Thứ 2, 20/05/2024 05:48:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:19, 12/07/2019 GMT+7

Tiếp sức cho ước mơ!

Thứ 6, 12/07/2019 | 09:19:00 91 lượt xem
BP - Văn phòng Chủ tịch nước vừa họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố các luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 7, trong đó có Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Luật này có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 và được dư luận đặc biệt quan tâm.

Theo Khoản 4, Điều 99 Luật Giáo dục năm 2019, học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa thay vì không phải đóng học phí như hiện nay. Nhưng nếu người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm tốt nghiệp không làm đúng ngành hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Thời gian hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo.

Thông tin “hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt” là niềm vui lớn đối với nhiều học sinh có ước mơ làm thầy cô giáo. Thế nhưng vấn đề đặt ra, nếu sinh viên sư phạm tốt nghiệp mà thất nghiệp vì không được tuyển dụng vào ngành giáo dục dù họ rất muốn đi dạy thì buộc phải bồi hoàn kinh phí có phải là tạo áp lực lớn cho những sinh viên này? Thực tế rất nhiều sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp vì nhiều tỉnh, thành trong nhiều năm không có nhu cầu tuyển dụng giáo viên, không tuyển dụng ngành nghề họ đã học. Như vậy, sinh viên phải làm sao đáp ứng được điều kiện khi tốt nghiệp có ngay việc làm để không bị “nộp phạt” - hoàn lại kinh phí đào tạo?

Thời gian qua, dư luận đã có nhiều ý kiến cho rằng, các trường cần phải đào tạo theo đơn đặt hàng của các địa phương. Đây là cách tốt nhất đảm bảo ngân sách sử dụng có hiệu quả; đảm bảo sinh viên sư phạm ra trường có việc làm như công an, quân đội. Phương thức đào tạo có địa chỉ đầu ra góp phần nâng cao vị thế nghề giáo, giúp tuyển chọn được học sinh giỏi vào nghề sư phạm. Nhưng hiện nay, đó mới chỉ là bàn thảo và mong muốn của số đông, chưa có kết luận cuối cùng của đơn vị có thẩm quyền.

Khi lựa chọn thi vào ngành sư phạm, ai cũng có lý do của mình. Có em vì phụ huynh, có em vì đam mê và cũng có không ít học sinh lựa chọn học sư phạm vì được miễn, giảm học phí. Điều này thực sự cần thiết đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng nếu sau 2 năm tốt nghiệp mà không xin được việc, đang phải “ăn bám” cha mẹ các em thì lấy đâu ra kinh phí bồi hoàn vì chưa có việc làm đúng ngành đã học?

Thực tế hiện nay, rất hiếm sinh viên ra trường không muốn đi dạy, mà chỉ là họ không thể xin được việc. Minh chứng là tỷ lệ sinh viên sư phạm ra trường đang thất nghiệp luôn ở top cao trong số các ngành nghề đào tạo hiện nay. Đó là chưa kể do nhìn thấy sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp nhiều nên thí sinh đăng ký vào ngành này rất ít, dẫn đến các trường buộc phải hạ điểm chuẩn để đạt chỉ tiêu tuyển sinh, kéo theo hệ lụy về chất lượng sinh viên tốt nghiệp...

Luật đi vào cuộc sống, mong rằng phát biểu của Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ vừa qua sớm trở thành hiện thực: Phải làm sao cho sinh viên vào ngành giáo dục yên tâm. Sau khi ra trường, sinh viên được phân công công việc ngay mà không cần nghĩ ngợi xin việc ở đâu cả. Khi đó ngành sư phạm sẽ thu hút được học sinh giỏi, nâng cao chất lượng nhà giáo như kỳ vọng của cộng đồng xã hội.

An Nhiên

  • Từ khóa
109144

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu