Thứ 7, 11/05/2024 03:01:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Bản tin hướng về miền Trung 15:11, 18/08/2017 GMT+7

Một ngày với tỷ phú chân đất

Thứ 6, 18/08/2017 | 15:11:00 88 lượt xem
BP - “Nếu ai đó hỏi về bí quyết làm giàu, tôi chỉ xin gửi tặng họ, nhất là những người đang nung nấu ý chí vươn lên, phải biết “Nắm bắt thông tin, đi trước đón đầu” và “Dám nghĩ dám làm””. Đó là chia sẻ của tỷ phú chân đất Mai Đức Sáng ở xã Minh Hưng (Chơn Thành) khi trao đổi với chúng tôi về quá trình khởi nghiệp của mình.

Chúng tôi đến xưởng chế biến ván ép của ông Sáng khi trời đã quá trưa, vẫn thấy ông lái máy xúc san ủi mặt bằng làm sân phơi. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông giải thích: Quan điểm của tôi đã làm gì thì phải làm cho xong, cho tốt.

Đi lên từ gian khó

Sinh ra và lớn lên ở quê hương Thanh Hóa, năm 1979, ông Sáng nhập ngũ, làm chiến sĩ thông tin của Đại đội 2, Tiểu đoàn 18, Sư đoàn 356, tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc thuộc địa bàn các tỉnh Hoàng Liên Sơn và Hà Tuyên. Rời quân ngũ, năm 1983, ông đưa gia đình vào Bình Phước lập nghiệp. “Cuộc sống ở quê hương mới gặp nhiều khó khăn nên việc gì có thu nhập là tôi làm, miễn không vi phạm đạo đức và pháp luật. Làm nhiều, thất bại cũng nhiều, nhưng thành công không phụ người kiên trì, say mê, sáng tạo” - ông Sáng nói.

Ông Mai Đức Sáng giới thiệu dàn máy lạng gỗ mới được đầu tư

Khi kinh tế Việt Nam bước vào thời kỳ mở cửa, ông chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình kinh tế thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để chọn hướng sản xuất phù hợp. Ban đầu ông chọn hình thức đa cây, đa con để lấy ngắn nuôi dài. Số tiền tích cóp được hằng năm ông tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng cao su, tiêu, điều, đến nay gia đình ông có 36 ha cây trồng các loại. Khi cây cao su còn nhỏ, ông tận dụng phần đất trống trồng xen các loại cây ngắn ngày. Thời điểm cao su có thu, ông chuyển sang chăn nuôi dưới tán cây.

“Năm 2004, tôi thành lập doanh nghiệp tư nhân Hừng Sáng và mở xưởng sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh. Kinh tế gia đình được cải thiện, mỗi năm thu nhập bình quân 1,5 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hàng trăm triệu đồng; đồng thời tạo việc làm và thực hiện đầy đủ chính sách theo quy định của Nhà nước cho hàng chục lao động trên địa bàn” - ông Sáng cho biết.

Khởi nghiệp ở tuổi 60

Đã bước sang tuổi 60, nhưng tỷ phú chân đất Mai Đức Sáng vẫn không hài lòng với những gì đã có mà còn chủ động thử sức ở lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác. “Chơn Thành là huyện trọng điểm về phát triển công nghiệp nên dân số cơ học tăng mạnh. Nhận thấy nhu cầu tiêu dùng ở đây ngày càng tăng, tôi mạnh dạn đầu tư mở đại lý phân phối nước giải khát phục vụ người dân trên địa bàn 2 huyện Hớn Quản, Chơn Thành. Hiện doanh thu bình quân từ đại lý này khoảng 75 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí, mỗi tháng, tôi lãi 25 triệu đồng” - ông Sáng nói.

Cũng nhờ chịu khó xem thông tin thời sự trên các phương tiện thông tin đại chúng nên ông Sáng nắm được thông tin nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước trong khu vực thực hiện chính sách đóng cửa rừng, làm ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất ván ép của Trung Quốc. Trong khi trên địa bàn tỉnh có nhiều diện tích vườn cao su, điều của các doanh nghiệp và người dân già cỗi cần thay thế, lại phong phú các loại gỗ thân mềm, như tràm, xoài, xà cừ... rất phù hợp để sản xuất ván lạng xuất khẩu. Sau khi tìm hiểu thị trường gỗ ép và tham khảo ý kiến những người đi trước, ông đầu tư các loại máy sản xuất ván lạng theo công nghệ hiện đại với kinh phí 2 tỷ đồng.

Những năm qua, ông Sáng đã tham gia đóng góp làm 4,7km đường giao thông nông thôn; xóa nợ cho người nghèo mua phân bón của công ty trị giá 2,2 tỷ đồng; ủng hộ xây dựng 9 căn nhà nghĩa tình đồng đội với kinh phí 400 triệu đồng; ủng hộ vốn xóa nghèo do Hội Cựu chiến binh tỉnh phát động không hoàn lại 20 triệu đồng... Hằng năm, ông ủng hộ các quỹ của địa phương 17 triệu đồng, quỹ hội 20 triệu đồng và dùng xe gia đình đưa người đi cấp cứu lúc nguy kịch 40 chuyến/năm không lấy tiền.

Ông Nguyễn Văn Khoản Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Chơn Thành

Tuy mới sản xuất hơn 1 năm và thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, nhưng thu nhập từ mô hình này mang lại cho gia đình ông không nhỏ. Đang là mùa mưa, trời ít nắng nhưng mỗi tháng ông vẫn xuất xưởng 8 container, thu khoảng 2,56 tỷ đồng, chưa kể các nguồn thu như: Gỗ phế thải bán cho doanh nghiệp sản xuất bột gỗ với giá 300 đồng/kg, lõi thân gỗ sau khi lạng bán cho các cửa hàng vật liệu xây dựng... Nhờ máy móc hiện đại nên số ván được lạng từ thân gỗ nhiều, cho lợi nhuận cao hơn. Hiện lõi thân gỗ sau khi lạng chỉ còn đường kính khoảng 3cm, rất thích hợp làm cán các loại cuốc, xẻng. Sắp tới, ông Sáng sẽ đầu tư thêm máy móc hiện đại, sản xuất theo công nghệ khép kín, từ đầu vào đến thành phẩm nhằm hướng tới những thị trường mới với sản phẩm có giá trị cao”.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Sáng nói: “Thành quả tôi có được ngày hôm nay chính là nhờ luôn ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài thơ Giã gạo (Gạo đem vào giã bao đau đớn/Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/Sống ở trên đời người cũng vậy/Gian nan rèn luyện mới thành công) để tự rèn luyện bản thân. Điều tiên quyết đối với người làm kinh tế là phải dám nghĩ dám làm, biết chấp nhận thử thách và đón nhận thất bại. Đồng thời, biết tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn sản xuất cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm”.

Ông Nguyễn Văn Khoản, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Chơn Thành đánh giá: Cựu chiến binh Mai Đức Sáng luôn giữ gìn và phát huy tốt phẩm chất bộ đội Cụ Hồ. Ông không chỉ tạo việc làm ổn định cho 70 lao động mà còn là tấm gương sáng về làm thiện nguyện và hưởng ứng các hoạt động an sinh xã hội. Ông Sáng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm 2005; Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng bằng khen vào các năm 2003, 2007, 2011, 2015; UBND tỉnh tặng bằng khen các năm 2004, 2009, 2010...

Ngọc Bích

  • Từ khóa
111003

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu