Thứ 7, 27/04/2024 18:27:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Phòng chống tham nhũng, lãng phí 15:50, 15/01/2024 GMT+7

Để nạn tham nhũng, tiêu cực không còn đất dung thân

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Thứ 2, 15/01/2024 | 15:50:50 1,946 lượt xem
Tham nhũng là vấn nạn đặc biệt nguy hiểm, gây hậu quả to lớn đối với đời sống xã hội. Bởi vậy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quyết không để “giặc nội xâm” có đất dung thân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Chiều 28-7-2023, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án phạt 54 bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

2023 - năm nhìn lại nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng càng thấy, công cuộc đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta tiếp tục đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và ngày càng hiệu quả hơn.

Nếu ai để ý cũng có thể thấy, từ sau Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào đầu năm 2023 cho đến cuối năm qua, công cuộc phòng, chống “giặc nội xâm” nói chung, công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nói riêng rất quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả hơn ở cả Trung ương lẫn địa phương. Với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai”, chống tham nhũng, tiêu cực đã thực sự là xu thế không thể đảo ngược.

Năm 2023, Ban Chỉ đạo Trung ương đã tiếp tục theo dõi, chỉ đạo hàng chục vụ án, vụ việc; đã khởi tố mới 12 vụ án với 45 bị can, khởi tố bổ sung 238 bị can trong 23 vụ án; kết luận điều tra và kết luận điều tra bổ sung 20 vụ án với 369 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 15 vụ án với 252 bị can; xét xử sơ thẩm 13 vụ án với 194 bị cáo; xét xử phúc thẩm 13 vụ án với 82 bị cáo.

Các cơ quan chức năng đã đấu tranh, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, vi phạm có tổ chức, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, cả trong khu vực nhà nước và ngoài khu vực nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân. Như “đại án” xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan đã mở rộng điều tra, khởi tố thêm 2 vụ án, khởi tố mới 72 bị can, trong đó có hàng chục bị can là lãnh đạo cấp vụ, cục, cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra giám sát ngân hàng và cán bộ lãnh đạo thanh tra, ngân hàng một số địa phương.

5 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo đã hoàn thành xét xử sơ thẩm, trong đó có vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan; vụ án xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty AIC và đơn vị có liên quan.

Giai đoạn năm 2021- 2023, các Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy cũng tự phát hiện 252 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Riêng năm qua, các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã đưa 260 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo. Các cơ quan chức năng ở địa phương đã khởi tố mới 763 vụ án, 2.079 bị can về tham nhũng, tăng gần 2 lần so với năm 2022.

Đặc biệt, nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực tồn đọng, kéo dài đã được chỉ đạo xử lý; nhiều địa phương đã khởi tố, điều tra các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, liên quan đến cả cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý và tỉnh ủy, thành ủy quản lý, trong đó có cả nguyên Bí thư tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Những con số này là minh chứng cho tinh thần "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt", "Tiền hô hậu ủng", Nhất hô bá ứng" trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”. Càng ngày, cuộc chiến càng chứng minh không có vùng cấm, không có ngoại lệ là sự thật.

Chiều 12-1-2024, Hội đồng xét xử Toà án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án đối với 38 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị, tổ chức có liên quan. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Tại Hội nghị toàn quốc ngành Nội chính và hoạt động Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh diễn ra mới đây, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đánh giá công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong những nhiệm kỳ gần đây đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn nhiều cán bộ vi phạm "là do chưa biết sợ hay lòng tham không đáy?", Thường trực Ban Bí thư đặt câu hỏi.

Tìm lời giải cho câu hỏi này có lẽ cũng là trả lời cho nguyên nhân vì sao chúng ta đang phải đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đi đôi với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phải nhấn mạnh rằng, hơn 90 năm rèn luyện phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ "then chốt". Trong đó, công tác cán bộ là "then chốt của then chốt". Bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc"; "Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém".

Thực tế đó đã chứng minh rất rõ khi nước nhà thống nhất và vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, nhất là qua gần 40 năm đổi mới, hội nhập quốc tế. Một phần quan trọng trong thành công đó là nhờ công tác cán bộ được tiến hành nghiêm túc, đúng nguyên tắc, đúng quy định của Đảng và đội ngũ cán bộ tự giác phấn đấu, rèn luyện, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung và sự "trên dưới đồng lòng", "dọc ngang thông suốt".

Thực tiễn cũng cho thấy, cùng với quá trình đất nước đổi mới, đi lên thì một bộ phận không nhỏ cán bộ lại thoái hoá biến chất, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược. Nhiều người trong số này đã lợi dụng quyền lực, vi phạm điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực. Đây là căn nguyên trực tiếp, chủ yếu làm cho tham nhũng chưa thể ngăn chặn trong thời gian qua.

Thế nên muốn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả, phải làm từ sớm, từ xa, tức là phải “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”!

Đó cũng là lý do vì sao thời gian gần đây, đi đôi với việc xử lý nghiêm minh các cán bộ, đảng viên vi phạm, Đảng ta mạnh mẽ khơi lên công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là Đảng ta đang tập trung hoàn thiện chủ trương, đường lối, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chỉ trong năm 2023, Bộ Chính trị đã ban hành ba quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ (Quy định 114); trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán (Quy định 131); trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (Quy định 132).

Cùng với các văn bản khác của Đảng, Nhà nước, ba quy định nêu trên là “lồng cơ chế” bảo đảm làm trong sạch đội ngũ, bảo vệ chế độ, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyết liệt bảo vệ sự lành mạnh trong quan hệ xã hội, sự minh bạch của hệ thống công quyền và củng cố niềm tin, sự ủng hộ, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội trên nhiều mặt trong quá trình đổi mới toàn diện đất nước. Các quy định này là sự bảo đảm mọi quyền lực đều được kiểm soát chặt chẽ, được ràng buộc bằng trách nhiệm. Quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao trách nhiệm càng lớn.

Có thể khẳng định, chống tham nhũng, tiêu cực là việc khó, nhạy cảm, nhưng không có nghĩa không làm được. Khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, mỗi cán bộ, đảng viên đều có quyết tâm cao, thật sự không còn "vùng cấm", tin rằng “giặc nội xâm” nhất định sẽ bị đẩy lùi.

Thực tiễn đang chứng minh, Trung ương tập trung đẩy mạnh và ngày càng hiệu quả thì các địa phương cũng có những chuyển biến rõ nét, bước tiến mới, khắc phục ngày càng hiệu quả tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Giờ đây “trên nóng” và dưới cũng đang “nóng” lên rồi!

  • Từ khóa
187115

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu