Thứ 2, 20/05/2024 09:02:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 16:03, 24/07/2019 GMT+7

Bỏ thì thương, vương thì... nặng

Thứ 4, 24/07/2019 | 16:03:00 138 lượt xem
BP - Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đã khép lại, nhưng trong dư luận vẫn còn rất nhiều trăn trở. Nhất là câu hỏi sau 5 năm thực hiện kỳ thi “2 trong 1” còn phù hợp với điều kiện hiện tại và có nên duy trì trong khi chi phí và công sức mà xã hội bỏ ra quá nhiều.

Hiện cả nước đã công bố tỷ lệ tốt nghiệp THPT  năm học 2018-2019. Theo đó, tỷ lệ tốt nghiệp THPT  ở nước ta năm nay đạt 94,06%. Ở Bình Phước, tỷ lệ này là 96,06%, 373 em trượt tốt nghiệp. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là không chỉ sau kỳ thi này, mà các năm trước trong dư luận đã xuất hiện nhiều ý kiến nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia. Bởi năm nào cũng vậy, sau mỗi kỳ thi thì tỷ lệ tốt nghiệp đều đạt từ 90% trở lên, nên việc tổ chức thi là không cần thiết. Trong khi đó, để phòng ngừa tiêu cực phát sinh trong quá trình tổ chức, Bộ GD-ĐT đã huy động trên 50 ngàn cán bộ, giảng viên từ những trường đại học về các địa phương tham gia tập huấn, coi thi, giám sát và chấm thi trắc nghiệm... Những vấn đề này cho thấy, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là hết sức tốn kém và phức tạp, nhưng chỉ để “loại bỏ” khoảng 5% thí sinh dự thi là rất lãng phí.

Năm 2019, Bình Phước có 9.672 thí sinh đăng ký dự thi tại 26 điểm, với 419 phòng thi. Để phục vụ kỳ thi THPT quốc gia, Sở GD-ĐT đã huy động 1.383 cán bộ coi thi, phục vụ kỳ thi. Đơn vị phối hợp là Trường đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh) cũng đã cử 565 người đến Bình Phước làm nhiệm vụ coi thi, phục vụ kỳ thi... Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn Bình Phước đã thực hiện chương trình tình nguyện tiếp sức mùa thi với đội hình hơn 620 người tham gia. Riêng tại điểm thi Trường THPT Hùng Vương (Đồng Xoài) có 28 phòng thi với 677 thí sinh đăng ký dự thi, nhưng có đến 110 cán bộ coi thi và phục vụ thi (chưa kể hàng trăm tình nguyện viên, các đoàn thanh tra), cho thấy công sức của xã hội bỏ ra rất lớn. Trong khi đó, kinh phí chi trả cho cán bộ coi thi, phục vụ thi cùng nhiều chi phí khác như lắp camera giám sát, in sao đề thi, phục vụ y tế, vận chuyển đề và bài thi... là không nhỏ. Ngoài ra, sau mỗi kỳ thi còn có các hoạt động chấm thi, chấm phúc khảo, bảo quản bài thi... là những gánh nặng cho ngân sách.

Từ những yếu tố nêu trên, không ít ý kiến cho rằng, không cần phải tổ chức thi THPT quốc gia. Bởi ngày nay nhân loại đang bước vào kỷ nguyên của tự động hóa nhưng chúng ta vẫn đang loay hoay tìm câu hỏi về thi chung hay thi riêng cho bậc THPT và chưa có sự thống nhất về phương án tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng. Nên chăng, đã đến lúc cần mạnh dạn bỏ kỳ thi THPT quốc gia, mà thực hiện xét tốt nghiệp từ kết quả học tập của học sinh trong 3 năm học THPT. Sau đó, để các trường đại học, cao đẳng tổ chức thi tuyển sinh theo bộ đề và khung điểm chuẩn do Bộ GD-ĐT đưa ra. Hoặc chỉ tổ chức thi THPT quốc gia đối với những em học lực yếu, kém để giảm nhẹ gánh nặng áp lực thi cử cho học sinh, vừa giảm gánh nặng cho ngân sách và công sức của xã hội.

Tấn Phong

  • Từ khóa
109153

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu