lúc đầu, Nông trường cao su Tân Lợi cho 6 gia đình cư trú chung trong một lán trại tại ấp Dên Dên bây giờ. Cả 6 hộ nương tựa nhau để sinh sống, do có nhiều trẻ nhỏ nên phân công một người chăm sóc trẻ, còn lại đi làm công nhân tại nông trường cao su. Chồng bà cạo mủ, bà nhận chăm sóc cao su. Bà Sợi cho biết: “Công việc khá vất vả, mỗi tháng lương của vợ chồng tôi chỉ mua được 30-40kg gạo, trong khi nhà có đến 5 miệng ăn. Sau đó, nông trường chia cho mỗi gia đình công nhân 3 sào đất ở, vợ chồng tôi đi kiếm cây, cắt cỏ tranh dựng tạm căn nhà”. Do chịu khó, vợ chồng bà nhận khoán chăm sóc 90 ha cao su non và được trồng xen lúa, bắp, đậu, mì... nên cuộc sống dần ổn định. Chỉ vài năm sau, bà dành dụm mua 8 ha đất trắng. Lúc đầu không có vốn, bà trồng cây ngắn ngày, như: bắp, đậu, lúa rẫy... để lấy cái ăn hằng ngày.

Năm 1998, tai họa ập đến, chồng bà không may bị tai nạn giao thông bỏ lại bà và 4 con trai, đứa lớn khi đó mới 15 tuổi, đứa bé lớp 1. Mất người trụ cột gia đình, bà suy sụp tinh thần. Những đêm nhớ chồng, thương con, bà trăn trở không ngủ được và quyết tâm gượng dậy để lo cho con ăn học. Bà làm tất cả công việc nặng nhọc như: sửa nhà, chặt củi, đào hố trồng cây và ai thuê gì làm nấy... Bà luôn trăn trở làm sao để các con được ăn học như bạn bè cùng trang lứa. Lúc khó khăn, bà phải bán 2 ha rẫy lấy tiền cho con đi học.

Trái ngọt

Thấu hiểu nỗi vất vả, tảo tần của mẹ, các con bà đều ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập. Bà Sợi nhớ lại: “Mỗi lần các con báo đậu đại học, cao đẳng tôi vui lắm, nhưng cùng với đó là nỗi lo gánh nặng các khoản học phí, tiền mua sách vở, quần áo, sinh hoạt phí... cho các con. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu mình đã vượt qua giai đoạn đó như thế nào. Chỉ nhớ rằng khi đó, của cải trong nhà chỉ là hạt lúa, củ khoai, nên tôi sẵn sàng làm thuê bất cứ việc gì để có tiền cho con ăn học”.

Đến nay, cả 4 người con của bà Sợi đều học giỏi và thành đạt. Con trai đầu Võ Xuân Đông (SN 1981), sau khi tốt nghiệp lớp 12, tình nguyện nhập ngũ và phục vụ lâu dài trong quân đội, hiện là Thượng úy công tác tại Kho K882. Con trai thứ 2 Võ Xuân Đức (SN 1983), tốt nghiệp Đại học Y khoa, hiện là bác sĩ đa khoa công tác tại Trung tâm Y tế huyện Đồng Phú. Con trai thứ 3 Võ Xuân Phúc (1985), tốt nghiệp Trung cấp cảnh sát hiện là Thượng úy công tác tại Trại giam An Phước. Con trai út Võ Xuân Phước (SN 1992), vừa tốt nghiệp Cao đẳng Tài nguyên - Môi trường, Trường đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, đang phụ mẹ chăm sóc vườn cây, hiện là Bí thư Chi đoàn ấp Dên Dên.

Là người năng nổ nhiệt tình, bà tích cực tham gia hoạt động xã hội. Trong phát triển kinh tế, bà luôn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng. Hiện nay, bà canh tác 3 ha cao su, 2 ha điều và cây ăn trái đang cho thu hoạch, thu lời hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Từ sự cần cù, chịu khó, bà Sợi đã vượt lên gian khó, tạo nền tảng vững chắc cho các con trưởng thành. Ghi nhận những nỗ lực đó, hộ bà được chính quyền xã công nhận là gia đình hiếu học, gia đình văn hóa nhiều năm liền, người dân trong vùng tin yêu, quý mến. 

Khắc Bảy

  • Từ khóa
111039

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu