Thứ 7, 27/04/2024 13:09:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Khởi nghiệp 16:27, 30/10/2023 GMT+7

Khát vọng làm giàu trên quê hương

Ngọc Quế
Thứ 2, 30/10/2023 | 16:27:39 3,405 lượt xem
BPO - Mong muốn vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương, đoàn viên, hội viên thanh niên tỉnh Bình Phước đã tích cực tìm hiểu, học hỏi các mô hình kinh tế phù hợp điều kiện bản thân, gia đình để áp dụng. Dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi đã giúp những thanh niên 9X biết nắm bắt cơ hội và thay đổi cuộc sống.

PHÁT HUY LỢI THẾ, VƯƠN LÊN PHÁT TRIỂN

Với lợi thế đất đai của gia đình, anh Vũ Bảo (SN 1996), Bí thư Chi đoàn ấp Phú Thành, xã Thanh Phú, thị xã Bình Long đã phát triển hiệu quả mô hình vườn - ao - chuồng đem lại nguồn thu ổn định.

Có truyền thống gia đình kinh doanh trại cá giống, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, anh Bảo tiếp tục phát triển mô hình. Gia đình anh Bảo đang có gần 20 ao, hồ nuôi và dưỡng cá các loại như: diêu hồng, trắm, rô phi, trôi, trê… Cá giống nhập về trại sẽ được gia đình nuôi, dưỡng thêm. Theo anh Bảo, cá giống là loại cá nhỏ, dễ chết nên quá trình nuôi ương, thâm canh, đánh bắt, vận chuyển khi mang đi tiêu thụ đều phải có kỹ thuật. Để đảm bảo chất lượng con giống và năng suất cần cải tạo, vệ sinh ao, hồ theo định kỳ. Đặc biệt, phải cho cá ăn đúng giờ và bảo đảm lượng thức ăn vừa đủ. Cá giống sau khi nhập về sẽ được nuôi dưỡng trong các quây lưới ở ao, vừa dễ bắt bán vừa kiểm soát được bệnh. 

Cá giống nhập trại phải thả trong lưới quây để kiểm tra, quan sát thường xuyên và xử lý mầm bệnh

Anh Bảo chia sẻ, bên cạnh dưỡng cá giống bán, anh còn nuôi cá sinh sản để có nguồn cá thuần cung cấp cho người dân. Cá nuôi trong vòng 8 tháng sẽ sinh sản. Tuy nhiên, hiện gia đình anh chỉ mới nuôi được 2 loại cá diêu hồng và tai tượng cho đẻ trực tiếp, còn những dòng khó đẻ, cần can thiệp chuyên môn cao phải nhập từ trại cá giống lớn. Cá giống thuần có giá bán “mềm” hơn cá nhập từ 10-15 ngàn đồng/kg nên được người mua ưa chuộng và thời điểm bán cá giống chạy thường vào mùa mưa với giá từ 100-115 ngàn đồng/kg, tùy loại.

Theo anh Vũ Bảo (bìa trái), thỏ New Zealand là giống dễ nuôi, thức ăn dễ tìm và phù hợp khí hậu ở Bình Phước

Mô hình kinh tế của gia đình anh Vũ Bảo được Đoàn xã chọn làm điểm tham quan, tìm hiểu, học tập kinh nghiệm cho đoàn viên thanh niên. Đây là một trong những mô hình hiệu quả trên địa bàn, với cách làm khoa học giúp thanh niên phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống. 

Phó Bí thư Đoàn xã, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên xã Thanh Phú NGUYỄN TẤN THÀNH

Tận dụng diện tích đất sau nhà, anh Bảo đã nhân rộng mô hình nuôi thỏ New Zealand lai. Bắt đầu nuôi thỏ từ năm 2022 với 9 con ban đầu, đến nay anh đã phát triển đàn lên 35 con thỏ cái. Thỏ giống nuôi khoảng 8 tháng bắt đầu sinh sản, bình quân mỗi năm đẻ 5-6 lứa, mỗi lứa từ 6-12 con. Đặc biệt, thức ăn cho thỏ phong phú, dễ kiếm trong vườn như lá keo, lá mít, rau muống. Anh Bảo cho biết: Thỏ con được 20 ngày có thể tách mẹ và nuôi thêm 10 ngày là bán giống. Thỏ giống có giá 140 ngàn đồng/kg, thỏ thịt giá bán 70 ngàn đồng/kg. Để nuôi thỏ hiệu quả, người dân lưu ý xây dựng chuồng trại khoa học, đúng kỹ thuật. Vườn - ao - chuồng là mô hình khép kín nên có thể tận dụng cây, lá trong vườn làm thức ăn cho thỏ và cá; phân thỏ qua xử lý bón cho cây trồng và nuôi cá giúp tiết kiệm chi phí, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

DÁM NGHĨ, DÁM LÀM

Khát vọng làm giàu từ nông nghiệp đã thôi thúc thanh niên Nguyễn Văn Trung (SN 1991) ở thôn Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập thử sức với dưa lưới công nghệ cao. Bắt đầu mô hình khởi nghiệp này từ đầu năm 2023, nhưng anh Trung đã có những hướng đi rõ rệt để mở rộng sản xuất trong thời gian tới.

Theo anh Trung dưa trồng trực tiếp dưới đất sẽ phát triển tốt hơn, tuy nhiên, mầm bệnh khó xử lý hơn. Vườn dưa này đã được hơn 40 ngày tuổi

Yêu thích nông nghiệp nên anh Trung đã quyết định dừng công việc cơ khí để khởi nghiệp từ dưa lưới tại địa phương. Anh Trung chia sẻ, sau nhiều năm nhận làm các công trình nhà màng, nhận thấy trồng dưa lưới công nghệ cao đem lại hiệu quả kinh tế và thỏa niềm đam mê nên anh chuyển hướng về nhà phát triển kinh tế từ mô hình này. Theo anh, trồng dưa lưới trong nhà màng có nhiều ưu điểm như: quản lý cây trồng tốt hơn, giúp che mưa và ngăn côn trùng hại xâm nhập, giúp nông dân giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật và hơn hết là nhanh thu hồi vốn.

Đầu tư 520 triệu đồng làm 1,8 sào nhà màng trồng dưa lưới giống đế đặc mật, vụ đầu tiên anh thu được 11,5 tấn dưa, vụ thứ hai thu 8 tấn. Sau khi trừ chi phí, đem lại nguồn lợi khá cao. Anh chia sẻ, vụ đầu tiên trồng dưa trực tiếp dưới đất, còn vụ thứ 2 anh trồng trong bầu và sẽ luân phiên giữa các vụ để đảm bảo năng suất cây trồng cũng như dễ dàng xử lý mầm bệnh. Theo anh, dưa trồng trực tiếp dưới đất sẽ phát triển tốt hơn, tuy nhiên mầm bệnh khó xử lý. Dưa từ lúc ra bông, đậu trái đến khi thu hoạch kéo dài từ 65-70 ngày; người trồng phải tuân thủ các nguyên tắc ngưng thuốc, ngưng phân từ 15-20 ngày trước khi thu hoạch để đảm bảo chất lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường. Đặc biệt, người trồng cần thường xuyên thăm vườn để phát hiện, xử lý nấm bệnh kịp thời.

Từ nguồn vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm của kênh Trung ương Đoàn 400 triệu đồng tôi sẽ nâng cấp vườn, mở rộng thêm nhà màng phát triển dưa lưới theo hướng công nghệ cao và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

 Anh NGUYỄN VĂN TRUNG, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập


Phó Bí thư Đoàn xã Phú Nghĩa Nguyễn Văn Lịch cho biết: Mô hình khởi nghiệp của thanh niên Nguyễn Văn Trung mới làm nhưng hiệu quả kinh tế cao. Trồng dưa lưới đầu tư chi phí cao nhưng nhanh thu hồi vốn, lại không tốn nhiều nhân công lao động. Thời gian qua, Đoàn xã đã hỗ trợ Trung làm hồ sơ để tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp của Trung ương Đoàn và giới thiệu tham gia các lớp tập huấn khởi nghiệp, chuyển giao khoa học - kỹ thuật của huyện, tỉnh. Hướng tới, Đoàn xã sẽ hỗ trợ Trung làm các thủ tục để được công nhận sản phẩm OCOP.

  • Từ khóa
181120

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu