Thứ 5, 09/05/2024 13:13:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Phòng chống tham nhũng, lãng phí 13:45, 08/08/2022 GMT+7

Những yếu tố tác động đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ 2, 08/08/2022 | 13:45:15 2,320 lượt xem

*NGUYỄN HỒNG TRÀ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

BPO - Hai năm qua, Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tập trung triển khai, quán triệt, tuyên truyền, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện nhằm sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức xây dựng Đảng, chính quyền, dân vận, kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu gây thiên tai; sự biến động giá nguyên, nhiên liệu… tuy nhiên với sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao của toàn đảng bộ, các cấp chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân, Bình Phước đã có bước phát triển, đạt nhiều kết quả khá tích cực trên tất cả mọi mặt. Các ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh từng bước được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được tập trung đầu tư, nâng cấp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển của tỉnh. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, các chỉ số đánh giá cấp tỉnh đều được cải thiện mạnh mẽ. Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm sóc người có công và các đối tượng yếu thế trong xã hội đạt kết quả tích cực.

Kết quả tích cực đó có được là nhờ đảng bộ, các cấp chính quyền, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội sớm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI bằng các chương trình hành động, kế hoạch, đề án thực hiện trên từng lĩnh vực; khơi dậy ý chí quyết tâm, khát vọng phát triển trong toàn Đảng bộ.

Trong quá trình xây dựng và phát triển qua hơn 25 năm từ ngày tái lập tỉnh gắn liền với quá trình hơn 35 năm đổi mới đất nước, Đảng bộ tỉnh đã từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Việc xây dựng quy chế làm việc, quy định trách nhiệm của người đứng đầu… đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế những biểu hiện lệch lạc như: độc đoán, lạm quyền, cục bộ trong công tác cán bộ… Tuy nhiên, trong khi tỉnh còn khó khăn, cá biệt còn những cán bộ chủ chốt các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở quản lý làm liều, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng, quy chế làm việc của cấp ủy, chế độ điều hành của doanh nghiệp. Trên thực tế, dân chủ hình thức đã và đang diễn ra, đáng chú ý là một số cấp ủy, chi bộ, đảng bộ, đảng đoàn, ban cán sự đảng trong sinh hoạt thường có biểu hiện xuôi chiều, phụ họa theo ý kiến người đứng đầu. Khi bàn công tác cán bộ, nhiều thành viên ỷ lại vào cơ quan, tổ chức và thường trực, ban thường vụ cấp ủy, thiếu thông tin về vấn đề đưa ra bàn bạc, e ngại phát biểu chính kiến, nhất là khi đã có ý kiến của người đứng đầu; sợ mất lòng, sợ bị đánh giá là không ủng hộ. Tâm lý phổ biến “im lặng là vàng”, nên dễ dàng chấp nhận để thông qua một vấn đề quan trọng, thực chất là mất dân chủ nhưng biểu hiện tinh vi, phức tạp, được ẩn nấp bởi vỏ bọc “đúng quy trình”, “đúng quy chế” nên khó phát hiện. Mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức trong tổ chức sinh hoạt và hoạt động của Đảng, nhất là công tác cán bộ đã và đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, không những bản thân cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm khó khăn, lúng túng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ mà nguy hại hơn là làm nản lòng những cán bộ có đủ tài, đức; là môi trường dễ nảy sinh sự thiếu thống nhất, mất đoàn kết trong nội bộ, tiềm ẩn mầm mống hình thành các “nhóm lợi ích”, tác động không nhỏ đến tư tưởng và tâm lý xã hội, xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Đây được xem là điểm nhấn khơi mào cho những manh nha của căn bệnh tham nhũng, tiêu cực có đất nhen nhóm phát triển.

Nâng cao vai trò của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ là một trong “những việc cần làm ngay”, vừa là đòi hỏi bức bách từ thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vừa đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên và nhân dân vừa góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là trong giai đoạn hiện nay và những năm tới. Do vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh phải tập trung làm tốt một số việc sau:

Khẩn trương hoàn thiện mô hình tổ chức của các loại hình tổ chức cơ sở đảng, nhất là tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Tập trung khắc phục một số nhược điểm rất đáng quan tâm, trong đó có sự phai nhạt lý tưởng cách mạng của một bộ phận không nhỏ người lao động, đặc biệt là đội ngũ tri thức. Tuy nhiên, cách làm cần phải sáng tạo và linh hoạt. Nếu chúng ta có cách làm tốt, phù hợp sẽ tạo được phong trào và sức mạnh to lớn, hiệu quả.

Đảng bộ các cấp từ tỉnh đến cơ sở thống nhất kiểm soát quyền lực nhà nước bằng việc định ra chủ trương, đường lối và lãnh đạo, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chủ trương, đường lối đó. Nhất quán nguyên tắc chỉ đạo từng bước hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ; bám sát các quy định của Trung ương, xây dựng, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới những quy định, quy chế về đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, của tỉnh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Đảng bộ các cấp phải cương quyết lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện đầy đủ nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, mạch lạc giữa các cơ quan nhà nước trong điều kiện chỉ có một đảng duy nhất cầm quyền như ở nước ta hiện nay. Việc thực hiện sự phân công quyền lực cụ thể, rõ ràng sẽ tạo điều kiện cho bộ phận quyền lực này có thể kiểm soát được bộ phận quyền lực khác hiệu quả. Ngoài ra, thực hiện sự phân công quyền lực rõ ràng sẽ khắc phục được sự trùng lắp, dựa dẫm, ỷ lại hoặc không rõ trách nhiệm trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước.

Khẩn trương khắc phục tình trạng lợi ích cục bộ, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính của một bộ phận đảng viên, cán bộ lãnh đạo quản lý có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật nhưng chưa được xử lý kịp thời và công khai như văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã nhận định: “Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu trong tình hình mới; chất lượng, hiệu quả chưa đồng đều ở các cấp. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện một số nghị quyết của Đảng chưa thường xuyên. Công tác kiểm tra ở một số nơi thiếu trọng tâm, trọng điểm; việc tự kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng vẫn là khâu yếu”. Như vậy có thể nói, hoạt động kiểm soát quyền lực của Đảng được thể hiện thông qua quá trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng đối với đảng viên, cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, ủy ban kiểm tra của các tổ chức đảng chỉ hoạt động khi có khiếu nại, tố cáo nên thiếu tính chủ động và không mang tính thường xuyên của kiểm soát quyền lực. Vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái.

Kịp thời xử lý “một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu, chưa thực sự tôn trọng ý kiến, kiến nghị của nhân dân và giải quyết kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân”. Khi có phản hồi như vậy, hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước từ phía nhân dân mới thực sự hiệu quả, “vai trò giám sát của nhân dân mới được phát huy mạnh mẽ”, khuyến khích được hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội độc lập với các cơ quan nhà nước.


Thời gian qua, MTTQ các cấp mới chỉ đóng vai trò là cơ quan phối hợp, tham gia thực hiện giám sát chứ chưa thể hiện được hết vai trò giám sát một cách chủ động so với các thiết chế khác. Trên thực tế, “việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có mặt chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới, chưa thật sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở. Chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đều”. Vì vậy, thời gian tới yêu cầu các tổ chức đảng, đảng bộ các cấp phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo rõ ràng để vận động nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với bộ máy nhà nước thông qua MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cá nhân, công dân.

(còn nữa)

  • Từ khóa
148123

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu