Thứ 5, 09/05/2024 11:02:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Phòng chống tham nhũng, lãng phí 10:19, 10/08/2022 GMT+7

Giải pháp đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực

Thứ 4, 10/08/2022 | 10:19:39 1,806 lượt xem

(Tiếp theo kỳ trước)

*NGUYỄN HỒNG TRÀ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

BPO - Chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp quyết định đến những vấn đề đang tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng, minh bạch và chất lượng trong công tác đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hiện nay trên cả nước và khu vực nói chung, địa bàn tỉnh Bình Phước nói riêng.

Trên thực tế, nhiều văn kiện của Đảng bộ tỉnh từ khi tái lập (1-1-1997) đến nay đã nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác bổ nhiệm, nhưng trách nhiệm như thế nào thì thực sự chưa được làm rõ. Mặc dù người đứng đầu khi ký quyết định bổ nhiệm đều phải căn cứ vào các nội dung như: hồ sơ, lý lịch, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình... Trong đó phải có nghị quyết hoặc ý kiến của cấp ủy đảng nên khi có vấn đề, sự cố xảy ra liên quan đến người được bổ nhiệm thì người ký quyết định bổ nhiệm thường thoái thác, đẩy trách nhiệm sang tập thể cấp ủy, mình chỉ là người thi hành quyết định của tập thể và có tính hành chính. Vì vậy, có thể hình dung trách nhiệm của người đứng đầu trong suốt thời gian qua chưa thực sự gắn thẩm quyền và trách nhiệm, đó là phải song hành với nhau. Thủ trưởng, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị trước pháp luật, trong đó có quản lý công tác nhân sự.

Nhìn lại chặng đường hơn 20 năm từ ngày tái lập tỉnh, cùng với những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen trong bối cảnh tình hình thế giới và đất nước có nhiều biến động nhanh, phức tạp thì đội ngũ cán bộ đủ nhưng chưa mạnh; tình trạng vừa thừa vừa thiếu cán bộ vẫn còn xảy ra; sự liên thông giữa các cấp, ngành còn hạn chế; năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, yếu kém; nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã có những chủ trương mới trong việc tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức. Đẩy mạnh tinh giản biên chế, cải cách quản lý biên chế theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế phân cấp, phân quyền, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo đề cao tinh thần, trách nhiệm của từng cấp, ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, tạo cơ sở để các tổ chức đảng làm tốt công tác chọn lọc, quy hoạch, luân chuyển, bố trí sử dụng và đào tạo các thế hệ cán bộ, công chức có đức, có tài, có bản lĩnh chính trị dựa trên cơ chế cạnh tranh trong đề bạt, bổ nhiệm và có đánh giá công bằng, khơi dậy tinh thần cống hiến vì quê hương, đất nước, tạo động lực và áp lực để mọi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao với tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân. Đồng thời có cơ chế bảo vệ cán bộ dám đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trước cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân. Từ đó, đa số cán bộ, đảng viên có quan điểm, lập trường tư tưởng vững vàng, giữ vững phẩm chất đạo đức, vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện trách nhiệm trước nhân dân. Những chủ trương này tiếp tục được kế thừa, bổ sung, làm rõ hơn bằng nhiều giải pháp cụ thể tại Đại hội XI, nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ tỉnh.

Để công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có những bước chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới, các tổ chức đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng bộ và các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các vấn đề sau:

Các cấp ủy đảng, các đảng bộ trực thuộc tỉnh, các ban cán sự đảng, đảng đoàn tăng cường công tác chỉ đạo điều hành đồng bộ với tư duy đổi mới, phù hợp với thực tiễn của địa phương, của ngành, lĩnh vực và của tỉnh một cách nghiêm túc, hiệu quả; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả triển khai các nhiệm vụ, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan và xây dựng các giải pháp, cách thức khắc phục. Tiếp tục phát huy những sáng kiến đã có; đồng thời có những giải pháp mới, đột phá, phù hợp để cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức; lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Đề án 999 của tỉnh để tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ quan đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xã hội từ tỉnh đến cơ sở; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện và tổ chức bộ máy bên trong theo hướng tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm phù hợp với quy định của Chính phủ tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo ra bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp, bãi bỏ các thủ tục hành chính gây trở ngại cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Tập trung đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm; tăng tính liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, không gắn với địa giới hành chính…

Siết chặt kỷ luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên tinh thần lắng nghe, cầu thị, trách nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân. Tập trung cao hơn nữa cải cách thể chế, chính sách thực hiện có hiệu quả những thể chế nhằm khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi của tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đến đầu tư, phát triển trên tinh thần cạnh tranh lành mạnh, giảm thiểu chi phí giao dịch phi chính thức. Tăng cường phát huy dân chủ, thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý nhà nước gắn với đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức.

Quy định về quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý từ tỉnh đến cơ sở thống nhất trên nguyên tắc chung phải được kiểm soát chặt chẽ, với nhiều chủ thể tham gia, góp phần tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; góp phần chống chạy chức, chạy quyền, thực hiện và kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định về trách nhiệm giải trình, kê khai tài sản, thu nhập và kiểm soát chặt chẽ việc kê khai tài sản đối với cán bộ, công chức khi được đề bạt, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo. Cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ phải phối hợp xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu bổ nhiệm trước khi tiến hành làm quy trình bổ nhiệm, cần phải xem đây là điều kiện về hồ sơ bổ nhiệm cán bộ, công chức. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu và phân định rõ trách nhiệm người đứng đầu với tập thể cơ quan, đơn vị trên nguyên tắc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, quyền hạn gắn với trách nhiệm theo chế độ cá nhân thủ trưởng chịu trách nhiệm trong việc thực hiện quy định về đánh giá, thực hiện quy trình bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo trong cơ quan, đơn vị. Phải thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động thực hiện quy định về bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo quản lý. Nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện quy định về đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, cơ quan, người có thẩm quyền phải nhanh chóng kiểm tra, thanh tra và thu hồi quyết định bổ nhiệm không đúng; đồng thời tiến hành kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Yêu cầu việc tuyển chọn và bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý phải thực hiện theo cơ chế “có vào, có ra”, “có lên, có xuống”. Khẩn trương xây dựng quy chế động viên, khuyến khích công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý từ chức khi không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Có các giải pháp mạnh mẽ thực hiện “miễn nhiệm” đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý không đủ phẩm chất, năng lực giải quyết công việc, nhưng chưa đến mức phải thi hành kỷ luật để đảm bảo chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Khắc phục việc đề bạt, bổ nhiệm chú trọng nhiều vào những người có thâm niên, theo kiểu “sống lâu lên lão làng”, tình trạng nể nang, tình cảm và tư tưởng “con ông, cháu cha”, để người cơ hội được bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo, quản lý. Sớm hình thành bãi bỏ tư duy “một đi không trở lại”, khi đã thôi lãnh đạo, quản lý thông qua các hình thức như từ chức, miễn nhiệm, cho thôi chức hoặc thậm chí bị kỷ luật cách chức thì sẽ không bao giờ được xem xét, bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý nữa.


Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị, cơ quan tham mưu chuyên trách về công tác cán bộ mạnh dạn tham mưu cấp có thẩm quyền tùy từng trường hợp có thể đặc cách việc áp dụng quy định của Đảng, Nhà nước vào tình hình cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, tránh cứng nhắc, máy móc, bị động, coi trọng văn bằng, chứng chỉ trong xem xét, đánh giá cán bộ, chưa gắn với thực tiễn, với thành tích đạt được, với hiệu quả công việc; việc nhận xét, đánh giá cán bộ còn nể nang, né tránh dẫn đến nhiều hạn chế trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp hiện nay.

  • Từ khóa
148358

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu