Thứ 5, 25/04/2024 05:07:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Khởi nghiệp 05:41, 02/07/2021 GMT+7

Khi thanh niên đam mê làm kinh tế

Tuệ Lâm
Thứ 6, 02/07/2021 | 05:41:00 2,271 lượt xem
BPO - Tùy vào hoàn cảnh, điều kiện kinh tế và thổ nhưỡng, khí hậu mà mỗi thanh niên sẽ chọn cho mình một mô hình kinh tế phù hợp. Dù là mô hình trồng trọt hay chăn nuôi thì để đi đến thành công, ngoài sự nỗ lực, kiên trì cũng cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ mô hình, nhu cầu thị trường, tránh tình trạng cung lớn hơn cầu, dẫn đến thất bại không mong muốn...

Mỗi người một hướng đi, một cách làm, nhưng để có được thành công thì cần phải có rất nhiều yếu tố. Với mong muốn làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, nhiều đoàn viên thanh niên (ĐVTN) huyện Hớn Quản đã tìm hiểu, nghiên cứu và chọn cho mình mô hình kinh tế phù hợp, hướng tới phát triển bền vững.

Vào mùa mưa, anh Phùng Anh Đức chủ động thu phân dơi sớm, tránh kiến tha và nước mưa làm tan
(ảnh chụp ngày 7-4-2021)

Nuôi dơi lấy phân

Không chỉ nhiệt tình trong các phong trào hoạt động đoàn - hội, Bí thư Đoàn xã Minh Tâm Phùng Anh Đức còn chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các mô hình kinh tế mới, hiệu quả trên internet và mạng xã hội. Từ thực tế địa phương, anh Đức nhận thấy, mô hình nuôi dơi lấy phân còn mới, lạ và hiệu quả nên đã thử nghiệm một chuồng nuôi dơi rộng 40m2, vốn đầu tư 80 triệu đồng.

Thời gian đầu, dơi về chưa nhiều nên mỗi tuần, anh Đức chỉ thu khoảng 7kg phân, còn thời điểm này, mỗi ngày đã được 7kg. Sau hơn 1 năm thực hiện, anh đã đăng ký nhãn hiệu “Phân dơi hữu cơ Minh Tâm” với sản phẩm đóng gói tiện dụng cung cấp cho đối tác từ 0,5-1 tấn/tháng. Với giá bán phân thô 30 ngàn đồng/kg, bình quân mỗi tháng, anh thu về hơn 6 triệu đồng.

Theo anh Đức, để thu hút dơi về trú ngụ trong chuồng thì chuồng dơi phải cao ráo (ngang 5m, cao trên 7m), thoáng mát. Ở Bình Phước, về mùa mưa phải thường xuyên thay lá thốt nốt trong chuồng, tránh tình trạng lá bị ẩm ướt, gây bệnh cho dơi. Lá thốt nốt là giá thể chính dẫn dụ dơi về chuồng trú ngụ. Vì thế, chỉ được thay lá vào thời điểm dơi đi ăn. Còn mùa khô thì 3 tháng thay lá giặt, phơi nắng để đảm bảo diệt sạch ấu trùng kiến.

Anh Đức cho hay: Dơi được nuôi lấy phân là dơi muỗi, chuyên ăn các loại côn trùng nên phân thải ra rất tốt cho cây trồng. Mô hình này kinh phí đầu tư không cao, chuồng dơi khá dễ làm. Khi làm chuồng, chỉ cần căng một tấm lưới lớn dưới chuồng để hứng phân, vừa đảm bảo việc thu hoạch tiện lợi, vừa giúp phân dơi nhanh khô. Phân dơi nên thu mỗi ngày, tránh để lâu kiến tha đi hoặc gặp mưa bị phân rã. Thu xong phơi nắng 2-3 ngày và xử lý bằng nano bạc đóng gói dạng túi, phục vụ nhu cầu chăm sóc các loại bonsai, hoa lan... Ở xã Minh Tâm, anh cũng đã chuyển giao khoa học - kỹ thuật và hướng dẫn cho 4 hộ thực hiện khá hiệu quả.

“Mô hình nuôi dơi lấy phân hiện còn khá mới. Đây là mô hình dễ làm và cho hiệu quả kinh tế cao, không mất quá nhiều thời gian, công sức cũng như diện tích đất xây dựng. Các hộ dân có thể tranh thủ thời gian rảnh để thu hoạch phân dơi tăng thu nhập. Chúng tôi đang giới thiệu, nhân rộng mô hình này để nông dân trong xã học và làm theo” - bà Trần Thị Thanh Tuyết, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Tâm nói.

Trồng dưa công nghệ cao

Tuy đã trải qua nhiều công việc khác nhau nhưng nguồn thu không ổn định cho đến khi anh Nguyễn Luân ở ấp Văn Hiên II, xã Phước An tìm đến mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đã thành công với thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.

Năm 2016, anh Luân đầu tư 100 triệu đồng xây nhà màng trồng dưa lưới. Dù thất bại ngay vụ đầu tiên nhưng nhận thấy những giá trị của mô hình, anh tiếp tục học hỏi, khắc phục. Các vụ tiếp theo, anh chú ý từ khâu gieo hạt, xuống giống và cách phòng trừ sâu bệnh. Hiện anh Luân đã phát triển thêm 2 nhà màng với diện tích 2.000m2 trồng dưa lưới và dưa lê. Anh Luân cho biết, cái lợi lớn nhất của mô hình là thời gian từ khi xuống giống đến thu hoạch chỉ khoảng 75 ngày. Như vậy, bình quân mỗi năm có thể trồng ít nhất 3 vụ, với thị trường tiêu thụ và giá bán ổn định thì mô hình này cho hiệu quả kinh tế khá cao.

Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của anh Nguyễn Luân đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao (ảnh chụp ngày 7-4-2021)

Để đảm bảo năng suất vụ sau cao hơn vụ trước, anh Luân luân phiên trồng đất với giá thể xen kẽ hoặc trồng theo phương pháp nửa đất, nửa giá thể và luân phiên thay đổi loại cây trồng trong một nhà màng. Anh Luân chia sẻ: “Dưa lưới và dưa lê là cây trồng ngắn ngày nên chăm sóc giống như chăm con mọn. Tôi phải thăm vườn mỗi ngày để phòng trừ sâu bệnh từ sớm, từ xa vì cây dưa bị nhiễm bệnh sẽ lây rất nhanh và khó điều trị. Bài học đắt giá để tôi rút kinh nghiệm, đó là vụ dưa lưới đầu tiên, do lơ là thăm vườn đã gây thiệt hại gần 2 tấn dưa dù chỉ còn vài ngày là thu hoạch”.

Hiện anh Luân đã thu hoạch xong vụ dưa lưới thứ 2 trong năm với năng suất đạt 2,5 tấn/nhà màng. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá dưa lưới giảm nhẹ nhưng vẫn bảo đảm cho gia đình có nguồn thu ổn định.

Năm 2021 với chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”, Tỉnh đoàn đã tập trung tìm kiếm những giải pháp khả thi nhất để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Qua việc tìm hiểu các mô hình kinh tế để nắm bắt những khó khăn và có những giải pháp, định hướng kịp thời cho thanh niên xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt, trong thời điểm khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, đối với các mô hình nhỏ, lẻ chưa có sự liên kết, Tỉnh đoàn sẽ là cầu nối cùng các doanh nghiệp, chuyên gia, kỹ sư... chia sẻ, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.                    

Bí thư Tỉnh đoàn Trần Quốc Duy


  • Từ khóa
125709

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu