Thứ 3, 21/05/2024 01:51:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Bản tin hướng về miền Trung 12:38, 18/05/2013 GMT+7

Chị Nguyễn Thị Liên làm kinh tế giỏi và giàu lòng nhân ái

Thứ 7, 18/05/2013 | 12:38:00 134 lượt xem

Có hộ khẩu, đất sản xuất ở xã Nghĩa Bình, nhưng gia đình chị Liên lại sinh sống ở thôn 9, xã Đức Liễu (Bù Đăng). Chị được người dân hai xã biết đến là nông dân sản xuất giỏi, giàu lòng nhân ái, đam mê công tác xã hội vì những đóng góp của chị trong suốt thời gian làm hội viên Hội chữ thập đỏ, Chi hội trưởng nông dân thôn Bình Minh, xã Nghĩa Bình (Bù Đăng).

HẾT LÒNG VÌ NGƯỜI NGHÈO

Ông Nguyễn Xuân Lương, Chủ tịch Hội nông dân xã Nghĩa Bình cho biết, hiện gia đình chị tạo việc làm thường xuyên cho 6 công nhân cạo mủ với mức lương 9 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động mùa vụ. Mỗi năm chị Liên cho hội viên nông dân trong xã vay với lãi suất thấp hàng trăm triệu đồng. Từ đầu năm 2013 đến nay, chị đã cho vay trên 300 triệu đồng... Năm 2012, chị ủng hộ quỹ hỗ trợ nông dân do Tỉnh hội phát động 5,3 triệu đồng.


Chị Liên (bìa trái) thường xuyên đến thăm hỏi, chia sẻ với gia đình bà Nhuần về kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi

Nhiều người nói, với kinh tế hiện nay, mỗi năm chị Liên có thể thảnh thơi đi du lịch vài ba lần, nhưng chị vẫn tất bật với công việc và vẫn giữ nếp sống giản dị, tiết kiệm để làm việc thiện. Có khi là những suất học bổng cho trẻ em nghèo, là phần quà cho các cụ cao tuổi, mớ rau, con cá chị xin được ở chợ Bù Đăng đem đến bếp cơm tình thương ở Bệnh viện đa khoa huyện. Chị còn góp sức xây dựng những ngôi nhà tình thương... Nơi nào cần giúp đỡ là chị đến, dù chưa quen biết.

Bà Vũ Thị Nhuần ở cùng thôn kể, chỉ ở gần rẫy với nhau thôi, nhưng khi nghe tin vợ chồng tôi không có tiền cưới vợ cho con, cô đã đứng ra lo hết. Từ miếng trầu, quả cau đến cái thiệp cưới cô tận tay đi in, rồi viết. Cưới vợ cho con xong, chỉ vài triệu đồng thôi nhưng phải 3 năm sau gia đình tôi mới trả hết cho cô. Bà Nhuần nhớ lại, những năm đầu mới vào Bình Phước, cô Liên còn cho vợ chồng tôi trồng xen mì trong vườn cao su non. Có lần xịt thuốc cho mì làm cháy hết vườn cao su non nhưng vợ chồng cô Liên không trách cứ gì.

Ngày chúng tôi đến, chị Liên đang tất bật đi vận động người dân góp tiền giúp đỡ gia đình trong xóm có con nhỏ bị chết đuối.

VƯƠN LÊN TỪ NGHÈO KHÓ

Chị Liên nhớ lại, năm 1987, gia đình chị vào Bình Phước lập nghiệp. Hai vợ chồng xin vào làm công nhân Nông trường Nghĩa Trung (Bù Đăng). Làm được 5 năm, anh chị xin nghỉ về làm kinh tế. Từ 2 ha đất rẫy anh chị đầu tư nuôi gà, cá và trồng điều, nhưng do rẫy ở xa, anh chị đã chuyển qua trồng cao su, cà phê, tiêu, điều. Hiện tại, trong khu vườn rộng hơn 2 ha, chị xen canh sầu riêng, chôm chôm, mít và ca cao.

Những ngày đầu mới nghỉ việc ở nông trường, không có vốn, kinh nghiệm không nhiều, anh chị vừa chăn nuôi, kết hợp mở vườn ươm cao su giống. Nhờ uy tín, ghép cây có chất lượng nên nhân dân trong vùng đã tìm đến mua cây giống của gia đình chị. Có khoảng 80% giống cao su trên địa bàn thôn do gia đình chị cung cấp... Làm ăn thuận lợi, có tiền anh chị đầu tư mua đất thuê người làm và mở cửa hàng kinh doanh, sửa chữa máy cày. Hiện tại, với 25 ha cao su, 2 ha cà phê, 8 ha điều, 0,6 ha tiêu đang cho thu hoạch, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị thu về từ 1,6 đến 1,7 tỷ đồng. 

Năm 2010, chị được tặng Kỷ niệm chương Hoa việc thiện và được Hội Chữ thập đỏ huyện Bù Đăng ghi nhận tấm lòng vàng nhân đạo năm 2011. Tâm nguyện của chị thời gian tới sẽ dành nhiều thời gian đi làm việc thiện và tận tay nấu cháo cấp phát cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bù Đăng.

Minh Luận

  • Từ khóa
110755

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu