Thứ 2, 20/05/2024 04:54:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:49, 30/07/2019 GMT+7

Ẩn số chung trong nông nghiệp

Thứ 3, 30/07/2019 | 09:49:00 128 lượt xem
BP - Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17-7-2019, Chính phủ đã đề ra tầm nhìn và mục tiêu đến năm 2030 nước ta phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, trong đó có mục tiêu đến năm 2030 nông nghiệp Việt Nam trong top 15 nước phát triển nhất thế giới, chế biến nông sản trong top 10 nước hàng đầu thế giới. Trong 10 năm tới, làm thế nào để Việt Nam đạt được những mục tiêu to lớn đó là một bài toán không đơn giản.

Số liệu của cơ quan chức năng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam năm 2018 lập kỷ lục đạt 40,5 tỷ USD. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã đứng thứ 15 và xuất sang hơn 180 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Như vậy, về kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam đã trong số 15 nước hàng đầu thế giới. Song kim ngạch xuất khẩu và sự phát triển là hai vấn đề khác nhau. Nói cách khác, về số lượng xem như nước ta đã đạt mục tiêu, còn chất lượng - mức độ phát triển còn nhiều điều phía trước.

Dễ nhìn thấy nhất là xuất khẩu nhiều, song giá trị và trình độ chế biến nông sản của nước ta còn thua kém rất nhiều nước có sản lượng nông sản và kim ngạch xuất khẩu thấp hơn, thậm chí không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Điển hình như hồ tiêu, từ năm 2001, Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới và hiện đạt khoảng 50% sản lượng xuất khẩu toàn cầu. Dù dẫn đầu thế giới về sản lượng lâu như vậy, nhưng đến nay nước ta vẫn chỉ xuất thô, gần như chưa chế biến được sản phẩm từ hạt tiêu. Ngược lại, những quốc gia có diện tích trồng tiêu “chỉ đủ kho cá” thậm chí không một trụ tiêu nào lại có doanh nghiệp, cơ sở chế biến, giá trị chế biến hồ tiêu hàng đầu thế giới như Mỹ, Hà Lan... Điều đáng lưu ý hơn là càng ngày lợi ích, lợi nhuận từ chế biến, phân phối ngày càng một lớn hơn so với sản xuất nguyên liệu.

Giá trị chế biến nông sản nước ta hiện đạt khoảng 20% so với giá trị sản phẩm nông nghiệp thô. Đạt được tỷ lệ này nhờ có sự nỗ lực rất lớn của ngành nông nghiệp từ vĩ mô đến từng doanh nghiệp và là kết quả đáng mừng. Thế nhưng, nếu nhìn sang láng giềng Thái Lan - một nước có nhiều nét, nhiều điều kiện tương đồng với nước ta - hẳn nhiều người sẽ “tá hỏa”: Giá trị chế biến nông sản của Thái Lan những năm gần đây đã bằng khoảng 90% giá trị sản phẩm nông nghiệp thô. Xa hơn chút như Hàn Quốc, Nhật Bản đã tạo ra giá trị chế biến nông sản gấp 2-3 lần so với sản phẩm nông nghiệp thô.

Câu chuyện này cho thấy sự khác nhau giữa mức độ phát triển và kim ngạch xuất khẩu. Và qua đó cũng cho thấy lọt vào top 10 về chế biến nông sản càng khó khăn hơn. Bởi trên đường đua phát triển đó, không chỉ có mình Việt Nam mà còn nhiều quốc gia khác cũng không ngừng đặt ra những mục tiêu, chiến lược đáng nể. Sản xuất nông nghiệp nước ta phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên thiên nhiên ưu đãi. Song tài nguyên chỉ có hạn và giá trị mang lại thấp hơn nhiều so với các khâu khác như chế biến, tiêu thụ...

Không còn cách nào khác phải giải được bài toán nông sản có giá trị cao hơn, chất lượng và thương hiệu tốt hơn, đặc biệt là bài toán chế biến. Nhiều ẩn số trong phép tính tổng hợp này. Song từ những phân tích đã dẫn cho thấy, có một ẩn số chung không thể thiếu trong mọi trường hợp, đó là vai trò và sự chung tay của doanh nghiệp. Nếu không có doanh nghiệp, doanh nghiệp đứng ngoài cuộc hoặc thờ ơ, không mặn mà, không có môi trường phát triển tốt và sản xuất nông nghiệp vẫn “nhờ trời”, bài toán này sẽ khó có thể giải được.

Trần Phương

  • Từ khóa
109156

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu