Thứ 6, 26/04/2024 20:22:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:30, 22/08/2018 GMT+7

Làm gì để HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả?

Thứ 4, 22/08/2018 | 09:30:00 481 lượt xem

BP - Toàn tỉnh hiện có 89 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp nhưng có đến 40 HTX đã ngưng hoạt động chờ giải thể - một con số gây thật nhiều cảm xúc! Vậy làm gì để tất cả HTX nông nghiệp đều hoạt động hiệu quả, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển 15 ngàn HTX nông nghiệp vào năm 2020 theo Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là câu hỏi khó, đòi hỏi các cấp và ngành chức năng trong tỉnh tìm câu trả lời.

Thực tế, các HTX hoạt động hiệu quả đã và đang từng bước thực hiện những dịch vụ cung ứng đầu vào và thu mua nông sản cho các thành viên, góp phần giải quyết việc làm, thu hút lao động, giảm nghèo và phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong tỉnh. Những HTX đang chờ giải thể là do hoạt động sản xuất - kinh doanh chưa đột phá, thiếu mô hình phát triển bền vững; nắm bắt thông tin thị trường, giá cả còn chậm, chưa chủ động trong liên kết với doanh nghiệp tìm cách tiêu thụ nông sản cho nông dân; cơ sở vật chất kỹ thuật của HTX còn yếu kém. Quy mô sản xuất - kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ, chưa tương xứng với nhu cầu nên việc huy động tăng vốn góp trong các thành viên rất khó dẫn đến năng lực cạnh tranh thấp...

Số HTX hoạt động yếu kém chiếm tỷ lệ cao còn thể hiện, nhận thức về vai trò, vị trí của kinh tế tập thể ở một số cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng chưa thực sự đầy đủ và còn chồng chéo. Các chính sách khuyến khích ưu đãi đối với HTX chưa được triển khai và áp dụng kịp thời nên thiếu sự khích lệ, động viên, hỗ trợ thúc đẩy phát triển HTX. Tình trạng thiếu vốn đầu tư sản xuất, nhất là với những HTX không có tài sản thế chấp hoặc không đủ điều kiện thế chấp vay vốn của các tổ chức tín dụng chưa có giải pháp khắc phục.

Để duy trì, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp trong tỉnh, các cấp và ngành chức năng cần đẩy mạnh hỗ trợ HTX tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản; thực hiện các mô hình hợp tác, liên kết ứng dụng công nghệ cao, như: Sử dụng công nghệ nhà kính, nhà màng, nhà lưới có hệ thống điều khiển tự động, bán tự động đối với các HTX trồng rau; tưới phun, tưới nhỏ giọt, phun mưa có hệ thống điều khiển tự động, bán tự động đối với các HTX trồng cây ăn trái, hồ tiêu; sử dụng công nghệ sản xuất cây trồng, vật nuôi an toàn theo tiêu chuẩn GAP, GlobalGAP...

Để HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, cần hỗ trợ HTX xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh, giúp các HTX tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ... Những HTX đã ngừng hoạt động kéo dài phải giải quyết dứt điểm hoặc chuyển đổi sang loại hình kinh tế khác đối với các HTX không hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Ngoài ra, cần lựa chọn sản phẩm nông sản chủ lực để thành lập HTX chuyên ngành hàng về điều, hồ tiêu, cây ăn trái, rau quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm... Đồng thời, kiến nghị Trung ương hỗ trợ xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ nông sản cho các HTX nông nghiệp; có chính sách tín dụng ưu đãi và hỗ trợ địa phương xây dựng các mô hình hợp tác, liên kết tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Lâm Phương

  • Từ khóa
108938

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu