Thứ 5, 09/05/2024 16:18:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 05:00, 20/10/2022 GMT+7

KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI LHPN VIỆT NAM (20-10-1930 - 20-10-2022)

Hỗ trợ phụ nữ kết nối tiêu thụ nông sản sạch

Minh Khuê
Thứ 5, 20/10/2022 | 05:00:00 993 lượt xem
BPO - Thực hiện Quyết định số 939/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2022”, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã có những mô hình hay, ý nghĩa nhằm thúc đẩy hội viên khởi nghiệp. Triển khai đề án này, Hội LHPN thị xã Chơn Thành đã thực hiện mô hình “Gian hàng kết nối bình ổn giá tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch” nhằm kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do chính hội viên làm ra. Từ đó giúp chị em yên tâm tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Mục tiêu của mô hình không chỉ dừng lại ở việc bán được bao nhiêu nông sản mà là hình thành nền nông nghiệp minh bạch, bởi cả người bán và người mua đều có thể kết nối thông tin từ đầu vào đến đầu ra nông sản.

Giúp đầu ra ổn định

Gian hàng kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch của chị Nguyễn Thị Phương Thảo (ấp 5, xã Minh Thắng, thị xã Chơn Thành) hình thành giữa năm 2021. Sau hơn 1 năm hoạt động, gian hàng ngày càng được nhiều người dân trên địa bàn biết đến, bởi nguồn hàng được cung cấp là nông sản hữu cơ do chính phụ nữ ở địa phương sản xuất. Mùa nào thức nấy, các sản phẩm được chị bày bán tại gian hàng rất đa dạng, phong phú, chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp sạch. Chị Thảo chia sẻ: “Tôi bán mặt hàng thực phẩm từ rất lâu rồi. Năm 2021, khi dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn, với mục đích kết nối tiêu thụ nông sản giúp chị em nên từ đó đến nay, nguồn cung là các loại rau sạch, trái cây do hội viên phụ nữ địa phương làm ra. Khi tôi bán những mặt hàng này, người dân ủng hộ nhiều vì biết nguồn gốc các loại rau, trái”.

Sản phẩm nông sản của phụ nữ khởi nghiệp ở địa phương được chị Nguyễn Thị Phương Thảo (áo sọc đỏ) xã Minh Thắng, thị xã Chơn Thành bày bán tại gian hàng của mình. Ảnh: Như Nam

Là một trong những địa phương có diện tích sản xuất hoa màu lớn của thị xã Chơn Thành, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội vào năm 2021, xã Nha Bích cũng rơi vào tình cảnh nhiều mặt hàng nông sản khó khăn về đầu ra. Trước thực trạng đó, Hội LHPN xã đã thành lập gian hàng hỗ trợ đầu ra ổn định cho nông sản… Mặc dù gian hàng chỉ hoạt động quy mô nhỏ tại địa phương nhưng góp phần giúp nhiều phụ nữ tiêu thụ hàng hóa, có đầu ra ổn định cho sản phẩm nuôi trồng tại gia đình.


Thông qua gian hàng kết nối tiêu thụ nông sản của phụ nữ khởi nghiệp, mối liên kết giữa người sản xuất, người thu mua và tiêu thụ nông sản đã có những chuyển biến tích cực. Trong ảnh: Gian hàng của chị Lâm Thị Tô Len (ngồi) ở ấp 3, xã Nha Bích, thị xã Chơn Thành luôn đông khách - Ảnh: Như Nam

Chị Lâm Thị Tô Len, chủ gian hàng kết nối tiêu thụ sản phẩm phụ nữ khởi nghiệp ở ấp 3, xã Nha Bích bày tỏ: Sau hơn 1 năm duy trì gian hàng kết nối tiêu thụ nông sản, mỗi ngày, chị em mang sản phẩm trồng được là các loại rau, củ sạch đến gian hàng để bán, người mua cũng yên tâm hơn vì biết nguồn gốc nông sản. Từ đó việc buôn bán của mình càng phát triển mà người trồng cũng có thêm thu nhập vì các mặt hàng tiêu thụ khá dễ dàng.

Chị em an tâm sản xuất

Giữa năm 2021, Chơn Thành chỉ có 12 gian hàng, đến nay toàn thị xã có 25 gian hàng “Kết nối bình ổn giá tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch” tại các xã, phường trên địa bàn. Các gian hàng thật sự trở thành nơi hỗ trợ đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp của hội viên phụ nữ và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ngoài hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp, các gian hàng được hình thành cũng là cách thu hút phụ nữ tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình, nhất là ở vùng nông thôn.

Cũng thông qua các gian hàng, người tiêu dùng được mua hàng của người sản xuất sẽ nhanh hơn, tươi ngon hơn và giá cả hợp lý. Ảnh: Như Nam

Chị Trần Thị Kim Duyên, chủ gian hàng tiêu thụ sản phẩm phụ nữ khởi nghiệp ở ấp 6, xã Minh Lập, thị xã Chơn Thành chia sẻ: “Gian hàng của tôi hoạt động khá ổn định. Sản phẩm nông sản do các chị em ở địa phương nuôi, trồng đảm bảo sạch, an toàn nên tôi đứng ra kết nối, tiêu thụ. Khi gian hàng của tôi hoạt động tốt thì cũng khuyến khích chị em đẩy mạnh sản xuất”.

Theo hội LHPN các xã, phường, các gian hàng đã phần nào giúp hội viên chủ động tăng gia sản xuất, đồng thời giúp người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm nông nghiệp sạch, hữu cơ. Những gian hàng đi vào hoạt động còn tạo điều kiện cho các địa phương quảng bá, giới thiệu sản phẩm chất lượng, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đến người tiêu dùng. “Sau khi thành lập gian hàng thì nhiều phụ nữ trên địa bàn biết đến, họ mang sản phẩm từ vườn nhà đến gian hàng tiêu thụ. Theo đó, sản phẩm bán ra tăng nhiều hơn so với trước” - chị Nguyễn Thanh Hồng, Chủ tịch Hội LHPN xã Nha Bích cho biết.

Từ khi thực hiện đến nay, những gian hàng của phụ nữ khởi nghiệp đã có sức lan tỏa rộng, vừa giúp chị em không lo đầu ra sản phẩm khi trồng trọt, chăn nuôi ở gia đình, đồng thời người dân cũng như hội viên phụ nữ an tâm khi sử dụng sản phẩm sạch, hữu cơ ngay tại địa phương. Hơn nữa, các gian hàng của phụ nữ đảm bảo tiêu chí bình ổn giá để ổn định cuộc sống phụ nữ nông thôn...

Bà MẠC THỊ THANH BÌNH, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Chơn Thành


Việc hình thành những gian hàng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có ý nghĩa thiết thực. Bởi, sản phẩm được chính những bà nội trợ sản xuất, họ hiểu được nhu cầu thị trường, hiểu về chất lượng, quy chuẩn để áp dụng vào quy trình sản xuất. Còn với người tiêu dùng, một khi biết được xuất xứ, nguồn gốc nông sản, họ sẽ lựa chọn các sản phẩm chất lượng với giá hợp lý và ổn định.

  • Từ khóa
153246

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu