Thứ 6, 10/05/2024 03:01:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Phòng chống tham nhũng, lãng phí 09:52, 09/08/2022 GMT+7

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước

Thứ 3, 09/08/2022 | 09:52:57 1,667 lượt xem

(Tiếp theo kỳ trước)

*NGUYỄN HỒNG TRÀ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

BPO - Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ, đội ngũ cán bộ các cấp trong tỉnh có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cơ cấu độ tuổi, giới tính, dân tộc, ngành nghề, lĩnh vực công tác có sự cân đối, hợp lý hơn. Nguồn cán bộ quy hoạch các cấp từ tỉnh đến cơ sở khá dồi dào, cơ bản bảo đảm sự chuyển tiếp giữa các thế hệ.

Hiện nay, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý gồm 269 người. Trong đó, trình độ chuyên môn trên đại học 109 người; đại học 159 người; trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân 258 người, trung cấp 11 người; trình độ quản lý nhà nước: chuyên viên cao cấp và tương đương 21 người, chuyên viên chính và tương đương 189 người, chuyên viên và tương đương 59 người.

Cán bộ là trưởng, phó phòng thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và trưởng, phó phòng các cơ quan, đơn vị cấp huyện và tương đương là 985 người. Trong đó, trình độ chuyên môn trên đại học 228 người, đại học 752 người, 5 cao đẳng; trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân 684 người, trung cấp 275 người; trình độ quản lý nhà nước: chuyên viên cao cấp và tương đương 4 người, chuyên viên chính và tương đương 313 người, chuyên viên và tương đương 658 người.

Về cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn (bí thư, phó bí thư đảng ủy; chủ tịch, phó chủ tịch HĐND; chủ tịch, phó chủ tịch UBND) gồm 653 người. Trong đó, trình độ chuyên môn trên đại học 24 người; đại học 592 người; cao đẳng, trung cấp 33 người; trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân có 261 người, trung cấp 389 người; trình độ quản lý nhà nước: chuyên viên chính và tương đương 21 người, chuyên viên và tương đương 595 người, cán sự 30 người1.

Trong những năm qua, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đảng bộ các cấp đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị và sửa đổi, bổ sung nhiều quy định, quy chế về công tác cán bộ để tổ chức thực hiện. Quy trình công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, công khai, minh bạch, khoa học và dân chủ hơn, bám sát hướng dẫn của Trung ương. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức mới được các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, từng bước gắn với các chức danh, công tác quy hoạch, luân chuyển và bố trí sử dụng cán bộ. Chủ trương luân chuyển kết hợp với bố trí một số chức danh lãnh đạo không là người địa phương đạt được kết quả bước đầu. Công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ chính trị nội bộ được quan tâm thực hiện có hiệu quả hơn; kỷ cương, kỷ luật được tăng cường. Việc xử lý kịp thời, nghiêm minh một số tổ chức, cá nhân vi phạm đã góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và ngăn chặn tiêu cực, làm trong sạch một bước đội ngũ cán bộ, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Cùng với hoạt động kiểm soát quyền lực chính quyền các cấp, thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh “với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ”. Tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng giảm, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Tuy nhiên, trước những biến đổi không ngừng của toàn xã hội trong thời kỳ đổi mới, bên cạnh những kết quả đạt được, cơ chế pháp lý kiểm soát quyền lực chính quyền các cấp của cả nước nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Đó là việc cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng về một số nội dung trong công tác cán bộ còn chậm, có nội dung chưa thống nhất liên thông từ cơ sở lên cấp trên vì còn vướng phải những bất cập chung giữa một số văn bản pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng. Việc điều tra, phát hiện, xử lý những vụ án tham nhũng “vẫn còn hạn chế, nhất là việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan, đơn vị còn yếu, chủ yếu chỉ dựa vào phát giác, khiếu nại của nhân dân. Những nguyên nhân dẫn tới bất cập nêu trên là thực tế hiện nay trong nhận thức về yêu cầu hoàn thiện và thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước chưa mang tính tổng thể, thiếu tính đồng bộ của các thiết chế thực hiện để có những quy định phù hợp.

Trong thời gian tới, để tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm hạn chế tham nhũng, tiêu cực ngay từ công tác cán bộ, yêu cầu các tổ chức đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cần lưu ý tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra và các cơ quan quản lý nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động kiểm tra, giám sát. Ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp căn cứ các quy định của Trung ương tiếp tục tham mưu cấp ủy cùng cấp sửa đổi, bổ sung, xây dựng ban hành mới quy chế phối hợp giữa UBKT với cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm toán, viện kiểm sát, tòa án nhân dân. Tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo hướng UBKT chủ trì phối hợp và điều phối thực hiện việc phối hợp… chủ động nắm tình hình để kịp thời phòng ngừa, phát hiện sớm dấu hiệu vi phạm để kiểm tra. Thực hiện đồng bộ giữa công tác kiểm tra và giám sát, chú trọng giám sát cấp ủy viên các cấp, cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý, cán bộ tham mưu chiến lược, trước hết là người đứng đầu, tập trung vào những nội dung trọng yếu, những lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh vi phạm. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý tình trạng thiếu gương mẫu, thiếu trách nhiệm, suy thoái, tham nhũng, “lợi ích nhóm”.

Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy và cơ quan UBKT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp theo hướng chuyên nghiệp hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cán bộ kiểm tra phải có phẩm chất đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị, tính chiến đấu cao, có kinh nghiệm công tác xây dựng Ðảng, kỹ năng nghiệp vụ thuần thục, phương pháp công tác khoa học, dân chủ, thận trọng, chặt chẽ; nắm vững và thực hiện đúng các nguyên tắc, thẩm quyền, quy trình, thủ tục, cơ chế, chính sách, quy định của Ðảng và Nhà nước nhằm xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để trục lợi.

Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tổ chức triển khai thật nghiêm Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6-7-2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Nâng cao khả năng dự báo về tình hình vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên, nhất là những vi phạm mới do tác động của toàn cầu hóa, cơ chế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ mới... Đồng thời, tổng kết thực tiễn, học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng về giám sát, phản biện xã hội của một số tỉnh bạn trong cùng khu vực.


Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các thiết chế trong kiểm soát quyền lực, tăng cường hoạt động kiểm tra của Đảng với hoạt động kiểm toán độc lập, hoạt động của thanh tra nhà nước các cấp và hoạt động của các cơ quan tố tụng trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ. Tạo sự phối kết hợp trong hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng và hoạt động giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với hoạt động của bộ máy nhà nước nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực, không hiệu quả. Quán triệt và thực hiện phương châm “tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền”; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ cơ chế giám sát của MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội với cơ chế nhân dân trực tiếp giám sát quyền lực nhà nước.

Tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền và các văn bản pháp luật liên quan đến công tác bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo, nhất là các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 áp dụng thống nhất, kịp thời và đầy đủ các hình thức trách nhiệm (bao gồm trách nhiệm kỷ luật; trách nhiệm dân sự; trách nhiệm vật chất; trách nhiệm hình sự và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật) đối với các hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ” được quy định trong Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị.

Thực hiện tốt Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ. Xây dựng và thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; trọng dụng những người có tài, có đức. Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức thực hiện chính sách nhân tài: quy định các chế độ, chính sách liên quan đến việc phát hiện, tuyển chọn, tiến cử, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ người có tài trong hoạt động công vụ. Đổi mới công tác bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý: đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo cấp sở, phòng; quy định chế độ thực tập, tập sự lãnh đạo, quản lý. Tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đề ra yêu cầu “thí điểm giao quyền cho bí thư cấp ủy lựa chọn, giới thiệu để bầu cử ủy viên thường vụ cấp ủy; cấp trưởng có trách nhiệm lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó; thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự theo hướng những người được dự kiến đề bạt, bổ nhiệm phải trình bày đề án hoặc chương trình hành động trước khi cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”.

(còn nữa)

1Nguồn tổng hợp Ban Tổ chức Tỉnh ủy

  • Từ khóa
148304

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu