Thứ 4, 08/05/2024 21:32:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Phòng chống tham nhũng, lãng phí 10:05, 03/11/2021 GMT+7

PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ

“Bảo kiếm” trong phòng, chống tham nhũng

Thứ 4, 03/11/2021 | 10:05:15 1,682 lượt xem
BPO - Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa ban hành Quy định số 37-QĐ/TW, quy định những điều đảng viên không được làm, thay thế Quy định số 47-QĐ/TW trước đây. Việc bổ sung lần này nhằm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi hiệu quả hơn tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã trao đổi với Tỉnh ủy viên, Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lê Việt Hùng về ý nghĩa và sự cần thiết phải ban hành quy định quan trọng này.

* Ý nghĩa và sự cần thiết của việc ban hành Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm là gì, thưa ông?

Quy định số 47-QĐ/TW về 19 điều đảng viên không được làm đến nay vẫn còn nguyên giá trị, là khung tiêu chuẩn để cán bộ lãnh đạo, đảng viên tự phê bình và phê bình, phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện bản thân; là định hướng hành vi để đảng viên nêu cao tính tiền phong gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ và trong sinh hoạt đảng. Mặt khác, quy định này là một hệ thống căn cứ, cơ sở, chế tài để ngăn chặn hành vi vi phạm, đồng thời thể hiện chủ trương mở rộng dân chủ trong sinh hoạt đảng. Từ đó, mỗi đảng viên tự nhận thức trách nhiệm nêu gương, thực hiện tự soi, tự sửa, tự chịu trách nhiệm và nhận trách nhiệm. 

Thực tế 10 năm thực hiện cho thấy, quy định này là rất cần thiết, nhưng so với tình hình hiện nay đã bộc lộ một số nội dung hạn chế như: Chưa bao quát đầy đủ các nội dung không được làm, chưa theo kịp thực tiễn phát triển của đời sống xã hội và đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đó chính là ý nghĩa và sự cần thiết phải ban hành Quy định số 37 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

* Ông có thể phân tích thêm một số điểm đáng chú ý ở Quy định số 37-QĐ/TW mà mỗi cán bộ, đảng viên cần phải ghi nhớ trong quá trình thực thi công vụ?

Quy định số 37 về những điều đảng viên không được làm vẫn giữ nguyên 19 điều như Quy định số 47 nhưng có 4 điểm đáng chú ý như sau:

Đầu tiên là việc chuyển một số nội dung của 2 điều trong Quy định số 47 vào nội dung của các điều khác và từ đó thêm 2 điều mới. Về hình thức văn bản và lối diễn đạt, trong Quy định số 47, mục thứ nhất về những điều đảng viên không được làm không ghi rõ các điều. Nhưng Quy định số 37 đã quy định rất rõ các điều từ Điều 1 đến Điều 19; đồng thời có sự biên tập lại một số điều cho chặt chẽ hơn. 

Thứ hai là bổ sung thêm 2 điều mới, đó là Điều 3 và Điều 13.

Điều 3 quy định đảng viên không được: “Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”.

Tại Điều 13, đảng viên không được: “Can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác”.

Thực tế những năm qua đã xuất hiện những cá nhân có hành động tác động đến tổ chức, cá nhân không đúng để giảm các hình phạt. Với tinh thần Đại hội XIII của Đảng là kiên quyết đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, nên việc Đảng quy định đảng viên không được làm những việc này là điểm mới, rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Thứ ba, trong Quy định số 37 đã bổ sung một số nội dung vào một số điều so với Quy định số 47. Ví dụ tại Điều 9 bổ sung nội dung là không được: “Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp; nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định”.

Lâu nay trong Đảng nhức nhối về những hiện tượng tiêu cực như vậy. Hiện tượng này mặc dù chưa nhiều và cũng không phổ biến nhưng mỗi lần xuất hiện thông tin này trên báo chí hoặc trong dư luận là cộng đồng, xã hội đều bức xúc. Vì vậy, bổ sung nội dung này là rất phù hợp với bối cảnh hiện nay và cũng là để ngăn ngừa, răn đe. Đồng thời giữ vững phẩm chất của người đảng viên cộng sản. 

Ví dụ thứ hai là bổ sung Điều 11 cấm đảng viên: “Lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.

Xuất phát từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ theo 6 dám: “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”, cho nên việc bổ sung này là rất cần thiết.

Ví dụ thứ ba là việc bổ sung một số nội dung khác - tôi nhấn mạnh đây là những nội dung cấm theo quan điểm của Trung ương như: Không được đe dọa, trù dập, trả thù người khiếu nại, tố cáo; không thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người tố cáo, phê bình, góp ý; không có hành vi chạy chức, chạy quyền... hay thờ ơ, vô cảm với các hành vi sai trái trong xã hội. Những bổ sung này sẽ có tác dụng vô cùng lớn nếu chúng ta thực hiện nghiêm. 

Thứ tư, trong Quy định số 37 đã thay đổi thứ tự một số điều so với Quy định số 47-QĐ/TW như Điều 1, Điều 2, Điều 3 cho phù hợp hơn. Sắp xếp lại từ việc cấm những điều ảnh hưởng đến sinh mệnh của toàn Đảng, đất nước trước, sau đó mới đi vào những điều cụ thể.

Một số thay đổi của Quy định số 37-QĐ/TW có ý nghĩa gì đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay, thưa ông?

Ý nghĩa lớn nhất đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay đó là trong điều kiện mới, đứng trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, với quy mô và tầm vóc lớn lao, có nhiều khó khăn, thách thức mới, hơn bao giờ hết, chúng ta càng cần phải phát huy hơn nữa truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng, chăm lo xây dựng Đảng ta thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng; thống nhất cao về ý chí và hành động; trong sạch về đạo đức, lối sống. 

Thêm quy định “cấm” đối với đảng viên, một mặt cho thấy Đảng ngày càng nghiêm khắc hơn với chính mình, mặt khác cũng đã mở rộng hơn quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với Đảng. Tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, “lấy dân làm gốc” để xây dựng Đảng, đó cũng chính là cách tốt nhất để củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, để nhân dân tin tưởng vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước.Việc thay thế quy định về những điều đảng viên không được làm có thể xem là một đợt chấn chỉnh mới của Đảng, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, giáo dục và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bối cảnh đời sống chính trị - xã hội đang có nhiều thay đổi. Việc sửa đổi, bổ sung quy định cũng nhằm mục đích gia tăng phòng ngừa, cảnh tỉnh để đảng viên có ý thức “không dám vi phạm”. Đảng thực sự cần một đội ngũ cán bộ, đảng viên không chỉ “trong sạch” mà còn “ngang tầm nhiệm vụ” để có t­­­­hể lãnh đạo đất nước hoàn thành những mục tiêu lớn đã đề ra.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đức Hiến (thực hiện)

  • Từ khóa
132144

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu