Thứ 5, 09/05/2024 18:40:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Khởi nghiệp 05:36, 14/07/2021 GMT+7

Sức trẻ trong phát triển kinh tế

Tuệ Lâm
Thứ 4, 14/07/2021 | 05:36:00 1,735 lượt xem
BPO - Nhiều đoàn viên thanh niên (ĐVTN) loay hoay với bài toán thoát nghèo, vươn lên làm giàu mà không xác định được hướng đi. Thế nhưng, với sự hỗ trợ và định hướng của tổ chức đoàn - hội các cấp, nhiều ĐVTN ở huyện Phú Riềng được tiếp cận các nguồn vốn vay, hỗ trợ cây, con giống… để bứt phá vươn lên với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.

Thanh niên Nguyễn Ngọc Chiến (phải) hướng dẫn thợ làm cửa nhôm

Thành công từ mô hình khép kín

Mô hình nuôi dê không chỉ mở hướng thoát nghèo mà còn trở thành hướng làm giàu mới cho nhiều thanh niên. 2 năm qua, Đoàn xã Long Bình đã giúp nhiều ĐVTN vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống thông qua mô hình hỗ trợ dê giống. “Từ nguồn vốn Chiến lược phát triển thanh niên của xã và nguồn vận động ĐVTN đối ứng, 2 năm qua, Đoàn xã Long Bình đã hỗ trợ 30 con dê sinh sản cho 6 ĐVTN lập nghiệp với số tiền trên 90 triệu đồng; tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho ĐVTN vươn lên phát triển kinh tế” - Bí thư Đoàn xã Long Bình Nguyễn Nho Tâm cho biết.

Là một trong những ĐVTN được hỗ trợ dê sinh sản, anh Vu Thế Quý ở thôn 9, xã Long Bình cho hay: “Tháng 11-2020, tôi được hỗ trợ 3 con dê giống và mua thêm 2 con để nhân đàn. Đến nay, đàn dê phát triển lên 10 con. Ngoài nuôi dê, gia đình còn nuôi thêm bò laisind. Với 3 ha đất trồng cà phê kém hiệu quả, tôi chuyển một phần sang trồng cây ăn trái, phần còn lại trồng 0,2 ha cỏ voi để tăng thu nhập và bảo đảm nguồn thức ăn phong phú cho đàn dê, bò. Đặc biệt, tận dụng nguồn phân bò, dê, gia đình tôi ủ hoai mục để bón cây ăn trái trong vườn nên tiết kiệm được chi phí đầu tư”.

Nhờ trồng trọt kết hợp chăn nuôi theo hướng hữu cơ khép kín, mô hình của anh Quý vừa cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư, chăm sóc, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, mô hình của anh đang được tổ chức đoàn địa phương giới thiệu học tập và nhân rộng. “Đa dạng cây trồng, vật nuôi vừa hạn chế rủi ro, vừa có nguồn thu nhập thường xuyên. Mô hình này có thể tranh thủ làm vào lúc nhàn rỗi nên mình có thời gian đi làm thêm bên ngoài, nhờ đó thu nhập của gia đình luôn ổn định khoảng 100 triệu đồng/năm” - anh Quý chia sẻ.

Linh động trước thị trường

Những năm gần đây, do giá tiêu, điều và cà phê xuống thấp, gia đình anh Nguyễn Minh Phong ở xã Long Hà quyết định chuyển đổi một phần diện tích cây trồng già cỗi, năng suất thấp sang trồng cây sương sâm. Lần trồng sương sâm đầu tiên không thành công, tỷ lệ cây con chết nhiều và chậm phát triển nhưng không nản chí, anh quyết tâm tìm tòi học hỏi. Vì vậy, những lần sau, cây phát triển tốt và cho thu hoạch lá ngay từ vụ đầu tiên.

Anh Phong cho biết: “Năm 2019, tôi đầu tư 20 triệu đồng làm giàn trồng thử nghiệm sương sâm trên 1 sào đất. Sau 7 tháng thu hoạch thấy hiệu quả, gia đình tiếp tục mở rộng trồng thêm 5 sào và đến nay cho thu khoảng hơn 1 tấn lá/lần. Với giá bán hiện tại khoảng 70 ngàn đồng/kg, trung bình mỗi tháng gia đình thu khoảng 20 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí”. Cây sương sâm cho thu hoạch quanh năm, cách 45 ngày hái một lần, kết hợp với việc trồng gối đầu nên gia đình anh Phong có nguồn thu thường xuyên.

Theo anh Phong, mỗi dây sương sâm nếu chăm sóc tốt có thể cho lá từ 6-7 năm. Sương sâm thường mắc bệnh phấn trắng, rầy nâu... nên phải thường xuyên thăm vườn để phòng bệnh. 1 tháng phải bón phân 2 lần để cung cấp dưỡng chất cho cây. Tuy nhiên, đây là loại cây lấy lá nên việc phun thuốc, bón phân phải sử dụng thuốc sinh học, phân hữu cơ và tuân thủ theo hướng an toàn để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.

Khẳng định thương hiệu

Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, sẵn có tay nghề, năm 2017, anh Nguyễn Ngọc Chiến ở xã Long Tân bàn với gia đình mở tiệm nhôm kính để phát triển kinh tế. Từ số tiền trợ cấp xuất ngũ và sự hỗ trợ của cha mẹ, anh Chiến đã đầu tư 100 triệu đồng để khởi nghiệp. Thời gian đầu, công việc kinh doanh của anh Chiến gặp nhiều khó khăn do chưa có khách hàng. Không nản chí, anh chủ động đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu cho cơ sở.

Để tạo niềm tin với khách hàng, mỗi sản phẩm làm ra, anh Chiến luôn yêu cầu phải đẹp, chất lượng và giá cả phải chăng. Tiếng lành đồn xa, cơ sở nhôm kính của anh được nhiều người biết đến nên không chỉ khách hàng trên địa bàn mà nhiều người ở các địa phương khác trong tỉnh cũng tìm về đặt hàng, trong đó có nhiều công trình lớn. Hiện cơ sở anh tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động là thanh niên địa phương và 6 lao động thời vụ, với thu nhập ổn định 6 triệu đồng/người/tháng. “Khi khởi nghiệp, tôi gặp không ít khó khăn vì nhiều người chưa biết đến cơ sở cũng như chưa tin tưởng tay nghề của mình. Nhờ tạo dựng uy tín từ đầu nên nhiều khách hàng lớn trong và ngoài huyện đã tìm đến đặt hàng. Để đáp ứng và bắt nhịp yêu cầu của thị trường, nhất là với những mặt hàng cao cấp, thời gian tới, cơ sở mong được tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư máy làm nhôm Xingfa 2 đầu và các hệ nhôm cao cấp” - anh Chiến mong muốn.

Tổ chức đoàn - hội các cấp phải là “bà đỡ” cho đoàn viên, hội viên lập nghiệp, khởi nghiệp. Việc định hướng và tìm giải pháp cho thanh niên, nhất là thanh niên yếu thế, thanh niên hoàn lương cần được quan tâm hơn nữa. Đối với các mô hình kinh tế nhỏ lẻ của thanh niên chưa có sự liên kết, tổ chức đoàn - hội các cấp phải là “cầu nối” để các mô hình tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Anh Trần Quốc Duy, Bí thư Tỉnh đoàn


  • Từ khóa
126438

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu