Thứ 4, 01/05/2024 01:09:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa và Con người Bình Phước 09:30, 11/04/2024 GMT+7

Văn hóa đánh bắt thủy sản của người S’tiêng

Điểu Điều
Thứ 5, 11/04/2024 | 09:30:41 1,573 lượt xem

Bài cuối:
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA

Bảo tồn giá trị của nghi lễ

Người S’tiêng thường làm nông nghiệp nương rẫy (ruộng khô) nên hệ thống lễ hội, tín ngưỡng dân gian khá phong phú và đa dạng, có nhiều nghi lễ liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và khai thác lâm - thủy sản. Ngoài nghi lễ liên quan đến quá trình canh tác lúa rẫy như lễ cầu mùa (lễ tưới thần lúa: bras ba) khi cây lúa đã trưởng thành (sau 2-3 tháng gieo hạt, tức khoảng tháng 7-8 Dương lịch), lễ mừng lúa mới (ăn lúa mới/tết) diễn ra vào cuối hoặc đầu năm Dương lịch, nghi lễ vòng đời. Người S’tiêng còn có những nghi lễ quan trọng liên quan đến việc đánh bắt sản phẩm tự nhiên như Lễ hội Vây bắt heo rừng (grung rkêi) diễn ra vào cuối hoặc đầu năm Dương lịch; Lễ hội Đánh bắt cá (krau ka) trên sông, suối hoặc phá bàu diễn ra vào tháng 2-3 Dương lịch. Đây là dịp để cộng đồng xin phép, tạ ơn các thần linh, dịp để cộng đồng trao đổi kinh nghiệm trong lao động, sản xuất.

Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát tại huyện Lộc Ninh về việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc S’tiêng, M’nông, Khmer

Người S’tiêng quan niệm thủy sản (cá, tôm, những con vật dưới nước) là tài sản của thần nước nên con người phải xin phép thần nước trước khi đánh bắt, khi đánh bắt phải theo quy định của cộng đồng (luật tục). Vì vậy, tùy mỗi hoạt động mà có những nghi thức khác nhau. Tuy nhiên, điều chung nhất là trong các nghi thức, người tổ chức hoạt động luôn phải xin phép các thần linh phù hộ cho dân làng, xin phép thần nước cho dân làng được đánh bắt thủy sản (tài sản của thần), mời gọi các thần đến cùng dự giao lưu, phù hộ cho làng. Đây là những giá trị văn hóa cần bảo tồn và phát huy.

Tính cộng cồng và bình đẳng giới

Tính cộng đồng là truyền thống quý báu, giá trị văn hóa có ở nhiều cộng đồng tộc người thể hiện rõ nét trong lao động, sản xuất, lễ hội, cưới xin, tang ma… Giá trị văn hóa (tính cộng đồng, bình đẳng giới) trong hoạt động đánh bắt thủy sản của người S’tiêng thể hiện rất rõ qua công tác chuẩn bị đánh bắt và phân chia sản phẩm sau đánh bắt. Trong quá trình chuẩn bị, trước hết người đại diện tổ chức phải thông báo rộng rãi, công khai cho cộng đồng trong làng, nhất là già làng để mọi người đều biết, được tham gia (sông, suối, bưng, bàu là của chung). Thứ hai, đánh bắt thủy sản là việc nặng nhọc nên phải vận động nhiều người tham gia (nhất là đánh bắt thủy sản trên sông), những trai tráng, thanh niên nam là người đi đào rễ cây để thuốc cá. Đối với phụ nữ, họ chuẩn bị gạo, một số ngư cụ để mang theo… Đây là truyền thống văn hóa tốt đẹp.

Đặc biệt, theo truyền thống, đầu năm người S’tiêng không có phong tục đi lễ hội, chùa chiền. Thay vào đó, họ tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng gắn với hoạt động nông nghiệp, khai thác lâm - thủy sản, vừa để kiếm lợi phẩm vừa gắn kết cộng đồng (chia sẻ tri thức) và gắn kết với thiên nhiên (các thần).

Cần tạo ra những giá trị văn hóa mới

Giao lưu văn hóa và tiếp biến văn hóa tộc người là quy luật tất yếu sẽ tác động đến các hoạt động văn hóa truyền thống. Giá trị văn hóa truyền thống không phải là hằng số, bất biến mà nó luôn vận động, phát triển. Nghiên cứu văn hóa phương Đông, tác giả Trần Chí Lương nhận xét: “Sự phát triển của văn hóa cũng giống như dòng nước chảy, có đỉnh sóng và hõm sóng, có đỉnh thịnh và có đỉnh suy. Nhưng văn hóa truyền thống không đơn thuần là dòng nước chảy, mà còn có hàm ý phức tạp hơn. Văn hóa truyền thống là một loại lịch sử” (Đối thoại với tiên triết về văn hóa phương Đông thế kỷ XXI, tr.14).

Giáo sư Phan Hữu Dật, nhà Dân tộc học đầu ngành của Việt Nam từng nói: “Văn hóa dân tộc như một cơ thể, bao giờ cũng ở trạng thái động. Nói cách khác văn hóa bao giờ cũng đi đôi với sự phát triển. Một nền văn hóa không phát triển là một nền văn hóa xơ cứng, tàn lụi dần, rồi mất đi, và khi ấy tộc người mang nền văn hóa ấy cũng sẽ bị loại ra khỏi đời sống nhân loại”.

Quá trình phát triển kinh tế - xã hội, môi trường tự nhiên bị biến đổi, nhiều không gian văn hóa (rừng, sông, suối, thác, ghềnh, bưng, bàu) đã không còn là không gian văn hóa để cộng đồng dân tộc S’tiêng tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống. Nhiều bưng, bàu trước đây thuộc quyền sử dụng của cộng đồng nay thuộc quyền sử dụng của một số tổ chức, cá nhân. Nhiều con suối bị ô nhiễm, cạn nguồn nước…

Để phát huy giá trị Lễ hội Phá bàu, trước hết cần giữ gìn không gian bàu cho tốt, không để trâu bò xâm phạm, tích nước, không làm ô nhiễm môi trường. Cần chuyển đổi tư duy từ khai thác của tự nhiên sang tái tạo không gian, làm giàu sản phẩm cho tự nhiên (quy hoạch, nuôi, trồng và khai thác hợp lý) gắn với phát triển bền vững. Mỗi năm cần thả một lượng cá nhất định, nhưng khi tổ chức lễ hội chỉ cho phép đánh bắt tối thiểu, hoặc đánh bắt chỉ mang tính hình thức, nên thả lại xuống bàu.

Xung quanh bàu cần trồng cây xanh để tạo bóng mát, mặt nước phải có cỏ cây để cá trú ẩn. Dù mỗi năm hay nhiều năm mới tổ chức lễ phá bàu một lần nhưng cần tạo ra những giá trị văn hóa mới cho cộng đồng. Đây chính là hoạt động sáng tạo theo đúng nghĩa “văn hóa là sản phẩm sáng tạo của con người”, vừa thu hút du khách đến tham quan, vừa khuyến khích, tạo thu nhập cho cộng đồng đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới.

Quá trình phát triển, không gian văn hóa, cấu trúc xã hội truyền thống của người S’tiêng có sự thay đổi nên văn hóa truyền thống bị biến đổi. Vì vậy, các địa phương càng phải vận dụng sáng tạo chính sách của Đảng và Nhà nước đối với bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số. Điều 13 Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14-1-2011 của Chính phủ về công tác dân tộc, quy định: “Hỗ trợ việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trong cộng đồng dân tộc Việt Nam”.

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nêu: “Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội”. Về giải pháp, nghị quyết nêu: “Đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, bảo đảm nhất quán từ quan điểm, mục tiêu, chương trình hành động và có thể chế, chính sách đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn”…

Nếu thực hiện tốt các vấn đề nêu trên, chúng ta có thể “biến di sản thành tài sản; biến văn hóa thành hàng hóa; biến tài nguyên thành tài chính; biến nguồn lực thành động lực; biến đổi môi trường thành thị trường; biến giá trị thành giá cả”.

  • Từ khóa
193940

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu