Thứ 6, 26/04/2024 23:53:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 14:30, 13/07/2019 GMT+7

Hậu quả của sự chủ quan

Thứ 7, 13/07/2019 | 14:30:00 1,039 lượt xem
BP - Đến nay, bệnh sốt xuất huyết (SXH) đã lan đến 60/63 tỉnh, thành. Cả nước có trên 80 ngàn ca mắc SXH và 6 người đã chết. Trong đó, tỉnh Bình Phước có 1 bệnh nhân tử vong vì SXH, đồng thời số người mắc cũng tăng cao (128%) so với cùng kỳ năm 2018. Số ca mắc SXH ghi nhận hằng tuần tăng nhanh và xảy ra ở hầu khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đây là hậu quả từ sự chủ quan, lơ là của người dân, vì ngành y tế đã cảnh báo về bệnh này từ đầu mùa mưa.

Ghi nhận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, trong những ngày đầu tháng 7 lúc nào cũng có các ca bệnh SXH điều trị nội trú. Đáng chú ý là những ca bệnh này không chỉ cư trú ở vùng rừng núi mà có cả bệnh nhân tại khu vực thành thị, đông dân cư. Theo đánh giá của ngành y tế, SXH trên địa bàn tỉnh đang có những diễn biến phức tạp, từ nguồn lây nhiễm cho đến phác đồ điều trị. Mặc dù đầu mùa mưa, ngành y tế đã có những chiến dịch tuyên truyền đến từng khu dân cư, nhưng người dân còn chủ quan với căn bệnh nguy hiểm này.

SXH không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của người bệnh mà còn làm tổn thất kinh tế cho gia đình và xã hội. Điều đặc biệt là SXH không có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc chủ động phòng bệnh vẫn là phương pháp tối ưu, nhất là đối với những đối tượng chưa mắc bệnh nhưng sống trong vùng dịch. Vì vậy, ngành y tế khuyến cáo mỗi người dân, từng gia đình và các cơ quan công sở phải hạn chế tối đa nơi sinh sản và phát triển của muỗi bằng cách vệ sinh môi trường như thu gom, lật úp dụng cụ chứa nước không cần thiết; đậy nắp, thau rửa thường xuyên những dụng cụ chứa nước sinh hoạt; diệt lăng quăng 2 lần/tuần. Khi gia đình có người bị sốt cao liên tục nhiều ngày, người dân cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Việc tuyên truyền của ngành chức năng và trên các phương tiện thông tin đại chúng về SXH diễn ra thường xuyên, rộng khắp nhưng nhiều người vẫn lơ là, chủ quan. Qua kiểm tra, giám sát của ngành y tế tại một số nơi trên địa bàn tỉnh, nhiều hộ dân còn để quá nhiều dụng cụ chứa nước không vệ sinh. Tại các khu nhà trọ công nhân phòng ở chật chội, điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo; những khu vực công cộng ao tù, nước đọng... Đây chính là môi trường thuận lợi để cho muỗi truyền bệnh sinh sản, phát triển gây bệnh SXH lây lan trong cộng đồng. Ngoài ra, ở một số nơi trong tỉnh việc xử lý các ổ dịch chưa triệt để, chỉ tập trung chủ yếu bằng việc phun hóa chất mà chưa chú trọng diệt lăng quăng.

Đang vào cao điểm của mùa mưa, SXH diễn biến rất phức tạp, do đó ngoài sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế thì các cấp chính quyền, nhất là các thôn, ấp, xã và từng gia đình, mỗi người dân không được chủ quan với nguồn gây bệnh nguy hiểm này. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phát động rộng rãi trong toàn dân để nâng cao ý thức phòng, chống SXH. Người dân cần thực hiện tốt các nội dung khuyến cáo phòng, chống SXH mà cơ quan y tế đưa ra. Vì sức khỏe của mỗi gia đình và của cả cộng đồng, tất cả mọi người hãy quan tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh SXH với khẩu hiệu “Không có lăng quăng, không có muỗi vằn, không có SXH”. 

Thanh Hà

  • Từ khóa
109145

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu