Thứ 4, 08/05/2024 12:07:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Báo Xuân 21:15, 29/01/2014 GMT+7

Đoạn kết có hậu của người có Bằng Tổ quốc ghi công

Thứ 4, 29/01/2014 | 21:15:00 198 lượt xem

Tháng 3-1973, từ nhà tù Phú Quốc, ông Nguyễn Đình Lúng (quê ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) được trao trả ra Bắc. Lần đầu tiên về thăm nhà, người cha của ông lúc này tóc đã bạc, lom khom chống gậy ra ngõ đón con. Người mẹ ôm chầm lấy con, khuỵu xuống: “Mi đi mô lâu nay, chừ mới về. Họ bảo mi hy sinh rồi! Bằng Tổ quốc Ghi công của mi đang thờ trong nhà”.

Tâm thư “chết xanh cỏ, sống đỏ ngực”

Tấm lưng đã còng xuống qua 74 mùa rẫy, nước da đen nhẻm, cơ thể gầy guộc, hai bàn tay run run... khiến người đối diện khó mà tưởng tượng ra ông Nguyễn Đình Lúng  ở tổ 3, khu 7, phường Long Phước (TX. Phước Long) chính là chàng trai được trao kỷ niệm chương “Dũng sĩ diệt Mỹ” trong trận chiến Plei Me (Gia Lai - 1965). Chậm rãi, rành rọt, ông nhắc lại những mốc thời gian trước và trong chiến dịch Plei Me như thể bao nhiêu năm đã qua, ông chỉ sống để ghi nhớ và kể lại diễn biến của sự kiện lịch sử ấy. Cũng phải, bởi chiến thắng này thấm máu biết bao đồng đội, bao người dân vô tội trong vùng và một phần máu thịt của ông.

Vết thương ở vai vẫn nhức buốt mỗi khi đêm về

Ông Lúng kể: “Năm 1964, tôi vào miền Nam chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên (Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum), là bộ đội Sư đoàn 325 (Sư đoàn Lê Lợi). Năm 1965, với cương vị Trung đội phó Trung đội 3 (Đại đội 3, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325) tôi đã cùng đồng đội trải qua 6 tháng ròng chiến đấu ác liệt (từ tháng 11-1965 đến 5-1966) trong Chiến dịch Plei Me. So sánh lực lượng của ta ít hơn địch, mặt trận yêu cầu đánh tiêu hao sinh lực địch. 3 tiểu đoàn của ta bao vây 3 mũi, tấn công Plei Me. Đầu năm 1966, tôi vinh dự được Trung đoàn trưởng Trung đoàn 101 Vũ Sắt trao kỷ niệm chương “Dũng sĩ diệt Mỹ”.

Tháng 6-1966, trong một trận đánh, ông Lúng bị mảnh pháo M79 trúng vào má, vai và ngất xỉu. Sau đó, ông bị bắt rồi đưa vào Sài Gòn. Ông Lúng tâm sự: “Tôi bị tra tấn dã man nhưng quyết không khai nửa lời, đã thực hiện 10 lời thề của người lính, dù chết cũng không phản bội Tổ quốc, không làm điều gì ảnh hưởng đến đất nước và dân tộc, “chết xanh cỏ, sống đỏ ngực”. Năm 1967, tôi bị đưa đến nhà tù Phú Quốc”.

Hoạt động cách mạng bí mật trong nhà tù

Sau khi đến nhà tù Phú Quốc, dù bị tra tấn, kiểm soát gắt gao nhưng người lính Cụ Hồ Nguyễn Đình Lúng vẫn tìm cách tập trung đảng viên, đoàn viên và những người yêu nước, tìm cơ hội trở về với cách mạng. Ông Lúng và những người cùng chí hướng đã tổ chức 4 hoạt động chính trong nhà tù: Thứ nhất, tuyệt đối không khai báo bất cứ điều gì với Mỹ ngụy; thứ hai, chống lại mệnh lệnh bắt tù nhân làm những việc bất hợp pháp; thứ ba, tổ chức chi bộ đảng, đoàn viên hoạt động chống lại âm mưu, thủ đoạn của địch; thứ tư, đào hầm vượt ngục, cướp súng, vũ khí của địch.

Ông Lúng kể: Giai đoạn trong nhà tù tổ chức phải hết sức bí mật nhưng vẫn có những hoạt động rất mạnh mẽ. Năm 1967, chúng tôi đào được đường hầm dài 300m, giúp 21 cán bộ cao cấp thoát ra ngoài để tiếp tục sự nghiệp cách mạng. Khu A trong nhà tù Phú Quốc, nơi diễn ra sự việc đào hầm, sau đó bị bọn mật thám phát hiện, một người trong số chúng tôi đã bị bắn chết. Nguy hiểm không làm những người lính Cụ Hồ nao lòng.

Lần thứ hai đào hầm vượt ngục, sự việc bại lộ. Khi đó tôi nghĩ: “Không thể để tất cả anh em trong trại cùng chịu tội chung được, phải có người sống để hoạt động cách mạng. Tôi và đồng chí Thắng (quê ở Lào Cai) đứng ra nhận tội”. Hai anh em bị biệt giam 3 tháng, chịu đủ cực hình, sống không bằng chết. Tuy nhiên, cả tôi và Thắng đều chỉ nhận do chịu không nổi cảnh tù đày nên tự tìm cách vượt ngục, quyết không khai tổ chức bí mật. 30 ngày sau cùng, tôi bị nhốt vào lồng sắt kẽm gai, không thể trở mình được. Đến khi được trả về khu trại giam chung, tôi phải chống gậy, bắt đầu... tập đi.

Trong tù, tất cả chúng tôi đều có biệt hiệu. Ngôn ngữ ký hiệu để nhận biết, phòng khi bị phát hiện sẽ hỏng việc lớn. Công tác vận động luôn được cán bộ, đảng viên đặt lên hàng đầu. Những người lính phía bên kia chiến tuyến, có người độc ác cũng có người bất đắc dĩ đi chỉ vì vợ con, gia đình. Chúng tôi phân loại họ ra, sau đó tìm cách gần gũi, vận động, cảm hóa... Những người lính ngụy này đã đưa một số tài liệu, báo chí, tin tức từ bên ngoài vào cho anh em trong tù. Nhờ vậy, các nghị quyết của Đảng luôn được quán triệt kịp thời.

Để tang Bác Hồ trong nhà tù Phú Quốc

Ngày hôm đó, tờ báo “Tia Sáng” từ bên ngoài lọt vào có tin Bác đã ra đi. Tất cả tù nhân đều bàng hoàng, đau đớn. Chúng tôi quyết định tổ chức lễ tang cho Người. Giờ làm Lễ truy điệu cho Bác đúng vào thời khắc điểm danh quân số, khi đó tất cả mọi người đều có thể tập trung xếp hàng trang nghiêm. Khi có hiệu lệnh “đằng hắng”, mọi người cùng đồng lòng cúi đầu mặc niệm, ông Lúng nén lại những xúc động trào dâng, kể với chúng tôi.

Ban tổ chức lễ tang tìm được 2 áo vải màu đen đem chia ra, mỗi một người nhận một mảnh khăn tang, ghim phía trong cúc áo. Để tang được 3 ngày, bọn mật thám trà trộn trong nhà lao phát hiện. Chúng đánh đập dã man nhưng ai cũng quyết để tang cho bằng được. Sau cùng, chúng không cho tù nhân mặc áo để không đeo được dải băng tang và đem tất cả phơi nắng. 8 ngày đó, anh em trong trại tuyệt thực để đưa ra yêu sách. Ban ngày, không ai ăn, uống bất cứ thứ gì. Đêm tới, một số người còn khỏe bò ra bờ hồ lấy nước mang về chia cho anh em cầm cự. Đến ngày thứ tám thì ban chỉ huy nhà tù vào giải quyết sự việc. Các tù nhân đưa ra 3 yêu sách; trong đó yêu sách đầu tiên là đòi công khai để tang Bác Hồ. 

Kết thúc chiến tranh, hằng năm, mỗi khi đến dịp kỷ niệm ngày Bác Hồ từ trần, ông lại cùng đồng đội, những cựu tù cộng sản năm xưa gặp mặt ôn lại thời khắc thiêng liêng rồi cùng nhau kính cẩn thắp nén hương trước anh linh Bác.

Vỡ òa... làm đám cưới cho đứa con tưởng đã hy sinh

Tháng 3-1973, người tù cộng sản Nguyễn Đình Lúng được trao trả ra Bắc. “Khi xe đi ngang qua quê nhà ở Quảng Bình, tôi chỉ kịp vứt xuống đất mảnh giấy vỏn vẹn mấy chữ “Nguyễn Đình Lúng ra Bắc an dưỡng”. Đây là tin tức đầu tiên tôi thông tin về cho gia đình kể từ ngày nhập ngũ. Khi đó tôi chỉ cầu khấn sao cho có ai nhặt được, mang về an ủi mẹ tôi. Ngày 23-12-1973, tôi được đơn vị cho về phép thăm nhà lần đầu sau ngần ấy năm xa cách. Tôi vô cùng xúc động khi trở về trong vòng tay của gia đình. Cha mẹ tôi kể lại: Ngày 22-12-1968, gia đình đã rụng rời khi nhận giấy báo tử và Bằng Tổ quốc Ghi công của tôi. Từ đó, cả nhà nhang khói cho đến ngày một người thanh niên trong làng vô tình nhặt được mảnh giấy trên đường. Anh ta vội về nhà báo tin, cả gia đình tức tốc chạy bộ đuổi theo chiếc xe để nhìn tận mặt người con trai nhưng không kịp.

Hai bên gia đình đã làm mai cho anh Lúng và cô gái mở đường ở cùng làng tên Đinh Thị Hoài. Ngày 10-1-1974, sau 17 ngày về nhà, lễ cưới đơn sơ được tổ chức. Đám cưới chỉ có ấm nước chè xanh, chú rể mặc đồ bộ đội, cô dâu mượn được chiếc áo sơ mi màu trắng đã ngả vàng. Sau đám cưới 8 ngày, anh bộ đội lại trở về đơn vị.

Năm 1982, ông Lúng đưa vợ con vào Bình Phước lập nghiệp theo diện kinh tế mới. Dù sức khỏe đã giảm sút rõ rệt sau nhiều năm bị tra tấn trong tù, nhưng ông vẫn hăng hái sản xuất, trồng lúa, mì, cao su... Ban đêm, ông lại đau ê ẩm, những vết thương cũ nhức buốt... Tất cả không đánh gục được nghị lực thép của người lính Cụ Hồ. Về già không đủ sức khỏe làm rẫy, ông bán hết đất đai để lo cho các con ăn học. Một phần, ông giúp đỡ những đồng đội năm xưa gặp khó khăn trong cuộc sống. Năm 2008, UBND thị trấn Phước Bình (huyện Phước Long cũ) xét tặng nhà tình nghĩa cho gia đình ông Lúng. Dù hai vợ chồng già chỉ bán ít bánh kẹo, vài chai nước cho trẻ con trong xóm để kiếm sống qua ngày nhưng ông đã từ chối không nhận căn nhà tình nghĩa trên. Ông cho rằng: “Còn nhiều đồng chí khó khăn hơn tôi, nếu tôi nhận người khác sẽ không có phần”.       

 Tuyết Ly

  • Từ khóa
110652

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu