Thứ 5, 09/05/2024 22:38:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa và Con người Bình Phước 04:54, 08/03/2024 GMT+7

Văn hóa - một nhân tố căn bản quyết định Bình Phước phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn

TS. Nhị Lê
Thứ 6, 08/03/2024 | 04:54:42 2,433 lượt xem

(Tiếp theo kỳ trước)

Đẩy mạnh quy mô và tốc độ chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với chuyển đổi phương thức phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh mạnh mẽ và nhân văn của nền kinh tế.

Đó chính là sự phát triển toàn diện, đồng bộ giữa kinh tế với chính trị đồng bộ với xã hội… Đó cũng chính là văn hóa. Đây chính là sự phát triển kinh tế một cách hài hòa với văn hóa, phát triển kinh tế thị trường nhưng mục tiêu của kinh tế không chỉ có tăng trưởng về kinh tế mà đồng thời cũng là phát triển về văn hóa. Đó là sự phát triển của văn hóa trong kinh tế và xã hội. Nghị quyết số 14 chỉ đạo: “Xây dựng văn hóa trong kinh tế. Động viên nhân dân, trước hết là doanh nghiệp, doanh nhân, tích cực khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh, có ý thức xây dựng thương hiệu sản phẩm, trọng chữ tín, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đề cao tinh thần chấp hành pháp luật trong kinh doanh. Tăng cường hoạt động văn hóa gắn với du lịch”.

Đại biểu tham quan, thưởng thức các tiết mục đàn, trống đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước - Ảnh: Trương Hiện

Do đó, tiếp tục cơ cấu lại khu vực công nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo vào GRDP và thu ngân sách; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng. Phát triển theo chiều sâu các khu kinh tế, khu công nghiệp có năng lực cạnh tranh quốc gia và quốc tế trở thành động lực tăng trưởng, đổi mới sáng tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số. Phát triển các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp chuyên sâu với những sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh, có lợi thế cạnh tranh. Hướng mạnh phát triển năng lượng tái tạo,  thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn văn minh. Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; kết hợp chặt chẽ, lồng ghép nguồn lực ở cả 3 cấp ngân sách và nguồn lực xã hội; đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các dự án, công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, có tác động lan tỏa, tạo đòn bẩy như: giao thông chiến lược kết nối liên vùng, liên xã, thủy lợi, giáo dục, y tế, nước sinh hoạt... Cơ cấu lại, phát triển toàn diện, bền vững cả về nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng hiện đại, gia tăng giá trị, tạo đột phá về quy mô, năng suất, hiệu quả bền vững. Thu hút doanh nghiệp phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản; nâng cao năng lực hệ thống logistics, bảo quản đạt tiêu chuẩn; hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ tài nguyên, môi trường; giữ gìn cảnh quan, không gian văn hóa truyền thống của nông thôn.

 Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại để ngày càng giữ vai trò chủ đạo. Bảo đảm an toàn cho các cơ sở dịch vụ du lịch; phát triển đa dạng sản phẩm; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch, trong liên kết vùng và hợp tác quốc tế đồng bộ, hiện đại; phát triển một số ngành, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, khả năng cạnh tranh cao như: dịch vụ du lịch; dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức; dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông; dịch vụ y tế, giáo dục và đào tạo...

Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai và các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng. Kiên trì phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp của xã hội, nhất là thông qua hình thức đối tác công - tư (PPP), để đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng; hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng năng lượng, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng văn hóa, xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao chất lượng đô thị gắn với hiệu quả kinh tế đô thị, phát triển các đô thị đồng bộ về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, kiến trúc, nhà ở, chất lượng sống của nhân dân. Văn hóa phải xuyên thấm trong tất cả lĩnh vực của đời sống: kinh tế, chính trị, xã hội và chính vì như thế, văn hóa vừa là nền tảng càng là động lực của toàn bộ công cuộc đổi mới và kiến thiết Bình Phước.

Gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Bình Phước; đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần theo các tiêu chí của “hạnh phúc”.

Suy cho cùng, văn hóa chính là con người. Phát triển văn hóa chính là phát triển con người. Nếu không có sự phát triển con người sẽ không có bất cứ một sự phát triển nào như mong muốn. Kinh nghiệm cho thấy, bất cứ ở đâu hay phương diện nào nếu chỉ coi trọng một cách đơn thuần kinh tế vị kinh tế, cốt chiếm lấy lợi nhuận một cách đơn thuần, thì chắc chắn sẽ vấp ngã. Nơi nào chỉ thuần túy chạy theo kinh tế, bất chấp văn hóa để đổi lấy kinh tế thì nơi đó sẽ thất bại, hủy hoại môi trường sinh thái, phá vỡ môi trường xã hội, đạo đức xuống cấp…

Đó chính là sự thất bại lớn nhất về văn hóa, cũng là sự thất bại lớn nhất về kinh tế. Về mặt xã hội càng thấy rõ, nơi nào chỉ chạy theo kinh tế mà quên vấn đề xã hội, coi nhẹ và lãng quên đạo đức… nơi đó sẽ gặp vô cùng khó khăn. Kinh tế vị kinh tế sẽ dẫn tới lợi nhuận vị lợi nhuận, tiền vị tiền lập tức xuất hiện. Và nhất định sẽ rơi vào tình trạng khập khiễng, bấp bênh, thậm chí thất bại.

Chính toàn bộ điều đó càng đòi hỏi phải đặt văn hóa không thể đứng hàng thứ hai so với kinh tế, chính trị - một đảm bảo cho sự phát triển Bình Phước nhanh, mạnh, bền vững và nhân văn, với trung tâm là phát triển con người Bình Phước. Ở tầm cao và sâu sắc, Nghị quyết số 14 khẳng định: “Phấn đấu đưa chỉ số HDI (chỉ số phát triển con người) của Bình Phước nằm trong nhóm từ 20 đến 25 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước”.

Nghĩa là hệ giá trị con người Bình Phước cần giữ vị trí trung tâm trong chỉnh thể xây dựng và phát triển môi trường văn hóa kinh tế, văn hóa chính trị, văn hóa và con người văn hóa, ở mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, gia đình và mỗi cộng đồng. Nghị quyết số 14 chỉ rõ: “Chăm lo xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện, có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, chú trọng tới các đặc tính: hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo. Hòa hợp là thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp lại thành một khối thống nhất và sự hài hòa trong quan hệ xã hội. Nghĩa tình là thể hiện tinh thần nhân ái, thành thật, yêu thương, chia sẻ và sống tốt với nhau. Tự cường là thể hiện ý chí vươn lên, có khát vọng và niềm tin để phát triển đất nước, địa phương, cơ quan, gia đình và bản thân. Kỷ cương là thể hiện nhận thức sống và làm việc theo Hiến pháp và phát luật, chấp hành tốt các quy định của Đảng và của tổ chức; sống trong sạch, không tham nhũng, tiêu cực và không tiếp tay, tạo điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực. Sáng tạo là thể hiện tư duy, phong cách và năng lực làm việc hướng tới tạo ra những giá trị mới về chất, tạo động lực cho sự phát triển hiệu quả của địa phương, đơn vị và cá nhân trên các lĩnh vực”. Nghị quyết số 14 một lần nữa xác định nhân tố căn bản quyết định thành công và mang tầm chiến lược là: “Xây dựng và đưa vào thực hiện bộ chỉ số hạnh phúc của người Bình Phước”.

(Còn nữa)

  • Từ khóa
191178

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu