Thứ 6, 26/04/2024 21:41:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 15:31, 20/04/2019 GMT+7

Cần có cái nhìn đa chiều

Thứ 7, 20/04/2019 | 15:31:00 182 lượt xem
BP - Tại phiên họp thứ 33 ngày 12-4 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của bia, rượu. Dự án luật này đã nhận được sự quan tâm của công chúng cả nước với nhiều ý kiến trái ngược nhau. Tuy nhiên, cần có cái nhìn đa chiều, không nên vội vàng phê phán, quy chụp, định kiến theo kiểu cấm đoán sản xuất, tiêu thụ rượu, bia...

Cả nước có khoảng 110 doanh nghiệp sản xuất bia với sản lượng ước đạt 4,3 tỷ lít/năm. Năm 2018, người dân Việt Nam tiêu thụ 4,2 tỷ lít bia, tương đương 4 tỷ USD (chưa kể hàng chục triệu lít rượu tự nấu). Theo đó, ngoài giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, ngành sản xuất, kinh doanh bia còn đóng góp vào ngân sách một khoản không nhỏ. Năm 2015, ngành sản xuất rượu, bia đã nộp thuế 26.783,81 tỷ đồng và năm 2017 là 45.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng bia, rượu tràn lan ở nước ta đang là vấn đề rất đáng báo động, bình quân mỗi năm 1 người tiêu thụ 43 lít bia. Việc lạm dụng này đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, tinh thần và gánh nặng kinh tế đối với người dân. Bình quân mỗi năm nước ta bị thiệt hại do bia, rượu gây ra ít nhất 65.000 tỷ đồng. Vì bia, rượu là nguyên nhân chính gây ra các căn bệnh hiểm nghèo và tai nạn giao thông dẫn đến nguy cơ tử vong rất cao.

Tuy không có nhà máy sản xuất và chưa thống kê về số lượng bia, rượu hay lượng người dùng, nhưng Bình Phước cũng là thị trường tiêu thụ khá mạnh về mặt hàng này. Trên địa bàn tỉnh, tình trạng lạm dụng bia, rượu trong nhân dân đang ngày một tăng. Hầu hết các gia đình khi có sự kiện đều tổ chức tiệc liên hoan có bia, rượu. Trước đây, việc đầy tháng, thôi nôi cho một đứa trẻ chỉ được tổ chức đối với những gia đình có điều kiện. Nay hầu hết các gia đình đều tổ chức tiệc rượu tròn tháng, đầy năm cho con hay mừng thọ cho người già. Cũng có nhiều trường hợp tổ chức cưới hỏi, giỗ chạp, sinh nhật rất hoành tráng với nhiều mâm cao, cỗ đầy và ngập tràn bia, rượu. Giới viên chức “tranh thủ” mọi sự kiện như nâng lương, khen thưởng hay được đi công tác dài ngày... cũng kiếm cớ để nhậu. Từ “đâu đâu cũng nhậu” hay “gặp nhau lúc nào cũng nhậu” nên ở thành phố Đồng Xoài quán nhậu mọc lên “như nấm sau mưa”. Hệ lụy của nó là kẻ vào tù, người tử vong do tai nạn, đánh nhau, bệnh tật...

 Từ những hậu quả nêu trên, rất cần có Luật Phòng, chống tác hại của bia, rượu để kiểm soát và xử lý các hành vi sai phạm. Việc xây dựng luật với mục đích nhằm phòng, chống những tác hại, hậu quả xấu do bia, rượu gây ra; đồng thời bảo vệ sức khỏe, hạn chế những tổn thất đến tính mạng, tài sản của người dân và cộng đồng. Và khi đã có luật, nhận thức của người tiêu dùng sẽ thay đổi, văn hóa của người dân trong tham gia tiệc tùng, lễ hội cũng sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Có luật, các hoạt động tiếp thị, quảng cáo, kinh doanh bia, rượu sẽ đi vào khuôn pháp, sản phẩm sẽ không bị làm giả, làm dối... Tuy nhiên, để dự án luật đi vào cuộc sống, cơ quan chức năng còn rất nhiều việc phải làm ngay như tên gọi của luật cũng cần phải xem xét, cân nhắc kỹ và phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của đất nước để tránh những hiểu lầm, phản ứng trái chiều... như đã xảy ra.

Tấn Phong

  • Từ khóa
109090

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu