Thứ 5, 09/05/2024 14:04:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa và Con người Bình Phước 07:10, 06/03/2024 GMT+7

Văn hóa - một nhân tố căn bản quyết định Bình Phước phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn

TS. Nhị Lê
Thứ 4, 06/03/2024 | 07:10:51 2,209 lượt xem

(Tiếp theo kỳ trước)

Trung tâm của mọi sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội hay của chính văn hóa là con người

Thực tiễn gần 38 năm đổi mới, trực tiếp là sau hơn 27 năm tái lập tỉnh, càng cho thấy con người luôn là trung tâm của mọi sự phát triển và mọi sự phát triển phải xoay quanh con người. Đây chính là tư tưởng phát triển kinh tế, phát triển văn hóa và phát triển xã hội. Bình Phước kiên định quan điểm văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực, sức mạnh nội sinh cho sự phát triển. Những năm qua, Bình Phước kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Có thể nói gọn: Chính trị hướng tới phụng sự con người, kinh tế phải vì con người, văn hóa chính là con người, cho nên con người vừa là chủ thể vừa là trung tâm vừa là mục tiêu của mọi sự phát triển. Đây là một bước tiến lớn không chỉ về mặt nhận thức lý luận mà còn ở việc tổ chức thực tiễn của Bình Phước hơn 27 năm qua.

Với sự nhận định đúng tình hình phức tạp từ xa, từ sớm, Bình Phước tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm thúc đẩy thực hiện 3 đột phá chiến lược. Đặc biệt, chủ động chăm lo phát triển con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Bình Phước, đảm bảo công tác an sinh, phúc lợi xã hội, giảm nghèo, nhân lên sức mạnh lòng tin của nhân dân làm nền tảng căn bản, là động lực chủ yếu của mọi sự phát triển.

Xuất phát từ yêu cầu thực tế, Bình Phước chủ động đổi mới cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo hoạch định chính sách phát triển đúng đắn theo hướng thiết thực, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, toàn diện trên các lĩnh vực; chú trọng khâu tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, sơ kết, tổng kết... quán xuyến toàn bộ, tổng thể và cụ thể trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chủ động, phối hợp sự thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và ổn định xã hội.

Nhân viên thuyết minh tại các khu, điểm du lịch và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Hớn Quản tham gia lớp bồi dưỡng, truyền dạy sử dụng nhạc cụ đàn đá - Ảnh: Cẩm Liên

Mặt khác, chủ động rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn; mở rộng và phát triển các dịch vụ văn hóa, khai thác các giá trị bản sắc văn hóa để phát triển du lịch, dịch vụ, tương xứng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng môi trường văn hóa gắn với “Phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... góp phần thực hiện tiêu chí nâng cấp đô thị, nông thôn thông minh, phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, văn minh, giàu bản sắc, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, giữ vững đà tăng trưởng vững chắc làm nền móng phát triển cao và hài hòa, bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội. Tập trung chỉ đạo xây dựng khu vực công nghiệp và xây dựng là trụ cột, phát triển từng bước vững chắc du lịch, dịch vụ đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và là động lực dẫn dắt tăng trưởng. Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp theo quy hoạch. Liên kết vùng phát triển mạnh thị trường trong tỉnh, thực hiện các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa.

Qua thực tiễn cho thấy, khi tình hình càng hết sức phức tạp, khó lường càng thắt chặt đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, tự lực, tự cường, càng đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, quyết liệt triển khai thực hiện linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả sự chỉ đạo của Trung ương thì càng tìm thấy cơ hội và tổ chức lực lượng tương xứng để thoát khỏi khó khăn và chủ động phát triển.

Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; phát huy sự đoàn kết thống nhất, dân chủ, kỷ cương, đổi mới sáng tạo nhằm phát triển và phát huy lòng tin của nhân dân. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị; phát huy dân chủ ở cơ sở, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện các nhiệm vụ. Chỉnh đốn việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là về kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời, kiểm soát tốt tình hình an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội.

Nếu nhân dân không tin tưởng và đoàn kết nhất định Bình Phước không có bất kỳ sự phát triển nào như vừa qua và càng không như mong đợi. Văn hóa và trung tâm con người đã và đang là khâu đột phá trước nhất bảo đảm phát triển chủ động và mạnh mẽ của Bình Phước.

Nhưng trên con đường phát triển của mình, Bình Phước đang đối diện với các thách thức, hạn chế chủ yếu: “Nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa còn hạn chế; hệ thống thiết chế văn hóa còn thiếu và chưa được đầu tư đồng bộ, phương thức hoạt động chậm đổi mới; còn thiếu các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; điều kiện hưởng thụ văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng biên giới còn nhiều khó khăn; việc chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp có nơi còn chưa được triển khai mạnh mẽ”.

Đồng thời, trong giai đoạn 2021-2025, Bình Phước đã và đang đứng trước những mâu thuẫn lớn. Một là, mâu thuẫn giữa mục tiêu phát triển cân bằng với độ “chênh”, thậm chí khác biệt giữa các vùng, miền khá lớn. Bình Phước có 58 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực III, II, I vùng DTTS và miền núi; có 46 thôn, ấp đặc biệt khó khăn (trong đó có 21 thôn thuộc 5 xã đặc biệt khó khăn). Bình Phước có hơn 1 triệu người với 41 dân tộc cùng sinh sống đoàn kết, đan xen trên địa bàn, trong đó đồng bào DTTS chiếm gần 20% dân số, nhưng lại cư trú trên hơn 85% diện tích, chủ yếu ở địa bàn miền núi, biên giới khó khăn nhưng có vị trí chiến lược trọng yếu về quốc phòng - an ninh. Tỷ lệ người DTTS sống đan xen trên địa bàn 111 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố; chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp; tập trung ở địa bàn miền núi, vùng sâu, biên giới, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh. Tỷ lệ đồng bào DTTS sinh sống ở thành thị chỉ chiếm 5,7%, so với nông thôn là 94,3%. Và, tỷ lệ đóng góp GRDP giữa 2 khu vực này rất chênh lệch. Hai là, mâu thuẫn giữa tiềm năng lớn chưa được phát huy với các thể chế, cơ chế, chính sách chưa phù hợp với tình hình mới; giữa yêu cầu phát triển với các nguồn lực có hạn cả về con người và vật chất; giữa tốc độ phát triển và chất lượng tăng trưởng. Ba là, thách thức giữa phát triển nhanh, bền vững với gia tăng khoảng cách giàu - nghèo và biến đổi khí hậu; giữa vừa phải phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững vừa phải chủ động góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

“Nguyên nhân của những hạn chế chủ yếu là do: Việc triển khai thực hiện đường lối văn hóa của Đảng có lúc, có nơi còn thiếu đồng bộ, chưa quyết liệt. Trách nhiệm của một số cấp ủy đảng, tổ chức trong hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với việc triển khai xây dựng và phát triển văn hóa chưa cao. Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, chưa thật sự tác động làm thay đổi tư duy, nhận thức, hành động về văn hóa trong tỉnh” - nghị quyết thẳng thắn thừa nhận.

(Còn nữa)

  • Từ khóa
190911

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu