Thứ 5, 09/05/2024 10:07:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Phòng chống tham nhũng, lãng phí 09:44, 21/11/2022 GMT+7

Kiên quyết chống “giặc nội xâm”

Cẩm Liên
Thứ 2, 21/11/2022 | 09:44:26 1,741 lượt xem

BPO - Phòng, chống tham nhũng là chống “giặc nội xâm”, là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; tiền tài, của cải, vật chất... do người khác biếu, cho, tặng, hối lộ... với động cơ không trong sáng. Nó thường diễn ra đối với những người có chức, có quyền. Vì vậy, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, không nghỉ, không ngừng ở tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực.

Bài 1
TẦM SOÁT “KHUYẾT TẬT BẨM SINH” QUYỀN LỰC

Bắt đúng bệnh để điều trị

Trong từng giai đoạn lịch sử, tùy điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, quan điểm của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng có sự điều chỉnh phù hợp. Điều đó đã được thể hiện qua nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư các thời kỳ. Từ Đại hội VI, báo cáo chính trị đã chỉ rõ: “Hiện tượng tiêu cực trong xã hội phát triển. Công bằng xã hội bị vi phạm. Pháp luật, kỷ cương không nghiêm. Những hành vi lộng quyền, tham nhũng của một số cán bộ và nhân viên nhà nước, những hoạt động của bọn làm ăn phi pháp... chưa bị trừng trị nghiêm khắc và kịp thời”.

Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Đảng đề ra các giải pháp tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí. Theo đó, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Đây là nghị quyết đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề cập một cách toàn diện, tập trung về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nghị quyết đã đưa ra những nhận định, đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chỉ ra nguyên nhân chủ yếu của những thiếu sót, khuyết điểm trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đề ra mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Trừng trị nghiêm minh những người lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm lợi riêng cho cá nhân. Trong ảnh: Lực lượng chức năng thi hành các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Trương Thị Hiệp, cựu kế toán Văn phòng HĐND - UBND huyện Bù Đăng - Ảnh: T.L

Mới đây nhất, Đại hội XIII tiếp tục “bắt bệnh” để điều trị dứt điểm tham nhũng, lãng phí. Trong phần phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Văn kiện Đại hội XIII đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ, quyết liệt về phòng, chống tham nhũng: “Triển khai đồng bộ, có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt, nghiêm minh, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”. Đảng ta cũng có những bước phát triển mới về phòng, chống tham nhũng, với nhiều biện pháp như hoàn thiện pháp luật, chính sách, kê khai tài sản, kiên trì, kiên quyết và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đặc biệt nhấn mạnh vấn đề phòng tham nhũng: “Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ có hiệu quả về kê khai, kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp”.

Thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, tại Bình Phước, ngày 1-3-2022, UBND tỉnh ban hành Kết luận số 47/KL-UBND về xác minh tài sản, thu nhập đối với các tổ chức, cá nhân năm 2021. Kết quả, số cơ quan được kiểm tra việc thực hiện các quy định về kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập là 5 cơ quan, số người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập gồm 53 người. Qua xác minh, có 16 người kê khai chưa đầy đủ theo quy định và đã được yêu cầu tổ chức kiểm điểm theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.


Phát biểu chỉ đạo hội nghị toàn quốc 10 năm phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhìn nhận: Tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả. Vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa, răn đe, không để xảy ra tham nhũng. Và phải cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

“Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”

Theo dõi nhiều vụ việc tham nhũng được đưa ra ánh sáng, ông Huỳnh Văn Nước, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước cho biết: Chủ trương của Đảng ta là kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Chính từ đó chúng ta đã đưa ra xét xử những vụ án tham nhũng mà trước giờ chưa ai biết, ngay cả cán bộ cấp cao cũng vướng vào. 

PGS. TS Võ Công Thương, giảng viên cao cấp Trường đại học Sài Gòn cho rằng: “Từ thực tiễn thấy rằng, vấn đề tham nhũng, tiêu cực không chỉ ở cấp Trung ương mà còn xảy ra ở cấp tỉnh, huyện, xã; tham nhũng xảy ra ở nhiều ngành, lĩnh vực. Nhiều vụ án tham nhũng ngày càng quy mô lớn và tính chất phức tạp với các thủ đoạn tinh vi, có tổ chức với sự tham gia của nhiều người”.

Với quyết tâm chống giặc nội xâm, củng cố niềm tin của nhân dân, Đảng, Nhà nước ta đã mạnh tay xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngậm ngùi: “Đó là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. 

Việc “kỷ luật một vài người để cứu muôn người” đã được khẳng định từ thực tế. Cụ thể, trong 10 năm (2012-2022) phòng, chống tham nhũng, hàng loạt đại án đã được đưa ra xét xử, số lượng cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao bị xử lý nhiều hơn bất cứ giai đoạn nào trước đó. Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho thấy, trong 10 năm, cả nước có 120 vụ án với hơn 1.000 bị cáo, trong đó có 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự. Trong đó có Ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố và cả nguyên lãnh đạo các tỉnh, thành phố cũng bị đưa ra ánh sáng. Gần 61.000 tỷ đồng được thu hồi, đạt gần 34,7%. Đấu tranh chống tham nhũng đã đi vào những lĩnh vực khó, phức tạp mà trước đây chưa từng thực hiện với những biện pháp mạnh mẽ hơn cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. 

Tại cuộc ngày 18-11,  Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực yêu cầu từ nay đến cuối năm, phải thực hiện quyết liệt 6 đại án, đó là vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại dự án Nha Trang Center 2; vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Y tế, Công ty Dược Cửu Long và các đơn vị liên quan; vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế Cần Thơ; vụ “Buôn lậu; vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” xảy ra tại An Giang; vụ “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Quân đội chi nhánh Long Biên, Hà Nội và vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan. Đồng thời thống nhất bổ sung 3 vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Ông Trần Xuân Đê, đảng viên gần 50 năm tuổi Đảng ở thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp sau khi theo dõi các vụ việc liên quan tới tham nhũng đã bày tỏ: “Tôi thấy Đảng, Nhà nước làm rất quyết liệt, hợp lòng dân. Tôi rất mừng và mong muốn Đảng ta duy trì liên tục công tác này”.  

Như thế, một khi đã bắt được đúng bệnh của những kẻ thù nguy hiểm không mang gươm, mang súng nằm trong tổ chức của Đảng đang từng ngày đục khoét tài sản của quốc gia, dân tộc, nhân dân thì tất yếu phải xử lý triệt để, dù có khó, có lâu cũng đấu tranh quyết liệt để lấy lại thanh danh cho Đảng, mang đến niềm tin trọn vẹn cho nhân dân.

  • Từ khóa
155363

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu