Thứ 7, 27/04/2024 17:19:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa và Con người Bình Phước 11:09, 21/03/2024 GMT+7

Nghệ thuật âm nhạc trong hát ru của người S’tiêng

Nguyễn Thị Mỹ Liêm
Thứ 5, 21/03/2024 | 11:09:26 1,918 lượt xem
BPO - Người S’tiêng ở Bình Phước có 2 nhánh tộc chính là S’tiêng Bu Lơ và S’tiêng Bu Dêh (chưa kể S’tiêng Bu Biek, S’tiêng Bu Siếk). Về âm điệu tiếng nói cũng như một số từ vựng trong ngôn ngữ của mỗi nhánh tộc này có nhiều đặc điểm riêng. Ngoài ra, cộng đồng người S’tiêng ở các vùng khác nhau có mối quan hệ với các tộc người cộng cư, như vùng S’tiêng Bu Lơ ở xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng (đầu nguồn sông Đồng Nai) gần người M’nông nên tiếp biến ngôn ngữ, văn hóa M’nông; S’tiêng Bu Dêh (vùng dưới) sống gần người Khmer nên tiếp biến ngôn ngữ, văn hóa Khmer. Chính những đặc điểm riêng về tiếng nói, các cộng đồng, nhánh tộc S’tiêng đã tạo nên tính đa dạng trong dân ca, dân nhạc, dân vũ mà chúng ta dễ dàng nhận thấy trong những điệu hát ru.

Số lượng làn điệu hát ru khá lớn so với văn hóa âm nhạc của một số tộc người khác và có những bài chỉ là sáng tác của một dòng họ, một cộng đồng ít người. Sự khác biệt về tiết tấu, giai điệu… khiến mỗi làn điệu hát ru là một giai điệu âm nhạc đặc sắc và phong phú nhưng vẫn có những nét thống nhất với đặc điểm chung của hát ru người S’tiêng (cả nhánh tộc Bu Lơ và Bu Dêh) đã làm cho chúng ta hết sức ngạc nhiên, ngưỡng mộ và có nhiều phát hiện thú vị về nghệ thuật âm nhạc.

Nghệ nhân Thị Mương ở xã Thanh An, huyện Hớn Quản trình bày bài hát ru của đồng bào dân tộc S'tiêng - Ảnh: Điểu Lành

Về nội dung, cũng như tất cả bài hát ru trên thế giới, những bài hát ru của người S’tiêng có nội dung khuyên bảo, dỗ dành (giáo huấn ca), những câu chuyện mang tính ngụ ngôn, những lời hát như tâm tình thủ thỉ, thậm chí như lời tâm sự - từ nhu cầu tâm sự của người phụ nữ. Người S’tiêng hát bất kỳ nội dung nào dành cho đứa trẻ chỉ với mục đích, tính chất thực hành xã hội của hát ru là dỗ cho trẻ ngủ. Chính vì lý do này mà nội dung bài hát ru rất phong phú. Nhằm kéo dài thời gian diễn xướng cho đến khi đứa trẻ ngủ, nên nhiều nội dung lời chỉ là những nguyên âm hoặc âm kêu gọi, nựng nịu: ê, ơi, con ơi, ay, ai… Đôi khi chỉ là những giai điệu ngân nga mà không nhất thiết có nội dung cụ thể hoặc từ ngữ có ý nghĩa. Và, cũng vì mục đích kéo dài diễn xướng nên sinh ra hình thức lặp lại, điệp lại nguyên dạng hay không nguyên dạng… của âm nhạc.

Người hát có thể là mẹ, cha ru con, bà ru cháu, anh, chị ru em… Theo đó, nội dung lời sẽ thay đổi. Trong những điệu hát ru của người S’tiêng còn có nội dung khuyên dạy con cái, hát ru dỗ dành con khóc vì bệnh, kể những câu chuyện, đưa ra lời khuyên răn… Lời hát có thể rất dài, cho đến khi mục đích thực hành - dỗ cho trẻ ngủ đạt kết quả.

Về âm nhạc, những bài hát ru của người S’tiêng có thể chia làm 2 loại: loại hát ru có tiết tấu phân nhịp với trọng âm theo lối nhịp 2 và cấu trúc - hình thức khá hoàn chỉnh như một ca khúc dân gian ngắn có 1-2 câu nhạc. Những bài này được nhóm sưu tầm, nghiên cứu của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ công bố trong tập sách “Dân ca Sông Bé” cũng như những bản ghi âm của Viện Âm nhạc những năm 1987-1997 ở nhiều vùng. Thứ hai là loại hát ru có cấu trúc tự do, mềm mại với những câu nhạc ngắn, tự do về tiết tấu, không phân nhịp (trọng âm), tính chất giống lối hát kể, hát nói hoặc chỉ là một câu nhạc được lặp lại nhiều lần… (giống hát Tampot - Pơnraw) mà nhóm nghiên cứu Trường đại học Sài Gòn thực hiện đề tài “Âm nhạc S’tiêng Bình Phước - khảo cứu, bảo tồn và phát triển” năm 2020-2022 thu thập được ở các huyện Hớn Quản, Đồng Phú… Do mục đích dỗ cho trẻ ngủ nên phần lớn bài hát ru có nhịp độ từ chậm đến vừa phải, khoan thai, du dương, mềm mại.

Trên cơ sở đặc điểm chung về cấu trúc, hình thức, mỗi bài hát ru của người S’tiêng lại có những nét khác nhau về giai điệu, thang âm, âm điệu, nhịp điệu. Có thể thấy, hát ru của người S’tiêng có khá nhiều làn điệu, lại được thể hiện khác nhau, nhiều điệu hát là sở hữu của một gia đình, của riêng một người…

Một đặc điểm hết sức đặc trưng của hát ru người S’tiêng là ngoài hình thức thể hiện làn điệu dân ca, hát ru có thể chuyển đổi hình thức thể hiện sang cho nhạc cụ K’buot, M’hôm, Đing đuk, thậm chí còn có bài Ru con (Niêng kon) do dàn chiêng diễn tấu. Tại một số vùng, người S’tiêng Bu Lơ cho rằng, hình thức thể hiện của hát ru bằng nhạc cụ (dân nhạc) đã có từ lâu đời và được trình diễn tại nhiều dịp khác nhau như trong liên hoan sau lễ cúng (lễ thổi tai, lễ cơm mới…), trong sinh hoạt cộng đồng (đối với diễn tấu bằng dàn ching), khi đi rẫy (hình thức độc tấu K’buot, M’hôm, Đing đuk…). 

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, hát ru là bài học âm nhạc, bài học giáo dục đạo đức, nhân sinh quan, thế giới quan… cho con người ngay từ khi còn được bế trên tay mẹ. Có thể nói, hát ru là những bài học âm nhạc cho con trẻ, hát ru mang đến nguồn âm nhạc dân tộc nguyên vẹn, tinh khôi, hoàn hảo nhất và sẽ đi cùng đứa trẻ suốt cuộc đời. Hát ru không chỉ có lời ca mang đến cho con trẻ mà còn chứa đựng bản sắc âm nhạc dân tộc đầy đủ nhất, trọn vẹn nhất.

Người S’tiêng đã có một kho tàng âm nhạc để nuôi “phần hồn” vô cùng giàu có và hát ru của người S’tiêng Bình Phước phong phú, đa dạng không chỉ về hình thức, cấu trúc, mà cả thanh âm, cách thể hiện. Trong bài viết này, chúng tôi vẫn chưa bàn đến nội dung lời của những bài hát ru, bởi người S’tiêng trong quá khứ đã sáng tác hàng ngàn lời ca, giáo huấn ca, dỗ dành với những hình tượng văn chương, ẩn dụ, truyện kể, ngụ ngôn, đồng dao… trên nền giai điệu vô cùng phong phú của mình.

Có lẽ, nếu có điều kiện tìm hiểu và khảo sát nhiều hơn, chúng ta sẽ còn có thể bắt gặp nhiều làn điệu hát ru khác nữa bởi những gì chúng ta được biết cũng chỉ là một phần nào đó trong kho tàng âm nhạc dân gian của dân tộc S’tiêng. Điều đáng lo là sự thay đổi của đời sống và sự du nhập các thể loại âm nhạc khác nhau, đồng bào S’tiêng hiện nay không có nhiều dịp để hát ru con, ru em… như trước. Kho tàng âm nhạc của đồng bào S’tiêng chưa kịp ghi chép, chưa kịp hiểu biết hết thì lại đang đứng trước nguy cơ mai một…

  • Từ khóa
192418

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu