Thứ 2, 20/05/2024 13:33:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 06:15, 20/10/2022 GMT+7

KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI LHPN VIỆT NAM (20-10-1930 - 20-10-2022)

Mua hàng bằng… nụ cười

Thanh Nga
Thứ 5, 20/10/2022 | 06:15:13 1,253 lượt xem
BPO - Hơn 2 tháng nay, một quầy hàng nhỏ mở vào sáng thứ Năm và sáng Chủ nhật hằng tuần tại nhà văn hóa khu phố Tân Tiến, phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài đã trở nên quen thuộc với người nghèo. Nơi đây cung cấp nhiều mặt hàng, từ gạo, mì gói, tôm, cá cho đến bó rau... “Phí thanh toán” chính là nụ cười, là lời cảm ơn vội để nhường chỗ cho người đến sau.

Gian hàng nghĩa tình

Quầy hàng nhỏ nhưng các mặt hàng lương thực, thực phẩm để hỗ trợ người nghèo được bày biện khá ngăn nắp, với đầy ắp các loại rau, củ, quả xanh mướt phía trước, phía sau là kệ hàng với các túi gạo, nước mắm, dầu ăn, vỉ trứng, bịch đường… 

Quầy hàng mở cửa từ 7 giờ 30 phút nhưng để có tươm tất các mặt hàng, các thành viên đã có mặt từ sáng sớm. Người thì chạy ra chợ Đồng Xoài tranh thủ chở về bó rau tiểu thương cho; người lại về vườn nhà hái nhanh mớ rau muống, rau lang đem đến quầy hàng; người khác đi chở bao gạo, thùng mì gói mạnh thường quân hỗ trợ… Tích cóp từ nhiều nguồn, các mặt hàng tại đây cứ thế mà đủ đầy cho người nghèo.

Gian hàng 0 đồng của Chi hội Phụ nữ khu phố Tân Tiến, phường Tân Xuân đã trở thành “chợ” quen thuộc của những người nghèo, khó khăn

Như thường lệ, khi quầy hàng mở cửa, chị Bùi Thị Kim Khánh lại có mặt và chọn một số món phù hợp nhu cầu của gia đình. Nhà có 5 người nhưng chỉ có chồng là lao động chính, cuộc sống gia đình chị vẫn còn nhiều khó khăn. Một tuần 2 lần đến đây, chị cũng tiết kiệm được một khoản để lo cho gia đình. Chị Khánh vui mừng chia sẻ: Gọi là đi chợ chứ có tốn đồng nào đâu, 2 lần/tuần cũng giúp tôi tiết kiệm được hơn 100 ngàn đồng. Số tiền đó tôi để dành mua sữa, mua bỉm cho con. Việc làm của các cô tại quầy hàng rất ý nghĩa! 

Tham gia thành lập và duy trì quầy hàng 0 đồng là các thành viên của Chi hội Phụ nữ khu phố Tân Tiến, phường Tân Xuân. Phải thức khuya, dậy sớm hơn nhưng với họ đó là niềm vui, bởi tất cả đều mong đồng hành và giúp người nghèo vơi bớt khó khăn, vất vả trong cuộc sống. Bà Huỳnh Thị Yến, Chi hội Phụ nữ khu phố Tân Tiến chia sẻ: Chúng tôi thành lập quầy hàng này không gì ngoài mục đích được san sẻ những vất vả đối với người nghèo, khó khăn. Rất may được sự ủng hộ của mọi người, quầy hàng tuy không lớn, chưa đủ đầy nhưng vẫn được người dân tin yêu và đều đặn đến lấy hàng về. 

Để có thể duy trì các mặt hàng, ngoài phương châm “có gì góp nấy” của Chi hội phụ nữ, đó còn là tranh thủ sự ủng hộ của các mạnh thường quân. Những phần quà tuy nhỏ nhưng góp phần cải thiện bữa ăn cho người nghèo, khó khăn, ai cũng thấy vui. Ông Đinh Văn Phóng là một trong những mạnh thường quân chia sẻ: Mình rất khâm phục việc làm của các chị ở gian hàng này. Bản thân cũng không có đóng góp gì nhiều, khi thì bao gạo, khi thùng mì gói, chỉ mong góp chút nhỏ giúp người dân vơi bớt khó khăn trong cuộc sống. 

Khi yêu thương nảy nở

Đi mua hàng nhưng “trả phí” bằng nụ cười, điều này đã được duy trì tại quầy hàng trong 2 tháng qua. Nhưng hơn hết, đó là khi người khó hiểu sâu sắc ý nghĩa của sự cho đi - nhận lại. Một buổi đi chợ như vậy, họ đều chủ động để lại một số tiền nhỏ của mình để góp phần giúp quầy hàng duy trì tốt hơn. Ít thì 1.000 đồng, nhiều thì 5.000 - 10.000 đồng - số tiền rất nhỏ so với lượng hàng mà họ đã nhận. Đó là kết quả của tình người nảy nở trong yêu thương, là khi người nghèo biết cách sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. 

Bà Trần Thị Hạnh, người thường xuyên đến quầy hàng cho biết: Mỗi tuần tôi đi chợ ở đây 2 lần, mỗi lần như thế tôi để lại một ít tiền. Góp một chút cũng là cách để chúng tôi đồng hành và duy trì quầy hàng được lâu hơn và bản thân mình tuy nghèo nhưng vẫn làm được việc có ý nghĩa. 

Người khởi xướng mô hình ý nghĩa này là chị Nguyễn Thị Ngoan. Mục đích ban đầu chỉ là giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với người khó nhưng nay “lá rách lại đùm lá rách hơn” khiến chị vô cùng hạnh phúc và tự hào với ý tưởng của mình. 

Ngoài thực phẩm, quầy hàng 0 đồng còn có áo quần, các loại giỏ xách handmade cũng do đôi bàn tay khéo léo của các chị em thực hiện. Để rồi sáng thứ Năm, Chủ nhật hằng tuần, không gian nơi đây lại rộn ràng bởi tiếng họp chợ, tiếng cười, nói. Họ đến không đơn thuần là đi chợ, mà đến để tìm cho mình niềm vui, tình người trong cuộc sống và cùng nhau lan tỏa những hành động đẹp. Đơn giản nhưng thiết thực, việc làm này thể hiện trọn vẹn hơn hình ảnh “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt”.

Sau mỗi buổi chợ vào thứ Năm và chủ nhật hằng tuần, ngoài những nụ cười, lời cảm ơn, chúng tôi cũng nhận về hơn 100 ngàn đồng. Khi cầm số tiền đó, thực sự tôi và các chị em trong nhóm rất hạnh phúc. Bởi không quan trọng số tiền nhiều hay ít, nhưng đó là sự thay đổi, là sự đồng lòng, góp sức để mỗi người sẽ vượt qua khó khăn, tin tưởng và hướng đến những điều tốt đẹp trong xã hội.

Chị NGUYỄN THỊ NGOAN,
người khởi xướng quầy hàng 0 đồng ở khu phố Tân Tiến, phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài


  • Từ khóa
153252

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu