Thứ 5, 09/05/2024 18:53:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Phòng chống tham nhũng, lãng phí 09:53, 02/08/2022 GMT+7

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ 3, 02/08/2022 | 09:53:28 2,051 lượt xem

*NGUYỄN HỒNG TRÀ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

BPO - Những năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị chức năng toàn hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã tích cực, khẩn trương cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác xây dựng Đảng gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được ban chấp hành đảng bộ các cấp trong tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rõ rệt, có nhiều bước đột phá đáng ghi nhận, được các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đồng thuận, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Thực hiện Kết luận số 10-KL/TW ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ngày 6-4-2022, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ngày 7-7-2022, Tỉnh ủy Bình Phước ban hành Quyết định số 639-QĐ/TU thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh nhằm khẳng định toàn hệ thống chính trị của tỉnh phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc, mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa mục tiêu, quan điểm và các giải pháp về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, đúng pháp luật.

Ngày 7-7-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bình Phước. Trong ảnh: Các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh ra mắt tại lễ công bố - Ảnh: Xuân Túc

Thực tế thời gian qua cho thấy, trong số các biểu hiện, hành vi tiêu cực, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều nhân tố là nguyên nhân, điều kiện dẫn tới tham nhũng như buông lỏng quản lý, vi phạm quy định về quản lý kinh tế - xã hội. “Công tác kiểm tra, giám sát chủ yếu tập trung vào cấp ủy, tổ chức đảng, chưa chú ý đến việc kiểm tra, giám sát đảng viên, nhất là cấp ủy viên cùng cấp. Chất lượng kiểm tra theo chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm chưa phát huy hiệu quả. Công tác hậu kiểm tra, giám sát chưa tốt. Công tác tham mưu cấp ủy thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thực hiện nhiệm vụ cấp ủy giao còn thiếu tính chủ động. Chưa kịp thời tham mưu, đề xuất để giải quyết những vấn đề cấp bách, nổi cộm. Trong đó, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra vẫn còn biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát có lúc, có nơi còn chậm, chưa hiệu quả, một số vụ việc còn kéo dài thời gian xem xét, giải quyết”1. Do đó, muốn chống tham nhũng thì phải chống tiêu cực, chống suy thoái về đạo đức, lối sống. Khi chống tiêu cực tốt sẽ ngăn ngừa tham nhũng trước một bước và làm giảm tình trạng tham nhũng.

“Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Bởi hai cái này nó có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến tiêu cực, tham nhũng, lợi ích kinh tế thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống...”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực


Vì vậy, để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh thực sự có hiệu quả, mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự trong sạch, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ chuyên môn vững vàng, thật sự “cần, kiệm, liêm, chính”, “chí công vô tư”; thật sự tâm huyết vì nước, vì dân. Thời gian tới, cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên trong toàn đảng bộ phải coi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, trong đó phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài. Cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực, xây dựng văn hóa tiết kiệm trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trước hết, các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương phải đặt sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị lên hàng đầu và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tính tiên phong gương mẫu của các tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về xây dựng Đảng. Vì đây được xem là nhân tố hàng đầu bảo đảm việc thực thi có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời phải xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những tiêu chí quan trọng bậc nhất trong các tiêu chí để đánh giá cán bộ, đảng viên chuẩn bị cho công tác bồi dưỡng, đào tạo, bố trí, quy hoạch và sử dụng cán bộ vào các chức danh cán bộ lãnh đạo và cán bộ lãnh đạo chiến lược các cấp trên địa bàn tỉnh.

Thường xuyên tạo điều kiện nâng cao năng lực, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương với các đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt phải quan tâm bố trí những cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, trong sạch, liêm khiết, tận tụy, có năng lực chuyên môn, có dũng khí và bản lĩnh, dám đương đầu để làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán. Đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, với phương châm phải trừng phạt nghiêm những phần tử tham nhũng, tuân thủ sự bình đẳng trước pháp luật, không có vùng cấm, không có đặc quyền, đặc lợi nhưng cũng cần có chính sách khoan hồng phù hợp với những đối tượng chủ động khai báo, khắc phục hậu quả trước khi bị phát giác, tạo môi trường xã hội tích cực nhằm phòng và ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực.

Đảng bộ các cấp cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đặc biệt, ủy ban kiểm tra các cấp phải phối hợp, nghiên cứu có những hình thức phù hợp tạo điều kiện mở rộng phạm vi tham gia giám sát của công chúng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hay nói cách khác là có giải pháp phù hợp mở rộng hơn nữa để các tầng lớp nhân dân trực tiếp tham gia phản ánh, tố giác tham nhũng của cán bộ, đảng viên với cơ quan nhà nước tại các buổi tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, sinh hoạt đoàn thể… Và phải tham mưu cấp có thẩm quyền làm tốt hơn nữa cơ chế pháp lý hữu hiệu để bảo vệ người tố cáo và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời nghiêm trị những kẻ lợi dụng chống tham nhũng, tiêu cực để xuyên tạc tố cáo sai, vu khống làm hại người khác vì những động cơ thấp hèn, hạ bệ làm mất uy tín, danh dự của nhau.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn Đảng bộ tỉnh, toàn dân và toàn quân. Có cơ chế khuyến khích động viên, khen thưởng, biểu dương, vinh danh kịp thời những tập thể, cá nhân trong việc tham gia phát hiện và tố giác tham nhũng. Bên cạnh đó, phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử và đại biểu HĐND các cấp, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, cơ quan truyền thông, báo chí và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần được kiện toàn, nâng cao hiệu quả, nhất là triển khai có hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh trong thời gian tới.

(còn nữa)

1Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước (1930-2020), tr.551-552.

  • Từ khóa
147845

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu