Thứ 6, 26/04/2024 21:15:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 13:35, 04/11/2017 GMT+7

Ý nghĩa sẻ chia cộng đồng của thẻ BHYT

Thứ 7, 04/11/2017 | 13:35:00 179 lượt xem
BP - Vậy là sau những ý kiến trái chiều giữa cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) với người tham gia bảo hiểm cũng như các cơ quan có chức năng giám sát về việc minh bạch quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH, chiều 31-10, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về BHYT, BHXH theo hình thức trực tuyến tại 62 điểm cầu trên cả nước (trừ Hà Nội).

Có rất nhiều con số ấn tượng được cơ quan bảo hiểm cung cấp tại hội nghị như: Đến ngày 31-9, cả nước có 122,6 triệu hồ sơ đề nghị thanh toán BHYT với số tiền 63.593 tỷ đồng, tăng 7.579 tỷ đồng so với cùng kỳ 2016, dự kiến năm 2017 sẽ vượt 10 ngàn tỷ đồng. Chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho nhóm đối tượng học sinh, sinh viên đạt 2.067,5 tỷ đồng. Mức chi bình quân mỗi thẻ BHYT 813,21 ngàn đồng, so với cùng kỳ 2016 mỗi thẻ BHYT tăng 26,9%...

Nhưng điều khiến không ít người quan tâm là mức thanh toán của nhiều đối tượng BHYT trong 9 tháng năm nay đã ở mức cao kỷ lục. Cụ thể là bệnh nhân N.T.K.O, sinh ngày 28-4-2002, học sinh Trường THCS Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ điều trị bệnh phổi đã được chi trả 741,788 triệu đồng. Bệnh nhân T.H.L, sinh ngày 24-6-2004, học sinh Trường phổ thông liên cấp Vinschool (Hà Nội) điều trị nhiễm trùng huyết được chi trả 634,303 triệu đồng. Nhiều bệnh nhân là học sinh có mức chi trả BHYT từ 470 triệu đến trên 500 triệu đồng. Thậm chí những ngày gần đây, báo chí đưa tin một bệnh nhân nam, sinh năm 1984, ở tỉnh Vĩnh Long, bị bệnh máu khó đông đã được BHYT thanh toán tiền điều trị hơn 3,6 tỷ đồng. Bệnh nhân này thuộc diện bảo trợ xã hội, được Nhà nước mua BHYT nhưng vẫn được chi trả toàn bộ số tiền điều trị.

Tại Bình Phước, những trường hợp được thanh toán BHYT từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng là không hiếm. Trong 10 tháng năm nay, Phòng Giám định cơ quan BHXH tỉnh đã thống kê được rất nhiều trường hợp có mức chi trả BHYT cao. Như trường hợp bệnh nhân Trần Trung Kiên ở ấp 3, xã Đức Liễu (Bù Đăng) đã được thanh toán tổng 148,851 triệu đồng; bệnh nhân Lương Hòa ở ấp 7, xã Lộc Thuận (Lộc Ninh) được chi trả 138,695 triệu đồng; bệnh nhân Thị Đe ở xã Thanh An (Hớn Quản) được chi trả 83,8 triệu đồng... Và còn rất nhiều bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo, được Nhà nước mua BHYT, khi mắc bệnh nặng đã được chi trả 100% tiền điều trị. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của thẻ BHYT cũng như tính nhân văn của chính sách BHYT.

Công bằng mà nói, giá một thẻ BHYT tự nguyện hiện nay (702 ngàn đồng/năm) là không cao. Hơn nữa, nếu tham gia theo hộ gia đình thì từ người thứ 2 là 70%. Số tiền ấy sẽ không bõ bèn gì so với chi phí sinh hoạt. Thế nhưng nắm trong tay tấm thẻ BHYT thì ta hoàn toàn có thể yên tâm nếu không may gặp rủi ro về y tế. Cho dù mắc bệnh nặng hay gặp tai nạn thì chi phí điều trị sẽ giảm đi rất nhiều. Không ai mua BHXH hay BHYT lại mong đau bệnh hoặc tai nạn để hưởng bảo hiểm. Ta khỏe mạnh, số tiền đóng bảo hiểm sẽ được chi trả cho những người bệnh tật, không may mắn. Ngược lại, khi ta đau bệnh sẽ được hưởng lợi từ sự đóng góp của cộng đồng. Lợi ích là thế nhưng không phải tất cả mọi người đều hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách nhân văn mang tính cộng đồng chia sẻ này. Ngoài tính nhân văn, BHYT còn là nguồn tài chính giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và góp phần phục vụ an sinh xã hội. Đó chính là lý do khiến các cấp chính quyền đang nỗ lực tuyên truyền, vận động để tiến tới BHYT toàn dân.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa
108750

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu