Thứ 5, 09/05/2024 23:27:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Phòng chống tham nhũng, lãng phí 16:49, 23/11/2022 GMT+7

Kiên quyết chống “giặc nội xâm”

Cẩm Liên
Thứ 4, 23/11/2022 | 16:49:23 1,328 lượt xem
BPO - Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên lĩnh vực kinh tế mà phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Lợi ích kinh tế thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự tha hóa về đạo đức, lối sống. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến tiêu cực, tham nhũng. Bởi thế, muốn triệt để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, “tự soi, tự sửa” từ chính mỗi cá nhân.

Bài cuối
PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG TỪ TRONG MỖI CÁ NHÂN
    

Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu

Nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh, ngày 22-3-2017, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2016-2020”. Từ đề án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quy định rõ lấy kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng là một trong những tiêu chí để đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tập thể và cá nhân người đứng đầu. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, đặc biệt là người đứng đầu đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống tham nhũng và chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị, địa phương do cá nhân mình trực tiếp quản lý.

Đảng viên Hoàng Thị Nga, Chi bộ khu phố 3, thị trấn Tân Khai (huyện Hớn Quản) thực hiện “tự soi, tự sửa” trước các đảng viên trong chi bộ theo tinh thần Kết luận số 21

Tháng 7-2022, Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh đã được thành lập theo Quyết định số 369-QĐ/TU ngày 7-7-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ban chỉ đạo gồm 15 người, trong đó Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường làm Trưởng ban chỉ đạo. Việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh nhằm khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Ban chỉ đạo là “cánh tay nối dài” của Trung ương, thể hiện sự quyết tâm của toàn Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Với sự ra đời của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh, vai trò, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu càng phải được đề cao.

Theo báo cáo tình hình công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 của UBND tỉnh, trong xử lý trách nhiệm người đứng đầu, tỉnh đã phê bình, không xét thi đua năm 2020 đối với 2 đồng chí và phê bình, phân loại hoàn thành nhiệm vụ; không xét thi đua năm 2020 đối với 1 đồng chí do liên đới trách nhiệm để cán bộ sai phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. 6 tháng đầu năm 2022, không phát sinh việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình quản lý.


“Bức tường lửa” ngăn chặn suy thoái đạo đức

Thời gian qua, cùng với quyết liệt “cho vào lò” một loạt quan tham, cán bộ, đảng viên bị thoái hóa, biến chất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan tới tư tưởng, đạo đức. Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong đó nhấn mạnh đến tinh thần “tự soi, tự sửa”. Để tinh thần Kết luận số 21 đi sâu vào thực tiễn, tháng 3-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức đợt sinh hoạt chính trị “tự soi, tự sửa” về xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Đây là một giải pháp rất quan trọng, có tính quyết định để ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thực hiện hiệu quả xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Trà cho biết: Ngay khi kết luận ban hành, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu tổ chức triển khai đến các cấp ủy đảng, yêu cầu cấp ủy, người đứng đầu tổ chức quán triệt triển khai xây dựng chương trình hành động cụ thể hơn, bảo đảm thực hiện “tự soi, tự sửa” đối với từng cá nhân đảng viên trong hệ thống chính trị của mình.

Với tinh thần kiên quyết “tự soi, tự sửa”, Đảng ủy thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản đã ban hành Kế hoạch số 48-KH/ĐU tổ chức đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị triển khai đến ban, ngành, đoàn thể, các chi bộ trực thuộc. Đã có gần 270 cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ thực hiện “tự soi, tự sửa”, đạt 96,73%. Ngoài ra, còn có 50 cá nhân không là đảng viên thuộc mặt trận, ban chấp hành các hội, đoàn thể cũng tích cực “tự soi, tự sửa”. Qua việc “tự soi” của từng cá nhân, những hạn chế, khuyết điểm được cá nhân “tự nhận” và đề ra giải pháp khắc phục ngay sau đợt sinh hoạt. Ông Bùi Đình Lợi, Bí thư Đảng ủy thị trấn Tân Khai cho biết: “Tự soi, tự sửa” trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính tự giác, gương mẫu của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên; thể hiện quyết tâm chính trị cao, tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm trước Đảng và nhân dân về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị ở địa phương.

Được bí thư cấp trên triển khai “tự soi, tự sửa”, đảng viên trẻ Hoàng Thị Nga, sinh hoạt tại Chi bộ khu phố 3, thị trấn Tân Khai rất tâm đắc và xem đây là cơ hội để hoàn thiện bản thân. “Là đảng viên trẻ, tôi luôn nghiêm khắc nhìn nhận lại những hạn chế, khuyết điểm của mình, lắng nghe đồng chí trong chi bộ nhận xét khuyết điểm, hạn chế để cố gắng khắc phục. Từ đó bản thân nỗ lực tốt hơn, cùng các đảng viên khác xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh hơn” - đảng viên Hoàng Thị Nga bày tỏ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhắn nhủ đến cán bộ, đảng viên tránh tình trạng: “Chân mình còn lấm bê bê/Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”. Do đó, đòi hỏi trước tiên đối với mỗi cán bộ, đảng viên là phải “tự soi, tự sửa”, tự kiểm điểm lại mình, cái gì tốt phát huy, cái gì khiếm khuyết tự điều chỉnh, cái gì xấu tự gột rửa, tự sửa chữa. “Tự soi, tự sửa” là việc làm của cá nhân, của chính mình. Đó là việc đấu tranh quyết liệt với cái tôi của bản thân, nhận diện và thẩm thấu sâu sắc về tác hại của căn bệnh quan liêu, tiêu cực, tham nhũng… để chỉnh đốn bản thân. “Tự soi, tự sửa” đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, từ đó xây dựng con người xã hội chủ nghĩa tâm trong, trí sáng, vô tư phục vụ lợi ích dân tộc.

Từ “tự soi, tự sửa” mới phát hiện ra đảng viên suy thoái, chúng ta kiên quyết loại bỏ những con sâu mọt trong Đảng, làm trong sạch Đảng, ta càng phát triển. Giống như một cái cây có sâu, có mọt thì phải diệt trừ nó đi thì cây mới phát triển khỏe mạnh, con người cũng thế, Đảng ta cũng vậy. Nếu tất cả mọi người liêm khiết, chính trực, kiểu gì cũng bớt người tham nhũng.

Ông LÊ VĂN SÂM, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh


Sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Do vậy, soi đúng thì sẽ sáng hơn, sửa đúng thì sẽ đẹp hơn. “Tự soi, tự sửa” khó nhưng không phải không làm được. Khi việc “tự soi, tự sửa” trở thành hành động thường xuyên, liên tục sẽ trở thành “bức tường lửa” ngăn cản các biểu hiện suy thoái, những chệch choạc về đạo đức trong cán bộ, đảng viên. Và sẽ là nền tảng niềm tin cho nhân dân đối với đội ngũ “công bộc”.

Kết luận số 21 hay việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương vừa nhận diện thẳng thắn thực trạng vừa khẳng định quyết tâm cao của Đảng trong cuộc chiến đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Không có chuyện “tự soi, tự sửa” hình thức hoặc dùng nó như là cái cớ để hạ bệ lẫn nhau. Từ đó sẽ tạo ra sự đồng lòng nhất trí trong nhân dân với các quyết sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời giúp cán bộ, đảng viên vững vàng trước các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch.

  • Từ khóa
155624

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu