Thứ 2, 20/05/2024 09:03:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:33, 26/10/2018 GMT+7

Tiền mất tật mang

Thứ 6, 26/10/2018 | 09:33:00 96 lượt xem

BP - Lướt qua các trang báo trong vài ngày cuối tháng 10 này, điểm sơ sơ thấy khoảng 10 vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị truy tố hoặc đưa ra xét xử liên quan tới xin việc làm. Gõ từ khóa “lừa đảo xin việc” trên internet chưa đầy 1 giây tôi thấy hiện ra gần 11 triệu kết quả. Đúng là có “cầu” mới có “cung”, “lót tay” để có việc làm là tiêu cực vốn đã xảy ra trong xã hội, trở thành nếp nghĩ của nhiều người, thậm chí còn được một số người ngầm hiểu là “luật bất thành văn”. Vì thế, nhiều kẻ bất lương mới sử dụng chiêu trò, thủ đoạn tạo vỏ bọc để chiếm đoạt tiền tỷ của người dân vô tội một cách dễ dàng như vậy.

Ngày 23-10, Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ mở phiên sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Trần Hoàng Huy (38 tuổi, ngụ quận Bình Thủy) 9 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 4 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”, “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Trước đó, Huy tung tin một đơn vị công an trên địa bàn quận thành lập bệnh xá, cần tuyển người và nhận tiền 6 trường hợp hơn 800 triệu đồng để “chạy việc”. Sau đó, Huy làm giả quyết định để những người này tới làm việc... (!?)

Cùng tội danh, Công an tỉnh Thanh Hóa vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Phạm Thị Đức, 61 tuổi ở huyện Cẩm Thủy. Bằng việc hứa hẹn có thể xin được việc làm ở các bệnh viện, hứa từ 3-6 tháng sẽ có quyết định đi làm hoặc tuyển dụng, Đức lừa hơn 1 tỷ đồng, còn người chờ việc vẫn mỏi mòn đợi.

Các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức xin việc làm không hiếm, tháng nào cũng thấy, không ở tỉnh này thì tỉnh khác. Phương thức, thủ đoạn của đối tượng không mới nhưng đánh đúng tâm lý khát khao tìm việc làm, thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin của nhiều người. Để tạo lòng tin cho “con mồi”, đối tượng lừa đảo thường giới thiệu có mối quan hệ rộng, có khả năng xin việc làm hoặc quen biết với các cán bộ cấp cao nên nhiều nạn nhân đã “sập bẫy”, lâm vào cảnh khốn cùng.

Đơn cử tại Thái Nguyên, Trần Thị Phương Thảo (1987) và Nông Thị Thu Hằng (1980) là 2 đối tượng thất nghiệp nhưng tạo vỏ bọc là cán bộ ở cơ quan, trường học, quen biết nhiều lãnh đạo các sở, ngành, có thể xin được việc làm tại các cơ quan nhà nước. Theo đó, người dân đưa cho Thảo và Hằng hơn 3 tỷ đồng nhờ xin việc làm. Ở Hà Nội, Trần Thị Kim Phương (53 tuổi, trú quận Hoàng Mai) cũng vừa lĩnh án phạt 20 năm tù giam về hành vi lừa đảo. Để thỏa mãn chi tiêu cá nhân, Phương “quảng cáo” bản thân có mối quan hệ rộng, có thể xin được vào biên chế trong các ngành y tế, giáo dục, thuế, lực lượng vũ trang... rồi nhận tiền xin việc cho 15 trường hợp hơn 6,6 tỷ đồng...

 Ngoài nôn nóng muốn có việc nên bị “sập bẫy” thì tâm lý mong muốn con mình khi ra trường có việc làm ổn định trong cơ quan nhà nước nhưng không muốn nói cho người khác biết việc xin xỏ, chạy chọt nên vô tình giúp đối tượng lừa đảo dễ dàng che giấu hành vi phạm tội. Đến khi biết mình bị lừa mới tá hỏa và tiền mất tật mang. Đây thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh cho các gia đình khi có ý định “chạy việc” cho người thân. Mỗi khi muốn xin việc làm phải tìm hiểu kỹ cơ quan, đơn vị đó để những kẻ bất lương không tìm được cơ hội “đục nước béo cò”, tìm cách trục lợi.

An Nhiên

  • Từ khóa
108982

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu