Thứ 6, 10/05/2024 00:17:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa và Con người Bình Phước 09:09, 06/01/2024 GMT+7

Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Phước Long (6-1-1975 - 6-1-2024)

“Ngọn núi tình yêu” - Sự bất tử của hy sinh, dâng hiến

Linh Tâm
Thứ 7, 06/01/2024 | 09:09:29 6,906 lượt xem
BPO - “Ngọn núi tình yêu” là bài thơ lay động về lòng quả cảm, sự anh dũng hy sinh của quân và dân Phước Long trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thông qua hình tượng ngọn núi thiêng Bà Rá. Bài thơ được in trong tập “Ý nghĩ ban mai” của nhà thơ, nhà giáo Bùi Thị Biên Linh - một tập thơ viết về vùng đất, con người Bình Phước và đã đoạt giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

“Ngọn núi tình yêu” được in trong tập thơ “Ý nghĩ ban mai” của nhà thơ Bùi Thị Biên Linh

Sự hòa quyện chất anh hùng ca và tình ca

Từ trước tới nay, thơ viết về đề tài lịch sử thường mang cảm hứng trữ tình cách mạng nên khô khan. Nhưng “Ngọn núi tình yêu” là một bản anh hùng ca, cũng là bản tình ca rất đẹp về núi thiêng Bà Rá, về cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc ta để giành lấy tự do - độc lập.

Vẫn là ngọn núi ấy phải không em

Bao năm rồi núi có còn xanh thế

Bao năm rồi đá có còn bền bỉ

Ngả tấm lưng nâng từng bước chân người!

Khổ thơ mở đầu dịu dàng quá, không giống cách mà nhiều tác giả vẫn “lên dây cót” tinh thần cho người đọc khi viết về lịch sử, về chiến tranh cách mạng. Tác giả hỏi rồi tự trả lời. Và câu trả lời giống như lời tâm tình thủ thỉ của những người đã nằm lại nơi đây, để giữ lấy núi sông này. Trải qua bao dâu bể, thăng trầm của lịch sử, ngọn núi thiêng Bà Rá vẫn mãi xanh tươi, hay chính sự xanh tươi của lòng người đối với núi thiêng mà tác giả gửi gắm vào khổ thơ mở đầu ấy!

Với người dân Phước Long, núi Bà Rá đã trở thành biểu tượng, là quà tặng vô giá của mẹ thiên nhiên. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, vùng đất Bà Rá - Phước Long là chiến trường ác liệt; là nơi thực dân Pháp đọa đày bao người con ưu tú của dân tộc, trong đó có nữ tướng anh hùng Nguyễn Thị Định. Tấm bia tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào tử nạn tại khu vực Bà Rá với những hàng tên dằng dặc là chứng tích tội ác mà thực dân, đế quốc đã gieo xuống mảnh đất này.

Những ai đã đi qua chiến tranh sẽ thấu hiểu sự khốc liệt, khi lằn ranh sống - chết chỉ gang tấc; khi chia ly, cách trở là chuyện thường tình của những đôi lứa yêu nhau. Nhưng bất chấp đạn bom, bất chấp hy sinh, tình yêu lứa đôi vẫn được ươm mầm, được nuôi lớn trong một tình yêu lớn lao hơn, thiêng liêng và cao cả hơn - là tình yêu Tổ quốc. Họ sẵn sàng xa nhau, sẵn sàng hy sinh để đất nước có được ngày sum họp vẹn toàn. Nhà thơ Biên Linh đã cảm nhận thật rõ ràng và sâu sắc tình yêu lứa đôi mang dấu ấn thời đại ấy, nên những câu thơ của chị mới có thể diễn đạt đến tận cùng tâm trạng thổn thức và kìm nén của hai người yêu nhau:

Em không nói gì buổi sáng tiễn anh đi

Mà gió! Gió cồn cào! Gió xôn xao sườn núi

Da diết vòm xanh, quay quắt lòng anh

Gió không lời hẹn ước.

Cái sự lặng yên “không nói gì” của người con gái trong buổi tiễn người yêu ra trận mới xôn xao, mới lay động làm sao! Một sự lặng yên ngập tràn âm thanh và màu sắc. Đến mức đất trời, núi non cũng rung động. Sự nghiệt ngã của thời chiến khiến sức chịu đựng của con người trở nên phi thường hơn và tình yêu cũng đặc biệt hơn. Họ chỉ đứng bên nhau, “không nói gì”, cũng “không lời hẹn ước”. Bởi người trai trẻ ra đi, nào biết mình có ngày trở về mà hẹn ước! Thế nhưng, có trời xanh và núi cao chứng giám cho tình yêu vĩnh hằng của họ. Phải có cái nhìn thật tinh tế, phải thấu hiểu và cảm thông sâu sắc về hoàn cảnh lịch sử đất nước trong những tháng ngày khốc liệt ấy, tác giả mới bật ra được những câu thơ như thế!

Nhưng không chỉ có nồng nàn, đắm say, chất trữ tình đã quyện hòa rất tự nhiên với chất anh hùng ca trong “Ngọn núi tình yêu”. Từ một tình yêu đôi lứa cụ thể, ở một địa danh cụ thể, qua góc nhìn và sự thể hiện rất riêng của nhà thơ, đã nâng lên thành tình yêu Tổ quốc. 

Đồng đội anh đi qua chiến tranh

Lặng lẽ gửi tuổi xuân mình ở lại

Em yêu ơi! Lời anh muốn nói:

Đồng đội anh đã ngã xuống đất này!

Chỉ những con người mang trong mình lý tưởng cao đẹp về sự đấu tranh cho lẽ phải; chỉ có tình yêu lớn lao và cao cả đối với quê hương, đất nước mới thấu cảm sâu đến thế về sự hy sinh của đồng đội cũng như của chính mình trong cuộc chiến khốc liệt này.

Sự bất tử của hy sinh, dâng hiến

Nhạc sĩ Trần Cao Vân, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hiện sinh hoạt tại Chi hội âm nhạc, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước trăn trở rằng, anh muốn viết một cái gì đó “thật Bình Phước” mà chưa tìm ra chất liệu. Vậy mà đầu tháng 4-2023, anh bất ngờ gửi cho tôi bản demo bài hát “Bà Rá tình yêu và khát vọng”, được phổ từ bài thơ “Ngọn núi tình yêu”. Khi tôi nói “Bà Rá tình yêu và khát vọng” đã lấy được hồn cốt của “Ngọn núi tình yêu”, nên khi hát lên nghe rất rõ chất bi tráng, anh hùng ca, rất rõ chất S’tiêng và “rất Bình Phước”. Nhạc sĩ Trần Cao Vân xúc động chia sẻ: “Khi hát đến câu “Giọt máu hồng nuôi sắc biếc vòm cây”, tôi đã bật khóc”! Vậy là sự rung cảm mãnh liệt của nhà thơ về vẻ đẹp bất tử của hy sinh, dâng hiến đã truyền dẫn trọn vẹn đến người nhạc sĩ, để ý nghĩa của sự tái sinh cái đẹp, cái cao cả thêm một lần nữa được thăng hoa.

Hãy đọc thật chậm khổ thơ cuối:

Giọt máu hồng nuôi sắc biếc vòm cây

Giọt máu hồng góp màu xanh đỉnh núi

Em có nghe không thì thầm gió gọi

Giữa ngàn xanh: Bà Rá anh hùng.

Không bay bổng, vang xa với những khái niệm mang ý nghĩa trừu tượng hay to tát, lớn lao, hình ảnh trong thơ Biên Linh thật giản dị, thân thương và tràn đầy cảm xúc. Và chính sự giản dị, thân thương ấy khiến hình tượng nghệ thuật trong bài thơ càng thêm sâu sắc và dễ đi vào lòng người.

Đất nước đau thương, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân để bảo vệ từng tấc đất, ngọn cỏ quê hương, để góp màu xanh đỉnh núi. Và hành trang lớn nhất trên con đường tiến về phía trước của những người lính là trái tim ấm nồng tình yêu quê hương, đất nước. Những người lính thời chiến đều nhận thức rõ cái chết có thể chực chờ ngay trước mặt. Thế nhưng, họ vẫn tình nguyện đi về nơi hiểm nguy ấy vì biết rằng, nếu không đối mặt với hiểm nguy sẽ không có được điều quý giá là tự do - độc lập. Và để có được điều quý giá ấy, phải đánh đổi bằng sự hy sinh. Với mạch cảm xúc và lý lẽ ấy, câu chuyện tình yêu lứa đôi trong “Ngọn núi tình yêu” không còn là câu chuyện cụ thể nữa mà đã được nâng lên, mang ý nghĩa rộng lớn hơn. Vượt qua câu chuyện tình yêu thời chiến, nhà thơ Biên Linh đã làm toát lên vẻ đẹp bất tử về sự hy sinh cao cả, nên đã chạm tới trái tim người đọc.

  • Từ khóa
186236

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu