Thứ 7, 27/04/2024 14:53:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Khởi nghiệp 05:44, 20/10/2022 GMT+7

KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI LHPN VIỆT NAM (20-10-1930 - 20-10-2022)

Trao cơ hội cho phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp

Thanh Tuyền
Thứ 5, 20/10/2022 | 05:44:20 1,865 lượt xem
BPO - Với cách làm sáng tạo, thiết thực, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Lộc Ninh đã tích cực hỗ trợ, trao cơ hội cho hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Tháng 9-2022, Hội LHPN huyện Lộc Ninh vinh dự được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939).

Bà Tô Thị Thêu, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lộc Ninh cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng trong quá trình thực hiện Đề án 939, các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho hội LHPN các cấp thực hiện và phát huy vai trò, trách nhiệm, từng bước thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần, tiềm năng, sức sáng tạo, giúp hội viên, phụ nữ khởi nghiệp.

Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Thanh Loan cùng lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy, Hội LHPN huyện Lộc Ninh chụp hình lưu niệm với các thành viên HTX lúa gạo chất lượng Lộc Khánh tại lễ ra mắt HTX

Hội LHPN huyện đã tham mưu UBND huyện triển khai Đề án 939; đồng thời xây dựng Quỹ Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp cấp huyện và xã với tổng số tiền 2 tỷ 290 triệu đồng. Các cấp hội cũng đã huy động vốn nhàn rỗi trong hội viên, huy động, quản lý tốt nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng hơn 128 tỷ đồng; vốn Ngân hàng Đông Á và 4 nguồn vốn khác trong hội với hơn 22 tỷ đồng. Ngoài ra, hội LHPN các cấp đã tổ chức hơn 200 cuộc tuyên truyền giúp hàng ngàn lượt hội viên, phụ nữ có nhu cầu được phổ biến kiến thức về việc làm; tư vấn kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp thành công cho 46/91 phụ nữ; hướng dẫn 14 ý tưởng tham gia 4 cuộc thi khởi nghiệp cấp tỉnh và Trung ương đạt nhiều giải cao.

Tới đây, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục khảo sát, lựa chọn đối tượng để tham gia các lớp khởi sự, quản lý kinh doanh và hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Đặc biệt, quan tâm hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn có ý chí tiếp cận thị trường, ưu tiên các mô hình kinh tế tập thể, hộ kinh doanh có ý tưởng sáng tạo hiệu quả, hộ tham gia vào các ngành nghề tạo ra sản phẩm chủ lực của địa phương.

Bà TÔ THỊ THÊU, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lộc Ninh


Các cấp hội đã hỗ trợ ra mắt 17 gian hàng tiêu thụ sản phẩm của phụ nữ 16 xã, thị trấn nhằm đưa sản phẩm của phụ nữ quảng bá trong và ngoài tỉnh. Cụ thể, hội đã liên hệ doanh nghiệp Dê cười Bình Long ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi dê Lộc Hiệp; phối hợp đưa sản phẩm của HTX hoa khô nghệ thuật Hưng Thịnh tham gia triển lãm tại hội chợ Cần Thơ trưng bày các sản phẩm nông thôn mới năm 2019; cử đại diện Tổ hợp tác chăn nuôi gia cầm xã Lộc Thái tham gia chương trình tôn vinh mô hình an toàn thực phẩm tại TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)...

Chị Đặng Thị Đông Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX hoa khô nghệ thuật Hưng Thịnh chia sẻ: "Hoa khô nghệ thuật đã gắn bó với tôi hơn 20 năm. Dù thành thạo nhưng khi có cơ hội bổ sung kiến thức kinh doanh hay triển lãm sản phẩm, tôi rất thích tham gia. Vì chăm chỉ không thì chưa đủ mà phải học tập thêm kiến thức và kinh nghiệm, như vậy sẽ giúp tôi thành công hơn, mở rộng thêm nguồn khách hàng".

Song song đó, hội cũng đã hướng dẫn thành lập HTX lúa gạo chất lượng Lộc Khánh; 9 tổ hợp tác  chăn nuôi dê tại các xã Lộc An, Lộc Thành, Lộc Thạnh, Lộc Quang, Lộc Tấn, Lộc Phú và Lộc Thuận; 1 tổ hợp tác chăn nuôi heo, 1 tổ hợp tác handmade Ái Phương, 1 mô hình phụ nữ doanh nghiệp Vui Vui và 3 mô hình cây ăn trái.

Chị Thị Lộc, Giám đốc HTX lúa gạo chất lượng Lộc Khánh cho biết: Từ tháng 4-2022, chúng tôi được Hội LHPN huyện hỗ trợ thành lập HTX với tổng vốn điều lệ 500 triệu đồng. HTX chuyên trồng các loại lúa đặc sản, chất lượng; kinh doanh lúa gạo; dịch vụ nông nghiệp. Chúng tôi đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, lợi nhuận bình quân đạt 500 triệu đồng/năm. Mục tiêu tới đây là xây dựng sản phẩm lúa được công nhận OCOP, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ nông thôn, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn xã.

Thời gian qua, các cấp hội còn phối hợp mở 4 lớp dạy nghề chăn nuôi gà, heo, dê và kỹ thuật trồng nấm; 9 lớp dạy nghề nông thôn, hướng dẫn kinh nghiệm làm ăn, giới thiệu việc làm cho hội viên và phụ nữ; đầu tư trang bị công trình vệ sinh và nước sạch, nâng cao mức sống người dân, từng bước hỗ trợ đối tượng hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ khó khăn thoát nghèo. Kết quả đã giúp được 60 hộ thoát nghèo.

  • Từ khóa
153249

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu