Thứ 3, 30/04/2024 22:56:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa và Con người Bình Phước 14:01, 06/04/2024 GMT+7

“Chìa khóa” tiếp cận bạn đọc thời 4.0

Ngọc Bích
Thứ 7, 06/04/2024 | 14:01:14 1,898 lượt xem
BPO - Thư viện là nơi góp phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa đọc. Trải qua nhiều thời kỳ, đến nay, vượt qua những khó khăn, thư viện đang tích cực bắt nhịp với dòng chảy của thời đại số. Xây dựng thư viện điện tử trong hoạt động thư viện đang được xem là “chìa khóa” tiếp cận bạn đọc, góp phần nâng cao dân trí trên địa bàn tỉnh.

Giới trẻ yêu thích thư viện điện tử

Dù thời gian học rất bận rộn nhưng hai bạn trẻ Phan Nhật Ánh và Đoàn Nguyễn Minh Châu, học sinh Trường THPT chuyên Quang Trung (TP. Đồng Xoài) mỗi tuần đều sắp xếp đến thư viện hai buổi để đọc sách, mượn tài liệu phục vụ việc học và nâng cao kỹ năng trong cuộc sống. Những lúc không có thời gian, các em tranh thủ tra cứu tài liệu, đọc sách, nghe sách nói qua thư viện điện tử. Nhật Ánh chia sẻ: “Em là bạn đọc thường xuyên của Thư viện tỉnh Bình Phước. Lịch cố định đến thư viện của em là chiều thứ Ba và Chủ nhật hằng tuần để đọc sách, mượn thêm sách về phục vụ việc học và giải trí. 3 năm trở lại đây, Thư viện tỉnh đầu tư thêm thư viện điện tử nên việc tra cứu tài liệu, lựa chọn đầu sách và đọc sách với em dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, thư viện điện tử còn tích hợp nhiều tiện ích như sách điện tử, sách nói… rất thiết thực cho người đọc. Vì những đầu sách trong sách điện tử rất đa dạng, có nhiều lĩnh vực, giúp em tìm hiểu kiến thức sâu sắc hơn”.

Hai bạn trẻ Nhật Ánh và Minh Châu tìm sách đọc tại Thư viện tỉnh Bình Phước

Dù đã có thư viện điện tử nhưng đôi bạn trẻ yêu sách này vẫn giữ thói quen đến thư viện truyền thống. Để tăng sự kết nối và tiết kiệm thời gian trong tìm sách, tư liệu phục vụ việc học, Minh Châu tận dụng sự tiện lợi của thư viện điện tử vào việc tra cứu kiến thức. Chỉ với chiếc điện thoại nhỏ gọn trên tay nhưng với Minh Châu đó là một kho tài liệu, tri thức vô tận. Bởi thông qua điện thoại các em có thể truy cập vào thư viện điện tử, tìm các loại sách, tài liệu mà đôi khi thư viện truyền thống không cung cấp được. Em Minh Châu cho hay: “Khi công nghệ phát triển thì thư viện điện tử giúp ích rất nhiều trong tìm kiếm những cuốn sách em muốn đọc. Những lúc bận lịch học ở trường, không đến trực tiếp thư viện thì em lại truy cập vào thư viện điện tử để tra cứu tài liệu cần cho việc làm bài tập, bài thuyết trình của nhóm mà không cần đến trực tiếp thư viện mượn sách về nhà. Ưu điểm nổi bật của thư viện điện tử đối với em là nguồn tài liệu, nhan đề sách được số hóa là tri thức vô tận. Có những tài liệu quý nhưng đã quá cũ không thể mượn sách về được thì đã được nhân viên thư viện thực hiện số hóa, chỉnh sửa đẹp mắt. Nhờ đó, em được đọc những cuốn sách quý rất bổ ích”.

Đưa tri thức đến mọi nhà

Để có được những tài liệu hay, sách quý phục vụ bạn đọc gần xa, việc xây dựng thư viện điện tử không thể thiếu những cán bộ, chuyên viên của phòng nghiệp vụ thư viện. Họ đã cần mẫn số hóa từng trang sách, chỉnh sửa từng file ảnh để đưa lên kho tư liệu. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hương, viên chức Phòng Nghiệp vụ, Thư viện tỉnh cho biết: “Trung bình mỗi ngày tôi scan 3 cuốn sách, tùy theo số lượng trang mỗi sách. Trong quy trình số hóa tài liệu, sách thì khâu scan là nhanh nhất, nhưng khâu chỉnh sửa các file sách cho chỉn chu, sạch đẹp, cân đối hài hòa thì lâu hơn rất nhiều. Khâu này đòi hỏi người làm sự kiên nhẫn, vì có những cuốn sách đã rất cũ, giấy đã ngả màu nhưng đó là tài liệu hay, quý thì cần đầu tư nhiều thời gian chỉnh sửa, xử lý kỹ thuật để cho ra các trang sách điện tử đẹp và lưu thành file PDF đưa lên phục vụ bạn đọc”.

Số hóa tài liệu và sách đòi hỏi tính tỉ mỉ rất cao. Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Túy Vân đang scan sách

Thoạt nhìn, ai cũng có thể cho rằng đây là công việc tưởng chừng như đơn giản, nhưng với mỗi chuyên viên Phòng Nghiệp vụ, Thư viện tỉnh, khi mỗi nhan đề, đầu sách được đưa lên thư viện điện tử là đâu đó ở vùng sâu, vùng xa, người dân được rút ngắn khoảng cách địa lý để được tiếp cận với tri thức, văn hóa đọc. Vì vậy, họ phải nỗ lực để đưa ra những trang sách chất lượng nhất. Bà Nguyễn Thị Túy Vân, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Thư viện tỉnh cho biết: “Trung bình mỗi năm Thư viện tỉnh số hóa khoảng 200 tên sách, nhan đề, tương đương khoảng 130.000 trang sách. Sau khoảng 3 năm thực hiện số hóa tài liệu, từ năm 2021 đến nay, Thư viện tỉnh đã thực hiện số hóa 785 tên sách, với hơn 451.000 trang tài liệu. Đồng thời, đã xây dựng được 15 mục với tổng số tài liệu, nhan đề sách, video lên đến 2.264 tài liệu được số hóa ở nhiều lĩnh vực, như: Địa chí Bình Phước, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên; lịch sử, địa lý; nông nghiệp, công nghiệp, y học; thiếu nhi; sách nói… phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, học tập nâng cao tri thức cho người dân trên địa bàn”.

Nhu cầu tiếp cận tri thức, sách của người dân trên địa bàn tỉnh ngày càng cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện đến thư viện để mượn sách, đọc sách thường xuyên, vì vậy việc đẩy mạnh thực hiện thư viện điện tử để phục vụ bạn đọc là điều rất cần thiết. Nhờ thực hiện thư viện điện tử, số hóa sách, tài liệu nên lượng bạn đọc đến với Thư viện tỉnh trong những năm qua ngày càng tăng.

  • Từ khóa
193449

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu