Thứ 7, 04/05/2024 06:09:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 10:19, 23/04/2024 GMT+7

Ngọt thơm xôi ngũ sắc

Cẩm Nhung
Thứ 3, 23/04/2024 | 10:19:54 2,194 lượt xem
BPO - Xôi ngũ sắc là một trong những món ăn truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc, như: Thái, Tày, Nùng, Mường… Trong quá trình định canh, định cư trên địa bàn huyện Đồng Phú, món ăn này được đồng bào các dân tộc mang theo, góp phần làm phong phú thêm ẩm thực đặc sắc nơi đây.

Chị Nông Thị Hạnh, ngụ ấp 2, xã Đồng Tâm cho biết: Gọi là xôi ngũ sắc vì xôi thường có 5 màu: trắng, đỏ, xanh, tím, vàng hoặc cam, lục, chàm, tím, trắng. Cách làm xôi không quá khó nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người nấu. Mỗi màu xôi có ý nghĩa riêng, tượng trưng cho ước mơ về hạnh phúc, mong ước mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Xôi ngũ sắc là món ăn không thể thiếu trong dịp lễ, tết của đồng bào Tày, Nùng. Trong ảnh: Chị Lục Thị Đàm ở xã Đồng Tiến giới thiệu về các món ăn truyền thống của dân tộc, trong đó có xôi ngũ sắc

Yêu thích món ăn được xem là đặc sản của dân tộc mình, chị Lục Thị Đàm ở ấp Suối Đôi, xã Đồng Tiến chia sẻ: Để làm được món xôi ngũ sắc thơm dẻo, ngon, phụ nữ Tày tỉ mỉ từ khâu chọn gạo nếp, nguyên liệu tạo màu đến đồ xôi. Gạo nếp được chọn là loại hạt to, trong. Công đoạn tạo màu cho xôi rất quan trọng và cầu kỳ. Ngoài màu trắng là màu tự nhiên của gạo, những màu xanh, đỏ hoặc cam, tím, vàng… được tạo từ các loại hoa, lá, củ trong tự nhiên, trong đó, thường dùng nhất vẫn là lá. Lá được chọn kỹ, không quá non hay quá già và đun lấy nước màu. Khi đã có nước màu, gạo nếp cho vào ngâm khoảng 5-8 tiếng đồng hồ rồi vớt ra để ráo nước. Khi nấu không được để lẫn các loại màu với nhau, có như vậy xôi mới đẹp mắt, hấp dẫn.

Cùng một nguyên liệu nhưng với cách chế biến và bí quyết khác nhau, mỗi dân tộc tạo nên món xôi ngũ sắc mang hương vị riêng, độc đáo không lẫn vào đâu. Anh Hoàng Đình Nhuận ở ấp Suối Đôi cho hay: Vào những ngày lễ, tết hay trong các lễ hội truyền thống của người Tày, Nùng, phụ nữ thì cùng nhau nấu món xôi ngũ sắc, còn đàn ông đảm nhiệm làm heo quay, khâu nhục. Xôi ngũ sắc thường được bà con ăn cùng món thịt heo quay lá mắc mật, thịt heo khâu nhục. 

Món xôi ngũ sắc có nhiều cách bày trí, có thể theo hình bông hoa 5 cánh, mỗi cánh một màu hoặc dùng khuôn gỗ đóng xôi thành nhiều tầng, mỗi tầng là một màu, hoặc xếp tròn 5 màu xôi riêng biệt hay trộn lẫn các màu xôi với nhau. Thế nhưng, dù bày trí theo cách nào thì xôi ngũ sắc vẫn mang ý nghĩa biểu trưng cho điều may mắn, tốt lành.

Ai đã từng thưởng thức món xôi ngũ sắc Tây Bắc do chính tay người Tày, Nùng làm hẳn sẽ không thể quên hương vị đặc biệt của các loại lá cây tạo màu, hạt nếp dẻo ngậy, tạo cảm giác thích mắt, ngon miệng. Tuy là món ăn bình dân nhưng xôi ngũ sắc là một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực, kết tinh trong đó nhiều giá trị tư tưởng, văn hóa đời sống của các dân tộc.

  • Từ khóa
194872

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu