Thứ 6, 17/05/2024 23:10:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Báo Xuân 21:00, 29/01/2014 GMT+7

Đồng Xoài, nhớ một miền xa lắm!

Thứ 4, 29/01/2014 | 21:00:00 158 lượt xem

Xuân Quý Tỵ 2013, tôi có dịp về quê hương vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), một tỉnh miền Đông Bắc xa xôi, cách Đồng Xoài ngót 2.000km. Đến thăm nhà ông Nguyễn Đức Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn khóa 1997-2002, tôi ngỡ ngàng khi thấy ông đang trầm ngâm trước cây mai vàng rực. Đã cuối tháng hai âm lịch, nhưng sắc mai vàng nở muộn vẫn thắm đẫm màu nhớ. Trên cành, một tấm thiệp chúc tết được gửi từ Đồng Xoài với lời kính chúc “An khang, Thịnh vương’’. Hỏi ông, trong nỗi nhớ ngập tràn ông chậm rãi: “Đồng Xoài, nhớ một miền xa lắm! Nơi ấy tôi đã gắn bó suốt 8 năm cả trong chiến tranh và hòa bình - những năm tháng gian truân nhất. Vì thế ký ức cứ dồn về đầy ắp. Năm nào tôi cũng nhận được tấm thiệp xuân từ trong đó gửi. Cái quý nhất, đáng trân trọng nhất là tấm lòng. Lớp trẻ bây giờ đâu có biết mình mà vẫn nghĩa tình”.

Một góc của thị xã Đồng Xoài hôm nay - Ảnh: S.H

Nhấp chén trà, ông bồi hồi nhớ lại: “Tôi về Đồng Xoài tháng 7-1972. Là cán bộ cơ yếu tăng cường cho huyện ủy, công việc của tôi gắn chặt với lãnh đạo, trực tiếp là bí thư. Tôi gắn bó với cả thảy là 7 đồng chí bí thư. Có người tới 3,4 năm, cũng có người chỉ vài ba tháng. Người bí thư đầu tiên tôi được phục vụ là ông Tư Huyền (lâu quá không còn nhớ họ). Quê ông ở Quảng Bình. Tuy giọng nói nặng nhưng người nghe cảm thấy nhẹ nhàng và truyền cảm vì ông vốn là cán bộ tuyên huấn. Một chiều cuối tháng 12-1972, tôi trình ông bức điện thượng khẩn đã dịch mã, thông báo Mỹ dùng B52 đánh vào Hà Nội. Vốn ở chiến trường lâu, ông hiểu rất rõ sức tàn phá khủng khiếp của “pháo đài bay” nên lặng người trong sự hanh hao se lạnh của rừng miền Đông.

Người tôi phục vụ lâu nhất là đồng chí Lê Văn Mạo (Tư Mạo). Vốn là cán bộ “nằm vùng” về Đồng Xoài năm 1973, ông thông minh và quyết đoán, tỉ mỉ trong công việc. Lúc rảnh, ông ngồi vót nan, chẻ dăm đóng cối xay lúa cho hậu cần. Tháng 7-1973, một ủy viên thường vụ không chịu được gian khổ đã chiêu hồi. Được tin, giữa đêm ông hội ý trong thường vụ, đánh giá: “Đó là sự đào thải tất yếu làm cho đội ngũ cách mạng trong sạch để đảm đương nhiệm vụ nặng nề trong lúc này”. Ngay lập tức, ông chỉ đạo tổ chức xây dựng cứ mới, kịp thời di chuyển cơ quan, đề phòng địch tập kích. Hòa bình, ông làm Chủ tịch UBND huyện Chơn Thành rồi mất. Những lần về Chơn Thành, tôi đến thắp nhang cho ông tại căn nhà gỗ đơn sơ, nằm nép mình khiêm nhường dưới tán rừng cao su ngoại vi thị trấn.

Nhớ Đồng Xoài thật là khiếm khuyết khi không nhắc tới bác Trần Lạc (Tám Lạc). Bác là người nhiều tuổi nhất trong cơ quan. Quê bác ở Quảng Nam, đi phu đồn điền từ những năm 40 của thế kỷ trước. Bác theo cách mạng không kịp lấy vợ. Bác trồng vườn, rẫy lo cái ăn cho mọi người. Bác sống chân thành, cởi mở. Đám thanh niên rất quý bác, thường hay bắt bác múa võ, đi quyền. Mỗi khi chém tay vào gió nghe vun vút, cả đám lại tung hô náo động cả khu rừng. Lúc hứng lên bác còn hát bài chòi, điệu hát quen thuộc của quê hương xứ Quảng. Khi bác mất, chị Dương Thị Bích, một cán bộ văn phòng huyện ủy, lập bàn thờ nhang khói cho bác... Nhớ thương anh chị Ba Miền, Trưởng trạm giao liên. Hai vợ chồng hy sinh cách nhau không xa trong hai chuyến dẫn khách. Anh chị anh dũng ngã xuống chỉ cách ngày giải phóng không xa và chưa kịp làm cha, làm mẹ...”.

Chiến tranh kết thúc, ông Thịnh được điều sang Văn phòng huyện ủy làm cán bộ tổng hợp, rồi đảm trách chức vụ Chánh văn phòng. Năm 1976, Đồng Xoài và Phú Giáo sáp nhập thành Đồng Phú, trước khi trở thành thị xã Đồng Xoài ngày nay. Ngày ấy, đất đai màu mỡ, mênh mông nhưng dân cư thưa thớt. Từ Đồng Xoài đến Nước Vàng không một làng bản, thôn ấp. Những dự án di dân  từ TP. Hồ Chí Minh, thậm chí từ Thái Bình xa xôi được thực hiện nhằm xóa vùng trắng. Những nếp nhà tranh chỉ đủ che nắng không đủ che mưa, không điện nước, không trường học, trạm xá... là nỗi gian nan của những ngày khởi nghiệp. Ông Thịnh bồi hồi nhớ lại: “Văn phòng huyện ủy chỉ còn mình tôi và bác Tám Lạc là người cũ. Một lớp cán bộ năng nổ, đầy nhiệt huyết như Tư Công (bí thư), Sáu Mai (Phó bí thư, Chủ tịch UBND), Năm Thuyết (Phó bí thư thường trực)... được trên chi viện. Tôi làm việc trực tiếp với đồng chí Lê Văn Thuyết (Năm Thuyết). Anh quê Thừa Thiên - Huế, tập kết ra Bắc rồi trở về Nam từ đầu những năm 60. Chúng tôi đi vào những buôn sóc người Xêtiêng vận động bà con định cư, tuyên truyền họ không nghe theo Phun-rô, vào từng nhà thờ làm công giáo vận; cùng ăn ở với đồng bào di dân từ Thái Bình, TP. Hồ Chí Minh, thăm hỏi động viên và giúp họ giải quyết những khó khăn, ổn định đời sống... Giọng Huế của anh như rút ruột, rút gan, như truyền lửa. Làm việc với anh chừng bốn năm, tôi luôn được anh yêu quý, nâng đỡ và sẵn sàng chia sẻ”.

Rồi giọng ông Thịnh như chùng xuống: “Xa Đồng Xoài tính đến Tết Giáp Ngọ này vừa tròn 34 năm. Mỗi lần trở lại tôi đều được tiếp đón như đứa con xa nhà trở về. Tôi vui đến ngỡ ngàng trước sự thay da, đổi thịt của Đồng Xoài và bâng khuâng đến hụt hẫng cảnh người mất, người còn. Lần nào tôi cũng bùi ngùi đến từng nhà đồng chí, đồng đội thắp cho họ nén nhang nghĩa tình”.

Ông nói như tổng kết: “Ở Đồng Xoài 8 năm, thời gian chưa phải dài nhưng tôi đã thu hoạch được rất nhiều trong cuộc đời. Từ chỗ lơ ngơ, lạ nước lạ cái, tôi đã biết sử dụng thành thạo cây xà gạc khi làm rẫy của người Xêtiêng, biết khi đốt rẫy phải đốt từ hướng ngược gió, rẫy cháy mới “chín”, biết tra lúa giống bằng cây lồ ô, biết xay lúa giã gạo bằng chày tay, biết chằm lá trung quân làm tranh lợp nhà, biết đào củ măng củ chụp, biết làm canh thụt, biết ăn đọt măng đắng... Tất cả những “đặc sản” đó của Đồng Xoài cùng những phong tục tập quán, phẩm chất lối sống hòa  quyện với hai mùa mưa nắng của miền Đông Nam bộ  đã cùng năm tháng thấm dần vào tôi, nhào nặn tôi thành người con của Đồng Xoài. “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Cám ơn nhà thơ Chế Lan Viên đã nói dùm tôi. Ký ức Đồng Xoài cứ đằm sâu và trở thành “trầm tích” trong tôi, là niềm cảm hứng và song hành cùng tôi đi tiếp những chặng đường cũng đầy gian nan sau này”.

Chỉ tay về phía vườn, nơi có cây mai đang khoe sắc vàng nở muộn, ông tâm sự: “Lần trở lại Đồng Xoài gần nhất, tôi mang theo về một cây mai nhỏ. Lúc đầu ươm trong chậu, mọi người khuyên tôi tạo dáng bon-sai. Nhưng khi mai lớn, tôi trồng ra vườn để mai phát triển tự nhiên, gợi cho tôi nhớ về những cây mai rừng đã một thời gắn bó. Giờ, cây mai đứng bầu bạn với cây đào cũng là một ý tưởng hay. Mỗi khi Xuân về, mai nở muộn vì chờ ngày Xuân ấm áp, tôi lại tụ tập bạn bè. Có những người đã từng chiến đấu trên đất “mùa hè đỏ lửa”, cùng nhớ về một thời trận mạc, nâng ly nhâm nhi chén rươu Xuân và nhớ về một miền xa lắm, Đồng Xoài”.

 Hoàng Đình Chiến
(Theo lời kể của ông Nguyễn Đức Thịnh, nguyên Chánh Văn phòng huyện ủy Đồng Phú (cũ), Bình Phước)

  • Từ khóa
110656

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu