Thứ 5, 09/05/2024 16:18:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Phòng chống tham nhũng, lãng phí 10:11, 03/08/2022 GMT+7

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kết hợp các cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính, xử lý nghiêm sai phạm

Thứ 4, 03/08/2022 | 10:11:21 2,127 lượt xem

(Tiếp theo kỳ trước)

*NGUYỄN HỒNG TRÀ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

BPO - 2022 là năm thứ hai toàn hệ thống chính trị của tỉnh đứng trước những khó khăn phức tạp chung của tình hình trong nước và khu vực. Trong các tầng lớp nhân dân có những vui mừng, đồng tình ủng hộ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn tỉnh thời gian qua, tuy nhiên cũng còn không ít băn khoăn, lo rằng không biết việc thực hiện này có đến nơi đến chốn không, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, “lợi ích nhóm” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức chưa được ngăn chặn, đẩy lùi.

Những năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở trên địa bàn tỉnh đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được coi là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Dưới sự lãnh đạo của các tổ chức đảng đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, phát huy được trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị; đề cao vai trò của xã hội, các tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân; công tác phòng, chống tham nhũng được coi là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ đổi mới, tạo bước tiến rõ nét, có tính đột phá của toàn hệ thống chính trị của tỉnh. Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về phòng, chống tham nhũng, lãng phí được nâng lên, góp phần từng bước hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt; tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn. Những thành quả quan trọng đạt được trong thời gian qua đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và toàn hệ thống chính trị.

Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, đi đầu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nêu cao ý thức với phương châm đảng viên phải gương mẫu hơn quần chúng, cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.


Có thể khẳng định, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng đạt được những kết quả tích cực, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, có thể khẳng định: Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương của tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ với quyết tâm cao trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó tập trung vào các nội dung cơ bản:

Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, kiên quyết, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, trọng liêm sỉ, danh dự; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng; quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước và phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng, chặt chẽ. Thường xuyên kiểm tra toàn diện công tác cán bộ, chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ có biểu hiện tham nhũng, dư luận xã hội phản ánh, tố cáo. Đặc biệt, cần phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của nhân dân, MTTQ, các tổ chức thành viên và báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; đưa nội dung phòng, chống tham nhũng và kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội, việc thực hiện các kiến nghị của cơ quan thanh tra nhà nước vào chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm của cấp ủy. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực quản lý, cho thuê đất công, mua bán, chuyển nhượng tài sản công, quản lý trật tự xây dựng, xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng tài chính, công tác tổ chức, cán bộ. Chú trọng kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức, cán bộ; kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên có biểu hiện tham nhũng, nhiều đơn thư phản ánh, tố cáo tham nhũng; cán bộ có dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước.

Cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ vấn đề cốt lõi là Đảng phải luôn luôn dựa vào dân, lắng nghe nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, việc gì có lợi cho dân thì phải quyết tâm làm và làm cho bằng được. Ngược lại việc gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm, có như vậy công tác phòng, chống tham nhũng mới kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng”, hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”.


Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh khẩn trương tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xây dựng và ban hành bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, đảng viên trong công việc và trách nhiệm giải trình trước cơ quan có trách nhiệm về những vấn đề liên quan theo quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ được giao và quy chế phù hợp khen thưởng, bảo vệ người tố cáo tham nhũng, lãng phí đúng. Tạo điều kiện, cơ chế đãi ngộ xứng đáng cho đội ngũ chuyên trách làm công tác phòng, chống tham nhũng. Nâng cao mức sống cho đội ngũ cán bộ, công chức thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao, từ đó chấp hành tốt “bốn không” (không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng) trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính quyết liệt hơn, chú trọng rà soát, đơn giản hóa, công khai thủ tục hành chính, mở rộng các lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin và giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng kế hoạch và thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác hằng năm, điều chuyển vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, mức độ hài lòng của người dân không cao, uy tín giảm sút. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án liên quan đến tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Tập trung lực lượng, phối hợp chặt chẽ để giải quyết các vụ việc phát sinh mới với nguyên tắc: “Tích cực, khẩn trương, làm rõ đến đâu xử lý đến đó”, “Không có vùng cấm”, “Không có ngoại lệ”. Kiên quyết xử lý nghiêm những người bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc xử lý hành vi tham nhũng; có biện pháp phối hợp ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, nhất là “tham nhũng vặt” trong giải quyết công việc.

Phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp từ tỉnh đến cơ sở và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hoàn thiện cơ chế giám sát, phản biện của ủy ban MTTQ các cấp đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Các tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, địa phương, đơn vị chức năng tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Chấp hành nghiêm quy định pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bảo đảm các hành vi phạm tội phải được phát hiện, xử lý kịp thời. Phối hợp chặt chẽ trong giải quyết các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng. Chú trọng công tác điều tra, mở rộng án, thu hồi tài sản, không để các đối tượng đối phó, tiêu hủy tài liệu, bỏ trốn, tẩu tán tài sản; không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm; xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực, sai phạm về chuyên môn.

(còn nữa)

  • Từ khóa
147890

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu