Thứ 2, 20/05/2024 03:31:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 16:28, 08/03/2012 GMT+7

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân

Thứ 5, 08/03/2012 | 16:28:00 114 lượt xem

Đã có hàng ngàn bài báo viết về nạn phong bì ở bệnh viện, nhất là từ khi Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát động phong trào “Quy tắc ứng xử nâng cao y đức”, trong đó có vấn đề “nói không với phong bì”. Cũng đã có không ít bài viết về nạn phong bì gắn với sự xuống cấp về đạo đức trong ngành y. Nhưng, vì sao lại có nạn phong bì thì cần có cái nhìn khách quan hơn đối với những người “trong cuộc” bởi “tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Nếu không, cuộc phát động này sẽ là kiểu “đánh trống bỏ dùi” của Bộ trưởng mà thôi.

Thời gian qua, đã có quá nhiều dư luận không tốt về những nhân viên y tế có thái độ coi thường người bệnh, phân biệt đối xử, thờ ơ vô cảm… Còn những ai muốn không bị đau thì phải bỏ vào túi người tiêm cho họ năm bảy mươi ngàn hoặc nhiều hơn nữa. Bệnh nhân thay băng nếu không “biết ý” thì bị giật, xé thô bạo. Nhưng khi có tiền bồi dưỡng thì nhân viên y tế thay đổi hẳn thái độ. Do vậy, nạn phong bì đã trở thành một thứ “lệ”, nó phổ biến đến nỗi hễ ai không làm theo thì là chuyện bất thường, vô lý. Ví như việc bồi dưỡng cho bác sĩ phẫu thuật. Tình trạng kê đơn thuốc gồm toàn những thuốc ngoại quá đắt; bắt tay với đơn vị phân phối thuốc để ăn hoa hồng; phẫu thuật nhưng cố tình không giải quyết triệt để nguy cơ gây bệnh; hay tổ chức khám chữa bệnh lưu động trái phép, lạm dụng y thuật để lừa bệnh nhân… cũng không phải là chuyện hiếm. Đó cũng là nguyên nhân để Bộ Y tế phát động cuộc vận động “Quy tắc ứng xử nâng cao y đức”.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế, tất cả mọi yếu tố, hành vi đều do con người gây ra. Một cuộc khảo sát mới nhất của ngành chức năng cho thấy nạn phong bì lót tay cho bác sĩ chiếm tỷ lệ gần 80% là do con người (người bệnh, người nhà bệnh nhân) tự nguyện đưa. Mà quy luật của cuộc sống, đưa là nhận nên không thể đổ lỗi cho tất cả nhân viên ngành y vòi vĩnh bao thư. Lý do nào để người bệnh, người nhà bệnh nhân tự nguyện đưa phong bì cho bác sĩ? Đó là đưa để cảm ơn bác sĩ đã cứu chữa, đưa phong bì vì sợ không được chăm sóc tốt. Vậy, tâm lý của người bệnh khi đến các cơ sở y tế đều ngấm ngầm chuẩn bị bao thư như hình thức đối phó dẫn tới hệ quả sự rỉ tai của con người với nhau. Thấy bệnh nhân A dấm dúi bao thư, bệnh nhân B cũng làm theo cho bằng ông A để được sự quan tâm hơn? Cho nhiều thành quen, chính điều này đã tạo vấn nạn phong bì. Từ trước đến nay, chưa thấy ai phản ánh tình trạng, bác sĩ A, B… đòi phong bì trước khi chữa bệnh, chưa vụ án nào xét xử bác sĩ đòi bao thư khi cứu người. Vậy đổ tội cho ngành Y đẻ ra nạn phong bì là hoàn toàn không thể.

Một yếu tố khác cũng là do con người (người bệnh, người nhà bệnh nhân) đẻ ra nạn phong bì đó văn hóa ứng xử. Khi vào bệnh viện, thì tâm lý người bệnh ai cũng muốn mình nhanh chóng được cứu chữa, được quan tâm, được sử dụng thuốc tốt. Nên hiện tượng nhốn nháo, tranh giành thứ tự, cãi cọ… của người bệnh ở các phòng khám, cơ sở y tế là điều không hiếm xảy ra. Mà họ không hề biết rằng, đã điều trị thì phải theo phác đồ, tức là khám, theo dõi, chẩn đoán, chữa… là cả một quá trình kéo dài. Do tâm lý này, nên người bệnh thường nhờ vả người quen, chạy chọt… lo bao thư để mình được “ưu tiên”. Việc ưu tiên khám, chữa trước ngoài mục đích bảo vệ sức khỏe còn thể hiện “đẳng cấp” của người bệnh trong “quen biết với ngành y” để lòe thiên hạ. Vào viện ai cũng khoe, quen ông này, thân bác sĩ nọ… để lấy oai cho vui. Thực sự, dù “con cha, cháu chú”… cũng phải điều trị theo phác đồ.

Một điều nữa là thu nhập của đội ngũ nhân viên y tế quá thấp so với mặt bằng xã hội, nên ai cho thì nhận còn nhiệm vụ vẫn phải hoàn thành dẫn tới tình trạng cho và nhận. Hệ lụy của nó là nạn phong bì.

Yếu tố nữa là các trang thiết bị quá lạc hậu, cơ sở khám, chữa bệnh, tay nghề… của ngành y không được đầu tư theo nhu cầu nên dẫn tới hiện tượng quá tải. Đã quá tải thì người càng dễ nảy sinh tâm lý chạy chọt dẫn tới nạn phong bì để mong được chiếu cố sớm.

Vậy, ngành y không tự đẻ ra nạn phong bì. Người đẻ ra nạn phong bì là tâm lý người bệnh, là cơ chế về tiền lương về nhu cầu khám và chữa bệnh của con người về sự tụt hậu về hạ tầng kỹ thuật dẫn tới nạn phong bì. Do vậy, khi lên án nạn phong bì thì phải xem xét yếu tố của người bệnh, của đời sống cán bộ nhân viên ngành y, về trang thiết bị… Nên vấn đề phong bì trong ngành y cần nhìn cả 2 mặt, chứ không chỉ có lỗi của người thầy thuốc.

Để khắc phục vấn nạn này, ngoài những chế tài xử phạt nghiêm minh cần có một chiến lược phát triển tổng thể (giáo dục, đào tạo, đời sống cho người thầy thuốc, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, cơ sở khám chữa bệnh...) sự quan tâm toàn xã hội (trong đó có cả người nhà bệnh nhân). Đặc biệt là xóa bỏ tâm lý của người bệnh khi đến các trung tâm, cơ sở khám chữa bệnh… thì hoàn toàn có thể giải quyết được. Nếu không, yếu tố “nói không với phong bì” chỉ là hồi trống đánh xong bỏ dùi và rơi vào quên lãng. Ngày thầy thuốc vừa mới đi qua, hãy nhìn nhận vấn đề về bao thư một cách thiết thực thì tiên trách kỷ hậu trách nhân như đã phân tích.

Tấn Phong

  • Từ khóa
111550

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu