Thứ 5, 09/05/2024 09:58:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa và Con người Bình Phước 05:17, 07/03/2024 GMT+7

Văn hóa - một nhân tố căn bản quyết định Bình Phước phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn

TS. Nhị Lê
Thứ 5, 07/03/2024 | 05:17:52 1,985 lượt xem

(Tiếp theo kỳ trước)

Nhận diện những thách thức lớn, tiếp tục xây dựng và phát triển triết lý văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn Bình Phước

Chưa bao giờ như hiện nay, văn hóa đó là tầm nhìn, là tư duy, là quyết sách chính trị, là giá trị tinh thần của xã hội, chứ không phải là văn hóa đơn thuần, giản đơn như không ít cách hiểu. Tất cả những quyết sách về kinh tế hay chính trị, nếu không xem chúng dưới góc độ văn hóa, nói sâu hơn, bắt đầu khởi nguồn từ hạt nhân văn hóa thì rốt cuộc chỉ là giải quyết những vấn đề kinh tế đơn thuần, những vấn đề chính trị thiển cận và hời hợt, chắc chắn sẽ thất bại.

Do đó, văn hóa phải là vấn đề được đặt lên trước hết, xuyên thấm trong toàn bộ việc xây dựng những quyết sách chính trị hay kinh tế. Đó là tư duy, đó là tầm nhìn, đó là những giá trị tinh thần mà kinh tế - xã hội chính là sự kết tinh và thể hiện ở mức độ này hay tính chất kia.

Kinh nghiệm từ thực tiễn gần 38 năm đổi mới vừa qua càng cho thấy, vấn đề văn hóa không thể đứng hàng thứ 2 so với phát triển kinh tế hay xã hội; càng không thể và không được phép coi nhẹ, lãng quên văn hóa trong phát triển. Vì, đây chính là điều căn bản bảo đảm không chỉ phát triển một cách toàn diện mà đặt nền móng để có thể phát triển nhanh và đặc biệt có thể đi dài một cách bền vững và nhân văn.

Cồng chiêng của đồng bào dân tộc S'tiêng góp phần tạo không gian văn hóa đặc trưng của tỉnh Bình Phước - Ảnh: Trương Hiện

Từ tầm nhìn đó, Nghị quyết 14 khẳng định: “Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đặc biệt là phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Thực tiễn Bình Phước cho người viết bài này một vấn đề hết sức quan trọng về phương pháp luận: Cùng một đường lối chung, nhưng được thực hiện ở Hà Nội sẽ khác với TP. Hồ Chí Minh, càng khác với các tỉnh khác và đặc biệt là ở các vùng, miền cũng như vậy. Cho nên sự thống nhất trong phát triển đa dạng về văn hóa và con người cũng là nhân tố chi phối, thậm chí quyết định sự thành công hay không của các quyết sách chính trị, kinh tế hay xã hội. Đó là con đường Văn hóa phát triển bản sắc Bình Phước.

Từ thực tiễn Bình Phước càng cần nhấn mạnh, mọi quyết sách nếu không bắt đầu từ văn hóa, từ con người và cuối cùng không vì văn hóa, vì con người thì chắc chắn nhất định thất bại. Nếu trái thế, đó chính là tầm nhìn thiếu văn hóa, là cách hạ thấp văn hóa và khi đó chắc chắn thất bại, ngay từ trong phát triển kinh tế, phát triển xã hội với vai trò trung tâm là phát triển con người; và, càng không thể nói tới văn hóa vừa là nền tảng vừa là động lực của phát triển xã hội và con người, càng không thể kiến tạo xứng đáng triết lý của sự phát triển chiến lược mạnh mẽ, bền vững và nhân văn hiện tại và tương lai.

Xuất phát từ đây, nghị quyết khẳng định quan điểm chỉ đạo: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước; phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp. Xây dựng văn hóa trong Đảng và hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức giữ vai trò quan trọng” nhằm thực hiện mục tiêu chung: “Xây dựng và phát triển văn hóa Bình Phước đa dạng, bản sắc và hội nhập; vừa đậm đà giá trị văn hóa của dân tộc, vừa giàu có bản sắc của địa phương. Xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện, có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam; đồng thời, phát huy mạnh mẽ các đặc tính nổi trội là hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo”.

Để thực hiện mục tiêu bao trùm đó, cần thực hiện đồng bộ và hiệu quả hệ giải pháp căn bản và chủ yếu nhằm gắn kết chặt chẽ hơn nữa và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa phát triển văn hóa gắn với kinh tế, xã hội trực tiếp nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho nhân dân và Bình Phước phát triển nhanh, mạnh, bền vững và nhân văn.

Trước hết, phát triển văn hóa chính trị nhằm đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm khắc và nhân văn cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Nghị quyết chỉ đạo: “Xây dựng và phát triển văn hóa Bình Phước vừa đậm đà giá trị văn hóa dân tộc, vừa giàu có bản sắc địa phương, chú trọng tới các đặc tính: đa dạng, bản sắc và hội nhập. Tôn trọng, giữ gìn, bảo tồn và phát huy tốt những giá trị văn hóa đa dạng của các dân tộc và vùng miền trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và phát triển các nét văn hóa đặc trưng có tính bản sắc của Bình Phước. Tích cực tiếp thu những tinh hoa văn hóa của các vùng miền trong cả nước và các nước trên thế giới để làm cho văn hóa Bình Phước luôn phát triển, tiến bộ và có tính hội nhập cao”.

Trên cơ sở đó, Bình Phước “đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương, xây dựng văn hóa liêm chính đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các cấp. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chủ động phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; những hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hệ thống chính trị và trong xã hội”.

Mặt khác, tập trung đổi mới đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới gắn với tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm. Xây dựng chính quyền địa phương các cấp liêm chính, phục vụ, kiến tạo phát triển, thực sự “của dân, do dân, vì dân”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Dành tỷ lệ thỏa đáng (kể cả công chức cấp xã) thu hút cán bộ có năng lực nổi trội, cán bộ trẻ để tạo nguồn cơ bản và lâu dài.

Đồng thời, phải lấy lợi ích cộng đồng thống nhất với lợi ích cá nhân làm động lực phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, đẩy mạnh thông tin truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội. Bảo đảm sự giám sát của nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu; thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tạo thuận lợi và bảo vệ nhân dân trực tiếp phản ánh, góp ý về công tác cán bộ. Thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, đối thoại, lắng nghe tâm tư, thấu cảm và kịp thời giải quyết các vấn đề nhân dân phản ánh theo đúng quy định, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, uy tín và kết quả công tác, ở mỗi cương vị bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; xây dựng phong cách làm việc khoa học, dân chủ, nhân văn, chuyên nghiệp, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm và đo lường kết quả, hiệu quả.

(Còn nữa)

  • Từ khóa
191122

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu