Thứ 2, 20/05/2024 15:42:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:54, 10/05/2019 GMT+7

Cần tỉnh táo trước những lời nịnh bợ

Thứ 6, 10/05/2019 | 09:54:00 1,244 lượt xem

BP - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ tại Quyết định số 1847/QĐ-TTg, ngày 27-12-2018. Nội dung về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức được dư luận đồng tình, đánh giá cao. Đồng thời, việc yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức “không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng” được quan tâm đặc biệt. Bởi ai cũng nhận thấy, giữa khen và “nịnh bợ” khoảng cách rất mong manh. Mới đây, Bộ Nội đề xuất bổ sung quy định về văn hóa công vụ vào dự luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức, trong đó có quy định cấm nịnh bợ “sếp” vì động cơ không trong sáng.

Theo từ điển tiếng Việt, xu nịnh là nịnh nọt để lấy lòng và cầu lợi. Xu nịnh, bợ đỡ được phản ánh rất nhiều trong lịch sử, văn chương, nghệ thuật chứ không phải xã hội hiện đại mới có. Lịch sử chứng minh không ít ông vua vì nghe lời nịnh thần mà mất nước. Đơn cử, thời vua Trần Dụ Tông, thầy Chu Văn An dâng sớ xin chém 7 tên nịnh thần là những kẻ quyền thế được vua yêu (Thất trảm sớ) nhưng  không được đồng ý; Trần Nghệ Tông lật đổ Nhật Lễ nhưng rồi lại quá nghe lời Hồ Quý Ly dẫn tới việc tự tay giết cháu là Trần Phế Đế, để rồi sau đó nhà Trần bị Hồ Quý Ly lật đổ. Và các vương triều đều sụp đổ sau đó.

Ngày nay, thói xu nịnh vẫn diễn ra muôn hình vạn trạng, biến hóa khôn lường. Nhiều vụ tham nhũng, chạy chức chạy quyền cũng xuất phát từ thói xu nịnh, “bằng lòng” hơn “bằng cấp”, trình độ năng lực... Vì vậy, muốn thói “nịnh bợ” hết đất sống thì hệ thống chính trị cần phải phát huy tính dân chủ nhiều hơn nữa; giáo dục bồi đắp nâng cao vai trò, trách nhiệm đạo đức công vụ, đạo đức cách mạng cho mọi cán bộ, công chức, viên chức. Mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nâng cao bản lĩnh, đức độ và tài năng bản thân để người khác tôn trọng, vị nể một cách thực chất, chứ không tỏ ra “người quan trọng”, phô trương quyền lực khiến người khác phải xu nịnh. Đồng nghĩa “sếp” phải là người có năng lực, biết cách “nhìn người”, “hiểu người” và “dùng người”.

Tăng Quốc Phiên là một nho gia tài ba của nhà Thanh - Trung Quốc, từng nói: “Một người làm tướng, làm quản lý mà không thể nhìn ra một người tốt hay xấu thì nói gì đến cách dùng người được?”. Khổng Tử cũng khẳng định: “Ác lợi khẩu chi phúc bang gia”, ý nói ghét kẻ khéo nói thì tốt cho nước nhà. Ông còn cho rằng: “Viễn nịnh nhân” (nên tránh xa kẻ nịnh bợ). Lời của Khổng Tử không chỉ đúng đối với đất nước mà còn cả sự kết giao cá nhân. Nói rõ hơn về khen, chê, nịnh bợ, Tuân Tử đúc kết: “Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy”. Đó là chưa kể, nịnh bợ hiện còn là đầu mối, nguyên nhân của sự mất đoàn kết trong các cơ quan, đơn vị...

Mong rằng, khi hành vi “nịnh bợ” được luật hóa thì những kẻ thường xuyên dùng lời ngon ngọt dối trá để vuốt ve, nịnh bợ cấp trên biết “sợ” mà dừng lại. Những ông “sếp” chỉ thích lời “bốc thơm” cũng thêm một lần nhận ra bản chất đâu là “nịnh” và đâu là “khen”. “Sếp” có bản lĩnh, tinh tế, hiểu biết hay không thì nhìn cách họ phân biệt cấp dưới khen hay nịnh bợ vì động cơ không trong sáng... sẽ hiểu!

An Nhiên

  • Từ khóa
109099

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu