Thứ 7, 11/05/2024 04:09:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Đưa NQ vào cuộc sống 09:48, 26/01/2021 GMT+7

Giảm nghèo vùng DTTS từ chương trình nông thôn mới

Quang Minh
Thứ 3, 26/01/2021 | 09:48:49 1,057 lượt xem
BPO - Năm 2020, toàn tỉnh có 12 xã về đích nông thôn mới (NTM), nâng số xã hoàn thành NTM lên 60/90, đạt 66,7% số xã toàn tỉnh. Chương trình xây dựng NTM không ngoài mục tiêu nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân vùng nông thôn, đặc biệt đối với các xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cao thì ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập cho bà con càng được chú trọng. Trên cơ sở những chính sách của Nhà nước hỗ trợ, nhiều người dân đã ý thức vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh.

Tiếp sức thoát nghèo

Nhiều năm trước, gia đình ông Châu Phước (SN1967), dân tộc Khơme, ấp 1, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú rất khó khăn. Ông Phước bị bại liệt, sức yếu; vợ ông bị bệnh tim bẩm sinh nên 8 sào đất là tư liệu sản xuất duy nhất của gia đình đã phải bán để trị bệnh cho vợ. Thực hiện mục tiêu đưa xã Đồng Tâm về đích NTM năm 2020, hộ ông Phước tiếp tục được xét để tiếp sức giảm nghèo. Trong đề án này, gia đình ông được tặng 2 con bò sinh sản trị giá 40 triệu đồng. Căn nhà đại đoàn kết gia đình ông được UBMTTQVN huyện Đồng Phú xây tặng từ năm 2003 đã xuống cấp nay cũng được UBND xã hỗ trợ sửa chữa (2 lần với tổng kinh phí 43 triệu đồng). Cuộc sống gia đình từ khó khăn, bế tắc nay đã khởi sắc hơn. 

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tác động tích cực đến ý thức vươn lên của nhiều người dân vùng dân tộc thiểu số. Trong ảnh: Gia đình chị Thị Linh ở ấp 2, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh có cuộc sống ổn định nhờ liên kết nuôi dê

Hằng ngày, ông Phước đi chăn bò và mượn diện tích đất công của ấp ở cạnh nhà trồng cỏ. Vợ ông cũng đi cạo mủ cao su thuê cho tư nhân để có thu nhập. Đầu năm 2020, ấp 1, xã Đồng Tâm còn 15 hộ nghèo thì nay giảm còn 3 hộ. Gia đình ông Phước đã thoát khỏi danh sách đó. 

Không trông chờ, ỷ lại

NTM đã mang đến sự thay đổi toàn diện về nhận thức đến hành động trong đồng bào DTTS, từ tập quán canh tác giản đơn truyền thống dần chuyển sang cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều hộ tích cực cùng Nhà nước xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn bằng việc hiến đất, cây trồng, góp tiền. Các hủ tục được đẩy lùi đáng kể; việc cưới, tang, lễ hội được thực hiện theo quy định. Đặc biệt, thông qua thực hiện chủ trương giảm 1.000 hộ nghèo hằng năm, xuất hiện rất nhiều gương đồng bào DTTS tự nguyện làm đơn ra khỏi danh sách hộ nghèo, nhường sự hỗ trợ của Nhà nước cho hộ khó khăn hơn, thể hiện khát vọng thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Ông Lý Trọng Nhân, Trưởng ban Dân tộc tỉnh

Ở thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, gia đình anh Điểu Nháp là một trong số 18 hộ được Nhà nước cấp đất tái định cư để thực hiện dự án xây dựng Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo từ năm 2016. Khu tái định cư được đầu tư đầy đủ hệ thống điện, điểm trường học, hệ thống giao thông thuận lợi… Với suy nghĩ, Nhà nước hỗ trợ là căn bản, gia đình phải tự chủ vươn lên, anh Nháp đã đầu tư 21 triệu đồng khoan giếng để có nước sinh hoạt và tăng gia sản xuất. Toàn bộ diện tích đất quanh nhà, anh trồng rau xanh, cây ngắn ngày. Nhờ chi tiêu tiết kiệm, chí thú làm ăn, anh Nháp đã mua được 3 ha điều, thu nhập mỗi năm khoảng 150 triệu đồng.

Gia đình anh Điểu Điền (hàng xóm của anh Nháp) có 2 ha điều gần Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. Trước đây, anh Điền phó mặc cây điều cho thiên nhiên, thời tiết, do vậy năng suất không cao. Tuy nhiên, khi phong trào xây dựng NTM lan tỏa, ai nấy đều cố gắng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc thì anh đã từ bỏ ý định bán rẫy, thay vào đó anh trồng cà phê xen trong vườn điều. Nhờ tích cực dọn cỏ, bón phân, chăm sóc nên cà phê ngày càng xanh tốt. Cây điều cũng nhanh chóng phục hồi sau dịch bệnh để chuẩn bị cho thu hoạch. 

Ông Điểu Đót, Bí thư Chi bộ thôn Bom Bo cho biết, thôn có 384 hộ, trên 1.700 người, trong đó 175 hộ dân tộc S’tiêng. Đầu năm 2020, thôn có 14 hộ nghèo, đến nay giảm còn 5 hộ nghèo.

Liên kết sản xuất

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn, bằng nhiều nguồn lực, xã Đồng Tâm đã tặng 38 nhà tình thương cho hộ nghèo, trị giá 2,768 tỷ đồng; tặng 86 con bò sinh sản, trị giá 1,72 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 0,57%. Năm 2020, thu nhập bình quân đạt 53 triệu đồng/người/năm (tăng 34 triệu 480 ngàn đồng so năm 2011).

Ông Nguyễn Đình Nhan, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú

Nếu như trước đây, giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS là nỗi lo ở từng cấp ủy, chính quyền địa phương, thì nay làm giàu, nâng cao thu nhập cho từng hộ đang là đích đến. Những hộ trước kia chỉ làm ăn manh mún, tự phát theo tư duy đơn lẻ thì nay họ đã biết liên kết với nhau xây dựng thành những tổ hợp tác và hợp tác xã. Họ liên kết lại để học tập kinh nghiệm, bảo vệ lợi ích kinh tế cho nhau trước thị trường nhiều rủi ro, biến động. Năm 2020, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh đạt nhiều thành tích trong công tác giảm nghèo, bởi ngay trong vùng đồng bào DTTS ấp 2 đã có gần 20 hộ xây dựng tổ hợp tác nuôi dê thương phẩm. Ngoài tạo ra giá trị kinh tế để từng hộ giảm nghèo thì mô hình này đã và đang đem lại tư duy tiến bộ trong làm kinh tế của người S’tiêng nơi đây. Chị Thị Minh, Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất nuôi dê xã Lộc An cho biết: “Khi bà con liên kết lại với nhau sẽ tạo ra tính đồng đều, cả tổ liên kết thực hiện tốt các nguyên tắc trong sản xuất - kinh doanh sẽ hạn chế rủi ro bệnh tật. Đồng thời cùng tiêu thụ tại một đầu mối sẽ không bị cạnh tranh, ép giá…”.

Năm 2020, toàn tỉnh tiếp tục giảm 1.000 hộ nghèo DTTS theo nghị quyết của Tỉnh ủy, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 giảm còn 1,56%. Ngoài 60 xã đã về đích NTM, còn 18 xã khác đã đạt tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu